23/09/2021 14:12 GMT+7

Bến Tre có hơn 1.000 cán bộ lãnh đạo kiêm nhiệm

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Ngày 23-9, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức “Hội nghị sơ kết việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm theo kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị và nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy". Qua 2 năm thực hiện, toàn tỉnh Bến Tre có 1.017 trường hợp kiêm nhiệm.

Bến Tre có hơn 1.000 cán bộ lãnh đạo kiêm nhiệm - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thọ - bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ông Lê Đức Thọ - bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho biết trong đó, cấp tỉnh có 2 người; cấp huyện 26; cấp xã 180; ấp, khu phố có 809 điểm. Việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm đã góp phần giảm các đầu mối, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và người hoạt động không chuyên trách, việc xử lý và triển khai thực hiện nhiệm vụ có đồng bộ và nhanh hơn so với trước.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể, một số cán bộ bố trí kiêm nhiệm trong lãnh đạo, điều hành chưa toàn diện, đôi lúc thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, sắp xếp thời gian chưa hợp lý, chất lượng và hiệu quả công việc chưa cao.

Một số nơi chậm chấn chỉnh, bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp. Thực hiện kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu một số cơ quan của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền, bí thư kiêm chủ tịch UBND xã, bí thư kiêm trưởng ấp, khu phố tỉ lệ đạt thấp so với yêu cầu.

Với vai trò là một người kiêm nhiệm 2 nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Dũng - bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Bình Đại - cho biết trong thời gian qua xảy ra dịch bệnh, mô hình kiêm nhiệm bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp trên địa bàn huyện hoạt động rất hiệu quả. Khi công việc ở ấp thì bí thư triển khai công việc xuống tận cơ sở, rất sát với đời sống người dân và đạt hiệu quả cao.

"Riêng bản thân tôi, khi đảm nhận 2 chức vụ thì tôi nhận thấy có thuận lợi và cũng có khó khăn. Thuận lợi là khi đưa ra chủ trương và thực hiện rất nhanh và hiệu quả. Điều hành công việc thì khi có công việc đột xuất giải quyết rất nhanh và thuận lợi.

Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình này thì khối lượng công việc nhiều, nhiều văn bản để nghiên cứu, mất nhiều thời gian để hoàn thành công việc. Hội họp rất nhiều, có những cuộc họp với vai trò chủ tịch, có những cuộc họp với vai trò bí thư. Tất nhiên có những cuộc họp có thể giao cho cấp phó nhưng cũng có những cuộc họp đích thân tôi phải tham dự".

Ông Lê Đức Thọ cho rằng để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình kiêm nhiệm, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần xác định việc thực hiện chủ trương bố trí các mô hình kiêm nhiệm là nhiệm vụ quan trọng để tạo sự đột phá trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

"Để thực hiện tốt các mô hình kiêm nhiệm, nhất là chức danh kiêm nhiệm ở cơ sở, bí thư kiêm trưởng ấp, khu phố, ngoài trình độ, năng lực, nhiệt tình và trách nhiệm, cấp ủy các cấp cần chú trọng về điều kiện kinh tế của gia đình để cán bộ, đảng viên an tâm công tác, tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên quan tâm, động viên và hỗ trợ cho cán bộ đảm nhiệm kiêm nhiệm", ông Thọ nói.

Tăng kiêm nhiệm, bớt cấp phó để tăng lương Tăng kiêm nhiệm, bớt cấp phó để tăng lương

TT - “Tôi rất lo biên chế không giảm, kể cả khối hành chính và khối sự nghiệp công. Như thế là mâu thuẫn lớn lắm so với ý đồ lớn là cải cách chính sách tiền lương, làm sao để công chức sống được bằng lương”.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên