16/03/2019 11:52 GMT+7

Bê bối 'chạy trường', các đại học Mỹ phải tự xử

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Trong khi hơn 30 phụ huynh đã bị đưa ra xét xử tuần này vì 'chạy trường' đại học cho con, số phận của nhiều sinh viên có liên quan vẫn chưa rõ mặc dù không ai trong số này bị tòa buộc tội.

Bê bối chạy trường, các đại học Mỹ phải tự xử - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Lori Loughlin (giữa) và hai con gái - Ảnh: TEEN VOGUE

Theo tạp chí Time, tại thời điểm này, ít nhất có 6 trường hợp đã bị từ chối tiếp nhận vì liên quan bê bối 'chạy trường' đại học của các gia đình giàu có ở Mỹ vừa bị phanh phui tuần qua.

Tuy nhiên số phận của nhiều sinh viên khác, đặc biệt là những sinh viên đã vào học rồi, vẫn chưa rõ sẽ bị xử lý thế nào.

Các trường "tự xử"

Tổng chưởng lý bang Massachusett, ông Andrew Lelling, cho biết việc xử lý ra sao với những sinh viên này tùy thuộc một phần vào các trường. Mỗi trường sẽ có quyết định riêng.

"Chúng tôi sẽ để việc đó cho các trường xử lý. Đó không phải phạm vi của tôi. Về phần các cáo buộc với họ, chúng tôi vẫn đang cân nhắc. Đó không phải một sự cố rủi ro mà không có sinh viên nào bị cáo buộc trong hồ sơ buộc tội. Các phụ huynh, những bị cáo khác, rõ ràng là động lực chính trong trò gian lận này. Chúng tôi vẫn đang xem xét có buộc tội sinh viên nào không".

Trong trao đổi với đài CNN, bà Christine Helwick - cựu luật sư từng làm việc cho hệ thống trường USC, cho biết "về tương lai của những sinh viên này, sẽ không có một giải pháp đúng chung cho tất cả". "Đó sẽ là vấn đề được quyết định trên từng trường hợp", bà nói.

Còn trong trường hợp họ đã tốt nghiệp, bà Helwick nói bà nghi ngờ khả năng một trường sẽ hủy bỏ bằng ĐH họ đã cấp. Theo đó, chuyên gia này cho rằng các trường ĐH đang đối mặt với các quyết định khó khăn nhất với các sinh viên hiện đang theo học. Và họ sẽ phải xem xét chuyện sinh viên đó biết hay không việc gian lận kia.

Còn theo ông Ed Boland - một cựu cán bộ tuyển sinh của ĐH Yale, trường cần điều tra để biết đích xác sinh viên có biết chuyện gian lận này không, và nếu thế, sinh viên đó có tham gia vào quá trình đó hay không. Từ đó sẽ có quyết định xử lý thỏa đáng với họ.

Theo trang Vanity Fair, cho tới ngày 15-3, một số sinh viên liên quan tới bê bối gian lận chạy trường đã xóa tài khoản mạng xã hội của họ, tắt tính năng cho phép bình luận hoặc cài chế độ riêng tư để tránh "búa rìu dư luận".

Chỉ có duy nhất một sinh viên bị liên đới là anh Jane Buckingham, một người nói đã không biết mẹ mình từng phải hối lộ 50.000 USD để thuê một sinh viên khác thi thay cho anh trong kỳ thi đầu vào ACT của trường đại học, đã phát thông cáo về sự việc.

Sinh viên này cho biết anh rất buồn khi hay tin có liên đới tới vụ gian lận mà không hề biết gì, và dù "được khuyên không nên nói về vấn đề này" nhưng anh vẫn quyết định phải nói ra để tự giải tỏa những bức xúc đang đè nặng trong lòng.

Theo đài CNN, bản khai của các cá nhân liên đới bê bối tại tòa cho thấy một số sinh viên đã biết về chuyện gian lận, nhưng số khác không biết.

Nên tự mình "đứng dậy"

Theo ông William M. Moran - một luật sư kiêm chuyên gia xử lý khủng hoảng, nếu được làm việc với các sinh viên có liên đới bê bối, ông sẽ khuyên họ nên rút khỏi trường.

Ông Moran nói sẽ khuyên họ nên bắt đầu lại bằng cách tự tìm cho mình một công việc bình thường, kiểu lao động tay chân, như phục vụ bàn, để họ hiểu làm việc thực sự là như thế nào, và sau đó bắt đầu học lại.

Ông cũng cho rằng phải đợi một khoảng thời gian đáng kể qua đi, họ mới nên nghiêm túc xin đăng ký học trở lại và tốt nghiệp ĐH.

Ngày 14-3, trang TMZ cho biết cả hai cô con gái của nữ diễn viên Lori Loughlin đã quyết định sẽ nghỉ học tại trường USC. Trang này nói đã trao đổi với các nguồn tin giấu tên gần gũi với gia đình cho biết hai cô Olivia và Isabella chưa bao giờ muốn học tại trường ĐH Southern California (USC), và họ đang có ý định chuyển tới học tại ĐH bang Arizona.

Dù vậy theo luật sư Moran: "Về lâu dài, những đứa trẻ chính là người phải trả giá cho tất cả chuyện này".

Ông phân tích: "Nhiều năm sau này, khi chúng tìm việc làm (nếu chúng cần tìm việc), và nhà tuyển dụng hỏi chuyện gì đã xảy ra - và họ sẽ hỏi, vì bê bối này sẽ không bị lãng quên trên Internet - họ có thể nói, ‘vâng, tôi đã thấy mình rơi vào rắc rối, và tôi đã đưa bản thân thoát ra khỏi nó. Và giờ thì tôi đang ở đây".

Bởi vậy theo ông Moran, điều quan trọng với mỗi sinh viên bị dính líu trong vụ việc là hãy chọn cho mình một lối đi phù hợp, để một ngày nào đó, điều đó cho phép họ "có thể nhìn mình trong gương, và nhìn thẳng vào mặt người khác, rồi nói ‘tự tôi đã thoát ra khỏi chuyện này’".

Tuần qua, công luận Mỹ cũng như thế giới phẫn nộ khi truyền thông Mỹ công bố những thông tin truy tố cụ thể liên quan tới đường dây chạy vào các trường ĐH danh tiếng của Mỹ liên quan tới những gia đình giàu có.

Chỉ bằng những thủ đoạn đơn giản như hối lộ các huấn luyện viên thể dục và thay đổi đáp án bài thi đầu vào bằng nhiều cách khác nhau, các đối tượng gian lận trong đường dây đã giúp con cái của nhiều gia đình giàu có (trong đó có cả các diễn viên Hollywood) vào học tại những trường ĐH danh giá của Mỹ như Georgetown, Yale, Stanford và University of Southern California (USC).

Bỏ tiền mua điểm, biết hại con mà cha mẹ vẫn làm? Bỏ tiền mua điểm, biết hại con mà cha mẹ vẫn làm?

TTO - Khi bỏ tiền ra mua điểm, phụ huynh biết rõ học lực con mình thua chúng bạn. Nhưng họ vẫn muốn con vào đại học, bắt con phải mặc một chiếc áo quá khổ.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận