Chuỗi sự kiện bắt đầu ở thành phố Stockholm, Thụy Điển, vào năm 2010. Một buổi tối mùa hè, nhiều chiếc xe hơi cháy phừng phừng trên các con đường không rõ nguyên nhân.
Trong lúc lực lượng cảnh sát bị phân tán, một băng cướp phá cửa xông vào Cung điện Drottningholm của hoàng gia Thụy Điển, mục tiêu là khu trưng bày cổ vật Trung Hoa ở tầng trệt.
Toán cướp chỉ lấy vài thứ nhất định trong bộ sưu tập rồi nhanh chóng lên xe môtô phi đến một bờ hồ gần đó, quẳng xe xuống nước và tẩu thoát bằng thuyền cao tốc. Vụ cướp diễn ra chỉ trong chưa đầy 6 phút.
Những vụ cướp như trong phim
Một tháng sau, ở thành phố Bergen, Na Uy, một toán cướp khác đu dây từ mái vòm kính của Bảo tàng KODE và khoắng mất 56 hiện vật từ bộ sưu tập Trung Hoa. Các nạn nhân tiếp theo là Bảo tàng Phương Đông thuộc Đại học Durham, và một bảo tàng thuộc Đại học Cambridge đều ở Anh…
Nếu như hiểu được chuyện gì đang xảy ra, tòa dinh thự hoàng gia cũ Château de Fontainebleau nằm ở ngoại ô Paris, Pháp, có thể đoán được mình sắp trở thành mục tiêu tiếp theo. Khi toán cướp xuất hiện trước lúc hừng đông ngày 1-3-2015, mục tiêu của chúng đã rõ ràng: Khu trưng bày cổ vật Trung Hoa.
Được thành lập bởi vợ của Hoàng đế Napoleon III, vị nữ hoàng cuối cùng của Pháp, Bảo tàng Trung Hoa nằm trong Château de Fontainebleau chứa đầy cổ vật quý báu không thể tính nổi giá trị.
Những năm gần đây, nguồn gốc của chúng trở thành một chủ đề nhạy cảm: Nhiều hiện vật trong bộ sưu tập bị cướp khỏi Trung Quốc bởi binh lính Pháp trong vụ cướp bóc Viên Minh Viên ở thành phố Bắc Kinh năm 1860.
Dù được canh phòng nghiêm ngặt, nhiều cổ vật Trung Hoa vẫn không cánh mà bay khỏi các viện bảo tàng trên khắp thế giới - ảnh: GQ
Những năm tiếp theo sau sự kiện Fontainebleau, các vụ cướp tiếp tục diễn ra trên khắp châu Âu - đôi khi hết sức liều lĩnh và hoành tráng như trong phim. Quy mô của hoạt động này không thể lường hết do nhiều vụ cướp không bao giờ xuất hiện trên mặt báo.
Các quan chức an ninh và bảo tàng đôi khi ngại công khai thất bại để tránh mất mặt và tiết kiệm chi phí nâng cấp an ninh.
Tuy nhiên, có thể thấy những vụ cướp có nhiều điểm giống nhau đáng kinh ngạc. Chẳng hạn những tên cướp hết sức cẩn thận và chuyên nghiệp; chúng dường như chỉ lấy đi những thứ đã lên danh sách sẵn, không quan tâm đến những hiện vật giá trị cao không liên quan; hiện vật bị cướp thường là tác phẩm nghệ thuật và cổ vật Trung Hoa, đặc biệt những món bị cướp bởi quân đội nước ngoài…
Sau vụ cướp đầu tiên ở Stockholm năm 2010, một quan chức cảnh sát nhận định với truyền thông: "Mọi kinh nghiệm cho thấy đây là một vụ cướp được đặt hàng".
Nếu như đó là sự thật, vậy ai là người "đặt hàng"?
Viên Minh Viên (trái) bị cướp phá năm 1860, nhiều báu vật của nó bây giờ nằm ở Bảo tàng Trung Hoa thuộc tòa dinh thự Château de Fontainebleau (phải) tại Pháp - ảnh tư liệu
Tự tôn dân tộc
Trong phần lớn thế kỷ 20, giới lãnh đạo Trung Quốc ít quan tâm đến số cổ vật bị đánh cắp, nhưng mọi thứ thay đổi từ đầu thập niên 2000 khi Trung Quốc trở nên giàu có và tự tin hơn.
Năm 2009, Bắc Kinh công bố ý định biệt phái một "đội săn lùng báu vật" tỏa đi khắp Bắc Mỹ và châu Âu. Các viện bảo tàng mù mịt về kế hoạch này, họ không hiểu người Trung Quốc muốn quan sát, nghiên cứu, hay tìm cách lấy lại cổ vật? Quan trọng nhất là các vị khách thu thập thông tin cho ai?
Cùng năm, một nhóm 8 người Trung Quốc dẫn đầu bởi một nhà khảo cổ xuất hiện ở Bảo tàng Metropolitan ở thành phố New York, Mỹ. Họ đặt nhiều câu hỏi và quan sát các hiện vật. Chuyến thăm kết thúc trong hòa bình, nhưng chiến thuật đã thay đổi thấy rõ: Người Trung Quốc không còn ngồi yên một cách thụ động để chờ các cổ vật của họ quay về.
Tách trà hình con gà được bán với giá 36 triệu USD năm 2014 - Ảnh: GQ
Thực tế, người Trung Quốc có nhiều phương tiện để thu hồi báu vật quốc gia, bỏ tiền ra mua cũng là một cách. Năm 2010, một lọ gốm Trung Hoa cổ cao khoảng 40cm xuất hiện trong một buổi đấu giá nhỏ ở ngoại ô London với giá khởi điểm 800.000 USD. Nửa tiếng sau, một người mua ẩn danh từ Trung Quốc đưa ra cái giá cuối cùng là 69,5 triệu USD!
"Mua tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp đã trở thành một mốt chơi cao cấp trong giới tinh hoa Trung Quốc" - ông Zhao Xu, giám đốc Nhà đấu giá Poly Auction tại Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn báo China Daily.
Năm 2014, tỉ phú Trung Quốc Liu Yiqian chi 36 triệu USD để mua một chiếc tách sứ nhỏ trang trí hình gà từng thuộc bộ sưu tập hoàng gia. Vài tháng sau, ông trả thêm 45 triệu USD mua một tấm thảm lụa Tây Tạng thời nhà Minh.
"Lúc trẻ, chúng tôi được dạy rằng những người nước ngoài đã đánh cắp cổ vật của Trung Quốc. Nhưng có lẽ nó chưa đặt trong bối cảnh lịch sử. Mà dù họ có lấy đi thứ gì, chúng tôi luôn có thể lấy lại vào một ngày nào đó" - ông Liu từng tâm sự như vậy trên báo The New Yorker của Mỹ.
Theo ước tính, có hơn 10 triệu cổ vật đã biến mất khỏi Trung Quốc từ năm 1840. Các cổ vật mang ý nghĩa nhiều nhất với người Trung Quốc là những thứ bị cướp trong giai đoạn gọi là Thế kỷ Ô nhục (1840 -1949) - khi đất nước Trung Quốc bị băm nát bởi các thế lực nước ngoài.
Những món quan trọng nhất bị lấy đi bởi lực lượng Anh - Pháp trong vụ cướp bóc Viên Minh Viên năm 1860. Tòa dinh thự thời nhà Thanh với khu vườn, tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc được xem nằm trong số các công trình đẹp nhất thế giới bị khoắng sạch và thiêu rụi trong 3 ngày bởi 4.500 binh lính.
Đối mặt với chiến dịch thu hồi cổ vật của Trung Quốc, và những vụ cướp gần đây, các bảo tàng khắp thế giới buộc phải hành động. Trong khi một số giữ quan điểm về quyền sở hữu các cổ vật Trung Hoa và tăng cường an ninh, số khác lại lặng lẽ gửi các kiện hàng đi Trung Quốc để tránh gặp rắc rối.
Năm 2013, hai đầu linh vật bằng đồng - con thỏ và con chuột - từng bị cướp khỏi Viên Minh Viên năm 1860, nằm trong bộ sưu tập của nhà thiết kế người Pháp Yves Saint Laurent, được trả về Trung Quốc sau khi buổi đấu giá bị hủy.
Các quan chức Trung Quốc "đe" Nhà đấu giá Christie’s rằng nếu hai bức tượng bị bán, công chuyện làm ăn của họ sẽ gặp "rắc rối to". Không lâu sau khi hai hiện vật được trao trả, Christie’s trở thành nhà đấu giá quốc tế đầu tiên nhận được giấy phép hoạt động độc lập ở Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận