Nguyễn Đức Kiên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, kêu oan - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ngày 2-12, ngày thứ ba phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB) và đồng phạm, tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và người liên quan về hành vi kinh doanh trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bản án sơ thẩm nhận định Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo vợ là Đặng Ngọc Lan (tổng giám đốc Công ty B&B, do “bầu” Kiên thành lập) ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái ông Kiên).
Trong năm 2009, B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho ACB mua bán vàng trạng thái, thu lãi được hơn 100 tỉ đồng. Bằng việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng với bà Hương, B&B chuyển toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh trạng thái vàng của công ty sang cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền trốn thuế được xác định là 25 tỉ đồng.
Có mặt tại tòa, bà Lan khóc và cho biết trong năm 2009, bà ở nhà sinh con nên toàn bộ hoạt động của B&B đều do ông Kiên điều hành.
Tin tưởng chồng nên khi ông Kiên đưa hợp đồng về, bà đều ký tên mà không xem kỹ.
Trong khi đó, bà Hương khai trước tòa từ khi ký hợp đồng ủy thác với B&B, hoạt động kinh doanh đều thua lỗ, đến nay bà vẫn phải nhận nợ của công ty này.
Tại tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bác bỏ nhận định của tòa sơ thẩm về hành vi trốn thuế.
Ông Kiên cho rằng việc ủy thác giữa B&B với bà Hương là đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên có mặt tại tòa, giám định viên thuế của Bộ Tài chính khẳng định con số 25 tỉ đồng là tiền thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác giữa B&B với bà Hương, đây là con số chưa được kê khai với cơ quan thuế.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Kiên, bản án sơ thẩm thể hiện: Nguyễn Đức Kiên là chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI). ACBI sở hữu hơn 29 triệu cổ phần của Công ty cổ phần thép Hòa Phát.
Tháng 5-2010, ông Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (đại diện ACBI) thế chấp 22 triệu cổ phần của Công ty cổ phần thép Hòa Phát cho ACB để đảm bảo việc phát hành trái phiếu 800 tỉ đồng tại ngân hàng này. Sau khi thế chấp, số cổ phần này bị phong tỏa.
Đầu năm 2012, ông Kiên và ông Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) có thỏa thuận về việc bán cổ phần cho nhau.
Thực hiện thỏa thuận, ông Kiên chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng ACBI) lập hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần cho Tập đoàn Hòa Phát với số tiền 264 tỉ đồng.
Việc bán 20 triệu cổ phần (trong khi đang thế chấp tại ACB) của Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thị Hải Yến và Trần Ngọc Thanh bị quy kết là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Tập đoàn Hòa Phát.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng Tập đoàn Hòa Phát biết 20 triệu cổ phần bị thế chấp nhưng vẫn nhận chuyển nhượng.
Tuy nhiên tại tòa phúc thẩm, ông Trần Đình Long cho biết lúc đàm phán mua cổ phần, ông không biết số cổ phần này bị thế chấp.
Sáng nay (3-12), phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Cơ quan nhà nước tiếp tục “khất” câu trả lời Sáng 1-12, khi được tòa hỏi về việc phát hành trái phiếu, đăng ký mã ngành tại các công ty của “bầu” Kiên có đúng quy định của pháp luật không, đại diện một số cơ quan như Tổng cục Thống kê, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết chưa thể trả lời ngay mà đợi đến ngày 2-12 sẽ có văn bản trả lời tòa. Trong buổi sáng và trưa 2-12, tòa nhiều lần hỏi đại diện các cơ quan nhà nước có trả lời chưa nhưng đại diện các cơ quan này vẫn vắng mặt. Cuối giờ làm việc buổi chiều 2-12, tòa tiếp tục hỏi: “Các cơ quan nhà nước hôm qua hứa trả lời vào hôm nay có chưa?”. Đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ủy ban Chứng khoán nhà nước bảo vẫn chưa chuẩn bị kịp mà hẹn hôm nay (3-12) sẽ có văn bản trả lời gửi tòa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận