02/12/2014 18:38 GMT+7

Đại án Bầu Kiên: Hòa Phát không biết cổ phần bị thế chấp

TÂM LỤA
TÂM LỤA

​TTO - Chiều 2-12, phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và các đồng phạm bước vào phần xét hỏi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bầu Kiên tại tòa chiều 2-12 - Ảnh TL chụp màn hình

Bản án sơ thẩm thể hiện: Nguyễn Đức Kiên là chủ tịch HĐQT của công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI). Công ty ACBI sở hữu hơn 29 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát.

Tháng 5-2010,  Bầu Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI) thế chấp 22 triệu cổ phần (trong tổng số 29 triệu) Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cho ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng tại ngân hàng này. Sau khi thế chấp, số cổ phần này bị phong tỏa.

Đầu năm 2012, ông Kiên và ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) có thỏa thuận về việc bán cổ phần cho nhau.

Ông Long có chủ trương tăng sở hữu vốn cho Tập đoàn Hòa Phát tại các công ty thành viên. Thực hiện thỏa thuận, ông Kiên đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng ACBI) lập hợp đồng bán 20 triệu cổ phần cho Tập đoàn Hòa Phát với số tiền 264 tỷ đồng.

Sau khi Tập đoàn Hòa Phát chuyển 264 tỷ đồng nhưng vẫn chưa nhận được cổ phần nên đã làm đơn kiến nghị gửi cơ quan điều tra nhờ can thiệp.

Việc bán 20 triệu cổ phần (trong khi đang thế chấp tại ngân hàng ACB) của Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thị Hải Yến và Trần Ngọc Thanh bị quy kết là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Tập đoàn Hòa Phát.

Tòa hỏi ông Trần Đình Long về nội dung đàm phán việc chuyển nhượng cổ với bị cáo Kiên, ông Long cho biết lúc đàm phán mua cổ phần, ông không biết số cổ phần này đã bị thế chấp.

Khi cơ quan điều tra thông báo, ông mới biết và cử người sang gặp ông Trần Ngọc Thanh. Ông Thanh xác nhận cổ phần đã thế chấp và đã giải chấp rồi nên Hòa Phát cứ yên tâm. 

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát khẳng định: “Cả anh Long và tôi không biết cổ phần đã được thế chấp. Cơ quan công an nói, chúng tôi không tin, phải cử người sang ACBI để hỏi”.

Theo ông Dương, trước đó ông Mai Văn Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát đã ký giấy xác nhận phong tỏa số cổ phần này tại ACB nhưng không lưu hồ sơ, không báo cáo cho hệ thống công ty biết và cũng quên mất việc này.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát tại tòa chiều 2-12 - ẢnhTL chụp màn hình

“Hòa Phát và công ty con đã làm đơn yêu cầu điều tra làm rõ chứ chúng tôi không tố cáo. Tính đến nay, sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã nhận lại tiền. Năm 2013 chúng tôi đã mua được các cổ phần và không có thiệt hại, mong tòa xem xét vấn đề một cách nhẹ nhàng”- ông Dương nói.

Có mặt tại tòa, ông Mai Văn Hà xác nhận năm 2010, công ty ACBI chuyển giấy xác nhận phong tỏa cổ phần và ông Hà đã ký xác nhận. Tuy nhiên ông Hà có sơ suất là không lưu và không báo cáo là tập đoàn Hòa Phát. Ông đã phải giải trình trước tập đoàn và nhận lỗi về việc này.

Đại diện tập đoàn Hòa Phát khẳng định cho đến thời điểm hiện nay, họ không có thiệt hại từ việc chuyển nhượng cổ phần này.

Tòa giải thích: “Không phải các ông không có thiệt hại mà các ông đã được khắc phục thiệt hại. Sau khi bị cáo Kiên bị bắt, các ông vẫn có đơn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ. Các ông phải nói rõ, rạch ròi. Các ông nói như vậy người ta hiểu là bị cáo Kiên không có tội gì cả”.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Kiên kêu oan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Kiên cho rằng tập đoàn Hòa Phát biết 20 triệu cổ phần đã bị thế chấp tại ngân hàng ACB nhưng vẫn nhận chuyển nhượng. Giữa công ty ACBI và Hòa Phát thực chất là hoán đổi cổ phần cho nhau chứ không phải lừa đảo.

8g sáng mai 3-12, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên