02/12/2014 09:51 GMT+7

Đại án “Bầu” Kiên: Nhiều cơ quan hẹn trả lời bằng văn bản

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Ngày thứ 2 (1-12) phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên - nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB - và các đồng phạm, hội đồng xét xử tập trung xét hỏi các bị cáo và người liên quan về hành vi kinh doanh trái phép.

Bị cáo Lý Xuân Hải được dẫn giải ra xe chuyên dụng sau khi rời khỏi phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Kiên nói không kinh doanh trái phép

Cho rằng “bản án 30 năm tù là quá nặng đối với một người không có tội”, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã ký tên và gửi bản kiến nghị dài 118 trang đến hội đồng xét xử và 26 trang đến đại diện Viện KSND tối cao.

Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo cũng đã gửi bản viết tay đơn kiến nghị này đến tòa. Cho rằng “tòa sơ thẩm đã sửa Luật doanh nghiệp một cách bất hợp pháp, vi hiến, nhận thức sai về kiến thức pháp luật”, “bầu” Kiên trích dẫn từng điều luật để bác bỏ nhận định của bản án sơ thẩm đối với mình.

Trình bày trước tòa, bị cáo Kiên cho rằng năm công ty góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp khác là quyết định của HĐQT chứ không phải của một mình bị cáo.

Sau khi bị cáo bị bắt, HĐQT bán cổ phần cho các doanh nghiệp khác để trả nợ và các doanh nghiệp này đã mua lại bình thường.

“Tòa sơ thẩm nhận định năm công ty của tôi thành lập để phát hành trái phiếu, đầu tư chéo là sai. Tôi khẳng định không có bất cứ một khoản đầu tư chéo nào. Tất cả công ty được tôi thành lập ngay từ đầu đã không tạo ra mâu thuẫn. Các công ty hiện nay đang hoạt động tốt. Vốn của công ty là tiền mặt do các cổ đông góp vào chứ không phải công ty “ma”.

Đến nay chưa có bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào tước giấy phép của các công ty này vì kinh doanh trái phép. Vì vậy tôi đề nghị tòa tuyên tôi không phạm tội kinh doanh trái phép” - lời bị cáo Kiên.

“Chỉ kinh doanh trạng thái giá vàng”

Bản án sơ thẩm thể hiện Công ty Thiên Nam (do bị cáo Nguyễn Đức Kiên thành lập) không đăng ký kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái nhưng đã ký văn bản thỏa thuận với VietBank về việc nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa VietBank với Ngân hàng ACB.

Thực hiện thỏa thuận, ông Kiên đã đặt lệnh giao dịch trạng thái vàng thông qua hệ thống điện thoại ghi âm tại Ngân hàng ACB. Tất toán việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, Công ty Thiên Nam bị lỗ hơn 413 tỉ đồng. Việc làm này bị kết vào tội kinh doanh trái phép.

Giống như ở phiên sơ thẩm, cả bị cáo Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) đều khẳng định: Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài mà chỉ kinh doanh trạng thái giá vàng. Việc kinh doanh trạng thái giá vàng không bị điều chỉnh bởi bất cứ văn bản pháp luật nào.

Trả lời câu hỏi “Việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài và kinh doanh trạng thái giá vàng có gì khác nhau?” của tòa, bị cáo Lý Xuân Hải đã lấy một ví dụ: “Việc kinh doanh trạng thái vàng là sản phẩm phái sinh của kinh doanh vàng. Như lô đề là sản phẩm phái sinh từ xổ số, nhưng không phải là xổ số, không chịu sự quản lý của Nhà nước về xổ số. Cá độ bóng đá là sản phẩm phái sinh từ bóng đá, nhưng không phải là bóng đá. Nếu kinh doanh giá vàng, khách hàng chỉ quan tâm đến biến động của giá vàng mà không quan tâm đến giá vàng đó là bao nhiêu”.

Theo ông Hải, sau khi ký hợp đồng ủy thác việc kinh doanh vàng với Công ty Thiên Nam, ACB đặt lệnh mua vàng ở nước ngoài theo đặt hàng của Thiên Nam. Khi về VN, ACB được hưởng chênh lệch giá. Tuy nhiên mọi rủi ro ở nước ngoài và với Công ty Thiên Nam thì ACB phải chịu. 

Riêng bị cáo Nguyễn Đức Kiên khẳng định từ khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB, Công ty Thiên Nam chưa thực hiện lần thanh toán nào, không có vàng, tiền được chuyển giao. Việc giao dịch trạng thái vàng vẫn chưa có lãi. 

Thiếu vắng nhiều quy định

Nhằm làm rõ việc các công ty của “bầu” Kiên có được phép phát hành trái phiếu và có phải đăng ký phát hành trái phiếu tại ủy ban chứng khoán hay không, tòa hỏi đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhưng vị này “khất” đến ngày 2-12 sẽ có trả lời bằng văn bản.

Tương tự, khi tòa hỏi “Công ty Thiên Nam đã đăng ký mã ngành chưa và mã này với mã ngành kinh doanh vàng có liên quan đến nhau không?”, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết sẽ có trả lời bằng văn bản sau.

Bản án sơ thẩm nhận định các công ty của “bầu” Kiên chưa đăng ký kinh doanh mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác nhưng vẫn thực hiện là hành vi kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên tại tòa, đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội cho biết đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ doanh nghiệp nào được cấp giấy chứng nhận ngành nghề đầu tư tài chính, mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn.

Đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội cho biết: “Luật đầu tư đã quy định việc mua cổ phần, cổ phiếu khác chịu sự điều chỉnh của Luật chứng khoán. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh, chúng tôi chỉ là cơ quan thực hiện”.

Theo đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội, từ sau khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, sở chưa bổ sung việc góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu vào giấy đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp nào mà chỉ mới xác định được mã ngành của hoạt động này.

Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cho biết: “Bộ Tài chính đã có công văn trả lời hoạt động góp vốn mua cổ phần đã được xếp mã ngành là 64990. Sau đó Bộ Tài chính lại có công văn nói hoạt động này chưa được xếp mã ngành”.

Không có quy định về kinh doanh trạng thái giá vàng

Trả lời câu hỏi của tòa: “Việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài năm 2009, 2010 được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật nào của Nhà nước?”, ông Đặng Văn Thảo - phó chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước - cho biết việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài được điều chỉnh theo quyết định 03/2006 của Ngân hàng Nhà nước. Kinh doanh vàng vật chất được quy định tại nghị định 174/1999 của Chính phủ. Ngoài ra không có quy định nào về việc kinh doanh trạng thái giá vàng.

 

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên