12/07/2013 09:09 GMT+7

Bất trắc đường trở về

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TT - Chúng tôi đặt chân đến Biển Hồ vào những ngày cuối tháng 5 khi chuồn chuồn đã cặp đôi bay vượt biển, dấu hiệu của những ngày mực nước Biển Hồ xuống thấp và hiền hòa nhất trong năm.

Vậy nhưng hành trình vượt biển từ Kampong Chhnang đi Pursat với chiếc vỏ lãi tốc độ cao, dài tới 9m đã nhiều lần chao đảo vì gặp cơn dông lớn. Cơn dông làm chúng tôi rùng mình khi biết hàng ngàn Việt kiều chỉ với những chiếc xuồng mỏng manh đã liều mình vượt qua Biển Hồ và hơn 300km theo dòng Mekong về nước.

Kỳ 1: Xóm “liều” dọc biên giới

UKThCM0X.jpgPhóng to
Với những chiếc xuồng mỏng manh này, gia đình anh Nguyễn Văn Nghi đã vượt Biển Hồ, xuôi Mekong về đến Việt Nam - Ảnh: VIỄN SỰ

Hành trình nguy hiểm

Không biết bà con đi về đâu

Đó là tâm sự của ông Châu Văn Chi - chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia. Ông Chi cho biết năm 2012 có 70 gia đình Việt kiều đến hội xin giấy để trở về Việt Nam nhưng hội không có chức năng cấp giấy, chỉ biết an ủi động viên bà con về hay ở cũng ráng làm ăn, 70 gia đình ấy đã về đâu đến giờ hội cũng không có thông tin.

Theo ông Chi, 70 gia đình ấy chỉ là một phần rất nhỏ trong số những gia đình đã trở về. “Sống trên Biển Hồ phận người như bọt nước, không ai biết họ đi lúc nào, có về đến quê nhà được bình an...” - ông Châu Văn Chi nói.

“Chuyến đi kéo dài bốn ngày bốn đêm, không còn nhớ bao nhiêu cây số nhưng chạy hết 86 lít dầu. Tui và người em thay phiên lái, bà xã và mấy đứa nhỏ hì hụi tát nước vì thuyền lủng nhiều quá” - anh Nguyễn Văn Nghi, người đã chèo chống ba chiếc xuồng ba lá nối đuôi nhau, chở đại gia đình 16 người từ Kan Dieng, Pursat (Campuchia) về biên giới huyện An Phú (An Giang) vào đầu mùa nước năm 2012, nhớ lại hành trình về nước.

Một chiếc xuồng đã hỏng ngay khi vừa đến nơi, hai chiếc còn lại giờ neo ở bờ kênh biên giới Tuyên Bình (Vĩnh Hưng, Long An) nhưng cũng chỉ dám dùng để vớt lục bình vì ván đã mục.Theo anh Nghi bước xuống chiếc xuồng lớn nhất, dài chưa tới 4m, bề ngang khoảng 9 tấc, nước trong xuồng xâm xấp, chúng tôi vẫn không hình dung nổi làm sao những chiếc xuồng mỏng manh ấy có thể vượt Biển Hồ để về đây.

“Biết là liều mạng nhưng 16 người làm sao đủ tiền đi xe đò về biên giới” - anh Nghi kể lý do chọn đường thủy về nước. Từ Kan Dieng, ba chiếc xuồng được nối vào nhau nhưng chỉ chiếc xuồng đầu có gắn máy đuôi tôm kéo hai chiếc còn lại. Thủy trình sóng gió nhất là 100km xuyên qua biển, từ Kan Dieng về đến Boribo (Kampong Chhnang), nơi lòng Biển Hồ hẹp lại thành con sông Tonle Sap. Anh Nghi kể từ sáng đến trưa trời nắng như thiêu đốt, mui thuyền quá bé nhỏ không đủ chỗ cho 10 đứa trẻ con. Vậy là cứ thay nhau, đứa chui vô mui, đứa ra ngoài đội nắng.

Đáng sợ nhất là những cơn dông trên biển, ba chiếc xuồng nhỏ đã gặp phải hai cơn dông liên tiếp trong hai ngày đầu trên hành trình trở về. Giữa biển mênh mông không biết neo vào đâu nên họ chỉ biết tắt máy, ghép ba chiếc xuồng sát nhau, người lớn ráng chống sào giữ cho sóng khỏi xô ngã, còn đám con nít thi nhau tát nước. Hành lý tư trang mặc kệ, cứ để cho mưa, sóng dập tơi tả, áo quần không còn giữ được cái nào khô ráo. Sau những cơn nóng lạnh liên hồi của thời tiết, đám con nít lăn ra sốt hầm hập. Bếp cà ràng cũng bị sóng đánh văng xuống biển, không có chỗ nấu nướng nên cả ba gia đình chỉ còn cách trệu trạo nhai mì gói sống dằn bụng.

“Cũng may sau hai ngày chống chọi với nắng và dông biển, cũng về đến Phnom Penh. Nhưng ở đây ba chiếc xuồng tui bị phạt 100.000 ria (500.000 đồng) vì lưu thông không có giấy phép. Cũng phải bấm bụng nộp phạt chớ ở trên biển nào giờ có biết cái giấy gì đâu” - anh Nghi kể. Chút tiền ria ít ỏi còn lại cũng không giữ được khi về đến biên giới Chray Thom, tỉnh Kandal, không có tấm giấy tờ lận lưng, cả nhà lại móc nộp phạt 200.000 ria nữa. Rồi từ đó tay trắng len lỏi vào những khúc sông nhỏ, thấy nơi nào có làng xóm thì chống ghe lại và trôi dạt về đến Vĩnh Hưng (Long An) mùa nước nổi năm rồi.

NtSJwK26.jpgPhóng to
Một gia đình Việt kiều ở Pursat căng bạt che mui thuyền vượt Biển Hồ về nước - Ảnh: VIỄN SỰ

Năm nào cũng có người chết trôi

Hình ảnh những chiếc xuồng mỏng manh của Việt kiều chèo chống vượt Biển Hồ về nước như gia đình anh Nghi không còn hiếm hoi. Ông Kiều Văn Danh - phó chủ tịch Hội Người Việt tỉnh Pursat - nói cứ thấy chiếc xuồng nào căng bạt làm mui, lố nhố con nít, bơi dọc trên biển theo phương mặt trời mọc về phía Boribo thì biết đó là xuồng của bà con người Việt đang tìm cách rời biển về biên giới. Theo ông Danh, có đến hơn 90% Việt kiều về nước bằng đường thủy, chỉ có số ít quá ngán ngại sóng gió, gom xuồng bè, lưới vợt bán hết để lấy tiền bao xe chở cả gia đình về biên giới.

Ông Danh giải thích không phải những người trở về bằng đường thủy không sợ sóng gió mà vì mỗi chuyến xe bao luôn việc dẫn đường để qua được biên giới không hề rẻ, ít nhất phải từ 250.000 ria (1,2 triệu đồng) mỗi người. Đó là số tiền mà có khi bán cả gia sản, những Việt kiều Biển Hồ muốn trở về cũng không đủ tiền. Còn một lý do nữa, sống ở Biển Hồ vốn quen với sông nước, về đến biên giới sẵn mấy chiếc ghe, bà con cứ dò theo sông, rạch đi sâu vào đất Việt Nam rồi thấy nơi nào thuận tiện cắm sào ở lại.

Ở xóm Việt kiều tại Kompong Luong, huyện Krakor, tỉnh Pursat, chúng tôi gặp anh Đỗ Hai, chủ chiếc xuồng nhỏ sắp rời bến Kompong Luong về nước, dự tính qua đường sông Tiền ở cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp). “Tui đã hỏi kỹ luồng lạch với mấy cái bến neo dọc Mekong phòng khi dông gió, tối trời. Người ta về được chắc mình cũng về được...” - anh Hai nói một cách may rủi. Ông Kiều Văn Danh cho biết mùa nước chưa bắt đầu nhưng ở bến Kompong Luong đã có chín gia đình người Việt chống xuồng về nước, đi cũng đã lâu mà chưa thấy tin tức hồi đáp, không biết đang sống ở vùng biên giới nào tại Việt Nam.

Liều mình vượt biển nhưng không phải gia đình nào cũng vượt qua được Biển Hồ. Ông Nguyễn Tinh - thư ký chi hội Việt kiều ở xóm Sa Son (ấp Kokeh, xã Rang Tinh, huyện Kan Dieng, tỉnh Pursat) - nói năm rồi xóm này có ba gia đình ở Sa Son đã bỏ dở hành trình vì gặp sóng lớn, thuyền bị đánh nứt, mất hết hành lý, đành quay lại xóm cũ với hai bàn tay trắng. “Năm nào ở xóm này cũng có thi thể người chết trôi dạt vô mé rừng, có khi còn vớt được cả bọc quần áo, hành lý...” - ông Nguyễn Tinh kể bằng nỗi âu lo mơ hồ.

---------------------------------------------------

Tháng 7, mùa nước lên, mùa cấm đánh bắt trên Biển Hồ bắt đầu, cái đói sẽ quay quắt. Người Việt ở Biển Hồ càng nặng lòng với câu hỏi về hay ở?

Kỳ tới: Miền đất phúc đã xa

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên