Điều gì đã giúp cho trung tâm y tế tuyến huyện ở Quảng Ngãi làm được điều này?
Bác sĩ Võ Hồng Viễn, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, nói "bắt đầu từ những việc nhỏ, rất nhỏ là cách làm của chúng tôi".
Bắt đầu từ những việc nhỏ thôi
* Vì sao Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn "sống khỏe" giữa lúc nhiều đơn vị khác gặp khó khăn?
- Năm 2017, tôi được phân công giữ chức giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn. Dù là huyện đồng bằng nhưng y tế chỉ hơn được các huyện miền núi của Quảng Ngãi. Tôi quyết định "đi tuần" dạo quanh trung tâm y tế, đối chiếu những lời góp ý tôi nghe được trong một bữa cà phê, tôi nghĩ lời chê trách đó là rất đúng nên đã tổ chức họp và bắt đầu cải tổ toàn diện.
* Từ một trung tâm y tế tuyến huyện nhóm yếu, giờ mạnh nhất tỉnh, chắc phải tốn một khoản tiền đầu tư rất lớn?
- Không hề, ngân sách dành cho Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn cũng như bao trung tâm, bệnh viện tuyến huyện khác trong tỉnh. Cải tổ bắt đầu từ những việc nhỏ thôi.
Đầu tiên là thái độ của nhân viên y tế phải nhỏ nhẹ. Lời giải thích đúng nhưng cách nói, cao độ giọng, khuôn mặt và thiếu từ "mời, dạ" sẽ khiến bệnh nhân khó chịu.
Tôi nói với anh em phải biến trung tâm thành nhà thương thì bệnh nhân sẽ tìm đến mình.
Vì kinh phí hạn hẹp, cuộc cải tổ quá nhiều việc nên trung tâm lập hòm thư góp ý để lắng nghe người bệnh. Lập tức nhận được lá thư do 10 bệnh nhân ký, bà con khen công tác khám chữa bệnh có đi lên, y bác sĩ ân cần, tôi đọc rất mừng.
Sau lời khen là lời chê nhà vệ sinh bẩn, bệ cầu ngồi xổm không phù hợp với người bệnh. Chúng tôi quyết định thay đổi bộ mặt nhà vệ sinh, tường được ốp gạch men, bồn rửa tay ốp đá sạch đẹp, bồn cầu được thay mới... Đến bây giờ, trung tâm vẫn duy trì nhà vệ sinh với phương châm đó là nơi sạch nhất, thoải mái nhất cho người bệnh.
* Công cuộc cải tổ tiếp tục ra sao?
- Đó chỉ là những bước đầu, tiếp theo là xóa "điểm mù" trong khuôn viên, mỗi khoa phòng chăm sóc cây xanh ở một khu vực; bố trí sân chơi trẻ em; khu tập thể dục buổi sáng; dọc các lối đi có nước sát khuẩn; khắp bệnh viện có nước uống miễn phí với trà, nước lá vối, nước lọc; điểm sạc điện thoại và WiFi miễn phí; vẽ tranh ở các mảng tường ngoài trời tạo sức sống...
Năm năm qua, chúng tôi "liệu cơm gắp mắm", thời điểm đầu cải tổ chúng tôi thậm chí còn tự mua sơn về sơn tường cho sạch đẹp. Những gì chưa được, bệnh nhân góp ý, sẽ thay đổi.
* Nhiều phòng bệnh có điều hòa, bàn ghế ăn uống rất đẹp. Chi phí có lớn không?
- Cái này nhiều cơ quan ban ngành cũng hỏi, nhưng chuyện hài hước lắm. Bàn ghế trong phòng bệnh nhìn cổ cổ, đó là do trung tâm tận dụng bàn ghế cũ lưu kho trước đây hoặc đi xin của người dân về thuê thợ sửa chữa, thành ra không đồng bộ, mỗi phòng mỗi kiểu.
Cái chính là bà con rất hài lòng với những bàn ghế trong phòng bệnh, nên có bàn ghế cũ là chúng tôi sửa chữa lắp thêm, chứ ngân sách còn bao việc phải giải quyết, ai lại bố trí cho việc này.
Còn điều hòa trong phòng bệnh xuất phát từ khoa cấp cứu. Năm 2018, chúng tôi thấy bệnh nhân vào cấp cứu nằm nóng nực nên trung tâm quyết định lắp điều hòa ở khoa cấp cứu và hồi sức để người bệnh nhanh khỏe hơn. Sau đó thì mỗi năm vận hành trung tâm có dư, chúng tôi lại đầu tư lắp thêm.
Vai trò người đứng đầu, đoàn kết rất quan trọng
* Được biết chỉ tiêu giường bệnh được giao tăng lên theo từng năm, y bác sĩ có áp lực?
- Năm 2017, trung tâm được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao chỉ tiêu 150 giường bệnh.
Năm 2018, chỉ tiêu được tăng lên 170 giường bệnh và năm 2019 tăng lên 230 giường bệnh. Hiện tăng lên 250 giường.
Chỉ tiêu tăng, áp lực công việc cũng tăng theo bởi hiện chúng tôi vẫn thiếu bác sĩ, nhưng hoạt động rất trơn tru. Đội ngũ tự giác, năng suất làm việc tăng rất cao nên chúng tôi luôn hoàn thành tốt công việc.
Tuyến huyện chỉ cần làm tốt dịch vụ khám chữa bệnh, sàng lọc bệnh sẽ không còn tình trạng bệnh nặng nhẹ gì cũng chạy lên tuyến trên, gây áp lực cho tuyến trên mà tuyến dưới lại vắng hoe.
* Ông có góp ý gì để giải bài toán khó khăn của trung tâm, bệnh viện tuyến huyện trên cả nước?
- Những gì chúng tôi làm rất nhỏ bé, không dám góp ý cho ai. Nhưng 5 năm cải tổ và nhận được sự đón nhận, có thể thấy vấn đề lớn nhất của bệnh viện tuyến huyện không phải là chuyên môn chuyên sâu mà làm tốt vai trò khám cận lâm sàng, sàng lọc bệnh nhân.
Nhân viên y tế phải ân cần, nhẹ nhàng tạo cảm giác thoải mái nhất để người bệnh trở lại. Còn hạ tầng thì "liệu cơm gắp mắm", làm dần. Để làm được điều này, vai trò người đứng đầu ở các đơn vị rất quan trọng, đừng nghĩ mình là sếp và thực hiện các mệnh lệnh hành chính mà hãy luôn xem mình là thủ lĩnh, là đầu tàu. Mình phải chạy trước, xắn tay vào làm trước để toàn đơn vị đoàn kết cùng làm theo.
Ở Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn có quỹ công đoàn lớn, bất kỳ nhân viên nào khó khăn, từ bác bảo vệ đến cô hộ lý, đều được ghi nhận những đóng góp trong ngôi nhà chung này và không ai bị bỏ lại phía sau.
Người bệnh vui, chúng tôi cũng vui
"Ở đây, chúng tôi luôn lấy bệnh nhân làm trung tâm, xem sự hài lòng của bà con là mục tiêu cuối cùng phải hướng đến. Nhiều năm qua kể cả lúc dịch bệnh, tất cả y bác sĩ, nhân viên bệnh viện đều có lương đầy đủ, đúng hạn.
Chúng tôi may mắn khi gặp một người lãnh đạo tâm huyết, thúc đẩy mọi người làm việc" - chị Huỳnh Thị Trà Mi, điều dưỡng trưởng khoa y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, nói.
Không ai muốn đi tuyến trên
"Tôi điều trị xương khớp ở Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn nhiều năm qua. Tôi thấy thái độ phục vụ của y bác sĩ quá tốt, giường bệnh sạch sẽ, không gian bệnh viện thông thoáng. Bác sĩ có khuyên tôi lên tuyến trên để điều trị, nhưng tôi xin ở lại đây điều trị. Tôi được yêu quý khi ở đây".
Bà Đặng Thị Sang (71 tuổi, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận