Chỉ trên một trang 5 báo Tuổi Trẻ ngày 21-11 đã có hai thông tin liên quan đến việc trộm chó. Theo đó, ở Hưng Yên, một người đàn ông bị nghi trộm chó đã bị nhiều người dân đánh đập và nhốt vào lồng sắt cùng một con chó khoảng 30kg đã chết.
Ở Tiền Giang, có hai thanh niên đang đi trộm chó đã đuổi chặn một xe đám cưới mà họ cho là đã ép xe họ. Cả hai rút cây gỗ đánh tài xế, đồng thời đập phá xe cho bõ ghét... Và nào chỉ có thế, cứ dăm bữa là lại có thông tin liên quan đến chuyện trộm chó gây nhói lòng.
Cớ sao chỉ vì một vật nuôi mà người ta lại có thể đối xử man rợ với đồng loại như vậy? Nhưng cũng phải đặt ra thêm một câu hỏi khác: Tuy biết rõ trộm chó có thể bị truy đuổi, vây đánh trọng thương, nhưng sao các thanh niên vẫn hung hăng, liều lĩnh trộm chó?
Phải nói ngay việc tấn công, ngược đãi người trộm chó vẫn xảy ra rất nhiều ở các địa phương. Chó là con vật thân thiện, trung thành, được con người nuôi dưỡng trong sự yêu thương, nhiều khi không thua một người thân Thế mà vì muốn đem bán để giết thịt, kẻ gian đã táo tợn bắt trộm.
Điều đáng nói là sự căm giận, uất ức của người dân dường như đã không được ghi nhận, chia sẻ đúng mức vì người trộm chó hiếm khi bị xử lý thích đáng.
Cho rằng chó đơn thuần là tài sản với giá được định dưới 2 triệu đồng, các cơ quan chức năng thường cho qua vi phạm hoặc cùng lắm là xử phạt hành chính kẻ trộm. Trước giờ ít có người trộm chó phải đi tù vì hành vi trộm cắp chó.
Từ chỗ chưa nhận được sự bảo vệ của các cơ quan chức năng và cũng không tin sẽ được bảo vệ phù hợp, nhiều người đã chọn cách tấn công tập thể để tự bảo vệ tài sản, tính mạng của mình trước khi trông chờ và cậy nhờ tới chính quyền.
Kết cục là người dân đã đối xử dã man với người trộm chó, bất kể dẫu có vi phạm thì người trộm chó cũng là con người nên cần được đối xử có tính người và như thể mọi người đang ở trong một xã hội không có pháp luật!
Đáng buồn là trong những vụ hành xử vô pháp như thế thì cũng không mấy ai bị chế tài tương xứng.
Viện lẽ không xác định được ai trong đám đông đã trực tiếp đánh, nhốt, đoạt mạng người trộm chó, các cơ quan có thẩm quyền đã không xử lý tới nơi tới chốn, cùng lắm là vài người bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Còn lại, nhờ sự lẩn khuất trách nhiệm trong đám đông mà chưa có nhiều người bị xử lý hình sự về tội bắt giữ người trái phép, cố ý gây thương tích hay giết người... Tính răn đe của pháp luật do vậy đã bị giảm sút và người ta tiếp tục hành xử tàn tệ hoặc xuống tay đánh chết người trộm chó.
Dân gian có câu dùng thiện trị ác thì tăng tính thiện nhưng dùng ác trị ác thì cái ác sẽ tăng. Vậy nên, thay vì tỏ ra bất lực để cái ác lên ngôi, nhất định pháp luật và các cơ quan chức năng cần phải có sự điều chỉnh quy định và hành vi.
Pháp luật hình sự cần phải bổ sung những quy định xử lý phù hợp đối với tài sản bị xâm hại là vật nuôi, thú cưng.
Các cơ quan chức năng phải kịp thời phát hiện, nỗ lực điều tra và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc các vi phạm, không chỉ ở người trộm chó mà còn cả ở những người tự xử người trộm chó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận