27/05/2014 10:44 GMT+7

Bất động sản "sống dở chết dở" là trách nhiệm nhà quản lý

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền khẳng định như vậy trong buổi thảo luận tổ về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sáng nay 27-5 tại Quốc hội.

Phóng to
Ông Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại thảo luận tổ - Ảnh: V.V.Thành

Ông Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề người dân có quyền tham gia kinh doanh bất động sản, thậm chí đầu cơ nếu luật pháp không cấm, do vậy việc thị trường bất động sản “sống dở, chết dở” như hiện nay trách nhiệm thuộc về nhà quản lý, ở chỗ cấp phép bừa bãi, lợi ích nhóm trong quy hoạch, kế hoạch…

“Thế nhưng trong cả hai dự án luật này tôi thấy vắng bóng trách nhiệm của nhà quản lý, trong khi quản lý nhà nước về lĩnh vực này rất yếu”, ông Quyền nói.

Hai dự thảo luật nêu trên có các quy định về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai.

Ông Phạm Huy Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cảnh cáo cần có các quy định chặt chẽ để tránh tình trạng “tay không bắt giặc”. "Có những chủ đầu tư ăn mặc đẹp, đi xe xịn, xách cặp rất oai nhưng nợ như "chúa chổm", họ chỉ ép mấy cái cọc là bán, thu tiền nhiều lắm mà tiền đi đâu không biết. Cho nên chỗ này cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát để hạn chế rủi ro”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Phạm Huy Hùng, cần có quy định cụ thể về việc thu tiền ứng trước của khách hàng mua bất động sản, ví dụ tương ứng với mỗi lộ trình, giai đoạn thì khách hàng đóng tiền ra sao, không để xảy ra trường hợp mới ở giai đoạn “ép cái cọc” mà đã thu hết tiền nhà khiến cho rủi ro thuộc về người mua.

Về phía Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp. Do vậy, đề nghị cần có các quy định chặt chẽ trong dự án Luật, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải ký hợp đồng bảo lãnh với một ngân hàng thương mại.

Thực tế thời gian qua thị trường bất động sản phát sinh nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng liên quan đến việc sử dụng tiền ứng trước của khách hàng để triển khai dự án. Vì thế, quy định này khắc phục được tình trạng sử dụng không đúng mục đích tiền ứng trước của bên mua; góp phần bảo vệ khách hàng; tăng cường kiểm soát, bảo đảm chủ đầu tư sử dụng tiền của khách hàng đúng mục đích, phù hợp với tiến độ của dự án.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này sẽ khó khả thi trong thực tế vì ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro nếu dự án không thực hiện được, do vậy, ngân hàng sẽ không nhận bảo lãnh cho các dự án. Mặt khác, quy định khi dự án không thực hiện được thì ngân hàng tiếp tục tổ chức việc đầu tư xây dựng để bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng là khó thực hiện.

Ngày 18-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về hai dự án luật này.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên