09/09/2015 08:52 GMT+7

​Bắt chẹt người tiêu dùng đến bao giờ?

HỒNG QUÝ (hongquy@tuoitre.com.vn)
HỒNG QUÝ (hongquy@tuoitre.com.vn)

TT - Cước taxi ở VN đang cao so với các nước trong khu vực. Đang tồn tại hai nghịch lý trong ngành vận tải: thứ nhất khi tăng giá, các DN tăng rất mạnh nhưng giảm lại khẽ khàng.

Sau những đợt tăng khí thế nhưng giảm chiếu lệ, đến nay cước taxi ở VN đang cao so với các nước trong khu vực. Trong khi cước taxi ở TP.HCM là 14.500 - 15.500 đồng/km thì tại Singapore nơi có chi phí đắt đỏ cũng chỉ tầm 8.700 đồng/km, Thái Lan là 3.800 đồng/km, 

Philippines khoảng 5.700 đồng/km, Indonesia khoảng 6.300 đồng/km... theo thống kê của trang thông tin chi phí sinh hoạt toàn cầu Numbeo.com.

Vậy mà các doanh nghiệp taxi nói riêng và vận tải nói chung vẫn “bình chân như vại”. Đang tồn tại hai nghịch lý trong ngành vận tải: thứ nhất khi tăng giá, các doanh nghiệp tăng rất mạnh nhưng giảm lại khẽ khàng.

Thứ hai khi xăng dầu giảm giá, doanh nghiệp đổ lỗi do thủ tục, quá trình điều chỉnh cước tốn kém và phức tạp, trái ngược với sự nhanh nhảu tăng cước khi giá xăng tăng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, tổng thư ký Hội Thẩm định giá, người có 30 năm làm việc trong lĩnh vực quản lý giá cả, bức xúc: “Vin vào cớ điều chỉnh đồng hồ cước khó khăn để trì hoãn giảm cước là phi lý”. Còn doanh nghiệp vận tải hàng hóa không thể lấy lý do khó khăn khi chỉnh đồng hồ cước để chậm giảm cước thì lại lập luận rằng do đặc thù “chở hàng chiều đi, chiều về chạy rỗng”, vì vậy giá cước thế nào hãy để thị trường tự điều chỉnh.

Tuy nhiên, cơ chế thị trường không có nghĩa là buộc người tiêu dùng phải chấp nhận mức giá vô lý. Khoản 5, điều 11 Luật giá đã quy định “doanh nghiệp phải điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá”.

Xăng dầu chiếm 30 - 40% giá cước vận tải, lại giảm liên tục thời gian qua. Rõ ràng việc giảm cước chưa tương xứng với đà giảm của chi phí đầu vào cho thấy người tiêu dùng đang bị bắt chẹt.

Trên thị trường vận tải có hiện tượng một số doanh nghiệp dẫn dắt giá. Khi doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp đầu ngành áp giá nào thì các doanh nghiệp còn lại cứ thế áp theo. Khi chi phí đầu vào giảm nhưng doanh nghiệp lớn không hạ giá thì xem như không có chuyện phải giảm giá. Như vậy, không khó để cơ quan quản lý giá xử lý dứt điểm quả bóng giá bất hợp lý.

Doanh nghiệp nào đang chiếm thị phần lớn trong mảng taxi, nơi nào là đầu ngành vận tải hành khách, ai thống lĩnh thị trường xe tải và xe container... cơ quan quản lý đều biết. Chỉ cần soi để các doanh nghiệp này tuân thủ pháp luật về giá sẽ nhanh chóng kéo theo sự tuân thủ của toàn thị trường.

Khi đó quy luật thị trường mới thật sự vận hành, bởi nếu doanh nghiệp đầu ngành đã giảm cước, doanh nghiệp khác cũng không dám neo giá cao nếu không muốn ngồi chơi xơi nước.

Sự bất hợp lý trong giá cước đã kéo dài quá lâu nhưng đến nay các cơ quan chức năng chỉ dừng ở việc yêu cầu các hãng vận chuyển kê khai lại giá, trong khi việc xử phạt chưa đủ sức răn đe, chẳng khác nào có yếu tố “thị trường” nhưng chưa thấy “sự điều tiết của Nhà nước”.

Người tiêu dùng đang chờ xem các cơ quan chức năng sẽ điều tiết thế nào để đưa cước về mức hợp lý. 

Không chỉ thế, người tiêu dùng cũng đang chờ cơ quan chức năng có biện pháp điều tiết những khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp không sòng phẳng đã thu được. Một phần lợi nhuận này sẽ được thu về cho ngân sách nhà nước nếu việc kê khai và thu thuế được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ. Chỉ có thế mới sòng phẳng, không thể để người tiêu dùng bị bắt chẹt mãi.

HỒNG QUÝ (hongquy@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên