05/09/2015 08:07 GMT+7

Lại thúc giảm giá cước vận tải

 L.NAM - L.THANH - N.ẨN
L.NAM - L.THANH - N.ẨN

TT - Chiều 4-9, ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho biết vừa gửi văn bản đề nghị các thành viên tính toán giảm giá cước và kê khai niêm yết giá cước.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa yêu cầu doanh nghiệp giảm và kê khai lại giá cước. Trong ảnh: giá cước taxi sẽ giảm 500 đồng/km - Ảnh: H.Khoa

Theo ông Hỷ, so với thời điểm tăng giá cước vào tháng 5-2015 đến nay, giá xăng đã giảm tổng cộng 1.900 đồng/lít (hai lần tăng với tổng cộng 1.480 đồng/lít và năm lần giảm tổng cộng 3.380 đồng/lít), nên các doanh nghiệp có thể tính toán giảm cước taxi ở mức hợp lý. 

Cũng theo ông Hỷ, từ ngày 9-9 Vinasun sẽ giảm giá cước 500 đồng/km và hiệp hội đã vận động các thành viên khác cũng giảm ở mức này cho phù hợp với tình hình thực tế. 

Cước taxi sẽ giảm 500 đồng/km

“Dù mức chênh lệch chưa nhiều, khoảng 1.900 đồng nhưng các doanh nghiệp có thể tính toán giảm cước taxi ở mức hợp lý. Tôi đã vận động các thành viên khác ở hiệp hội cũng giảm 500 đồng/km là phù hợp với tình hình thực tế” - ông Hỷ cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chánh - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng với vận tải hành khách, vốn có các chi phí cố định nên các doanh nghiệp có thể tính toán giảm giá cước với tỉ lệ tương ứng ngay sau khi giá xăng giảm.

Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải hàng hóa không có tuyến cố định, không phải lúc nào chặng đi - chặng về đều có hàng, chủng loại hàng khác nhau, cự ly khác nhau, thời gian, phương tiện vận chuyển khác nhau, có tuyến đường thu phí, có tuyến không...

Vì vậy, khi nào giảm cước và giảm bao nhiêu phụ thuộc vào sự thỏa thuận của chủ hàng và doanh nghiệp vận tải trong từng trường hợp cụ thể.

Theo ông Chánh, cái khó của các doanh nghiệp vận tải hiện nay là phải chở đúng tải, chi phí khấu hao cao, một số tuyến đường thu phí tăng 3-4%, một số tuyến đường khác lại có lộ phí cao, thậm chí có những trường hợp thỏa thuận giá ghi hợp đồng một đằng nhưng thu cước thật sự lại thấp hơn, vì vậy giá cước thay đổi không thể dễ dàng thông báo giảm bao nhiêu trên 1km.

Phải kê khai lại giá cước

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh taxi và doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định (xe đò) xem xét thực hiện điều chỉnh giảm giá cước, đồng thời đăng ký, kê khai giá cước theo đúng quy định.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài chính phối hợp với Sở GTVT và các sở ngành TP.HCM thực hiện quản lý giá cước vận tải bằng ôtô, trong đó Sở Tài chính TP được giao báo cáo kết quả cho UBND TP.HCM. 

Cũng trong chiều 4-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết tới nay vẫn chưa có thông tin về việc doanh nghiệp kê khai lại giá cước vận tải với Sở GTVT và Sở Tài chính sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Trước đó, từ cuối tháng 8-2015, Bộ Tài chính đã có hai công văn liên tiếp đề nghị Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu sở GTVT phối hợp với sở tài chính giám sát chặt chẽ giá cước vận tải, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải kê khai lại giá cước phù hợp với mức giảm giá xăng dầu.

Theo ông Tuấn, với bốn lần tăng và bảy lần giảm kể từ đầu năm đến nay, giá xăng hiện tại rẻ hơn 548 đồng/lít và dầu diesel rẻ hơn 3.681 đồng/lít so với mức giá vào đầu năm.

Chiếm 30-40% trong giá thành cước vận tải ôtô, việc giá nhiêu liệu giảm mạnh chắc chắn sẽ tác động tích cực đến thị trường nói chung, trong đó có giá cước vận tải.

Do đó, nếu doanh nghiệp vận tải nào đã tăng giá cước từ đầu năm mà đến nay chưa giảm hoặc giảm chưa tương xứng với mức giảm giá nhiên liệu là không thể chấp nhận được.

Có tâm lý “sợ hội nhập”

Ngày 4-9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, khẳng định giá xăng dầu ở VN “phù hợp giá thế giới”, đồng thời cho rằng nếu giá xăng dầu của VN thấp quá sẽ dẫn đến chuyện buôn lậu.

Trả lời câu hỏi về sự tác động của việc Trung Quốc chủ động phá giá đồng NDT, ông Trần Thanh Hải, cục phó Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng các mặt hàng như dệt may, da giày đang sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ mua được nguyên vật liệu giá rẻ hơn.

Với nông sản, xuất sang Trung Quốc chưa nhiều nhưng đều là mặt hàng thiết yếu, nên việc giảm giá NDT không ảnh hưởng lớn.

Với câu hỏi việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với bột ngọt liệu có giúp giảm nhập mặt hàng này từ Trung Quốc, ông Nguyễn Phương Nam, cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, khẳng định chắc chắn sẽ giảm bớt bột ngọt nhập khẩu, bởi VN đã có kinh nghiệm áp dụng các biện pháp tự vệ với dầu thực vật (đã bước sang năm thứ 3). 

Liên quan đến ý kiến của ba tập đoàn lớn là Điện lực (EVN), Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) và Dầu khí (PVN) rằng bị lỗ cả ngàn tỉ đồng do thay đổi tỉ giá và đề nghị được tính vào giá điện, ông Đinh Văn Phúc, cục phó Cục Điều tiết điện lực, cho biết đã yêu cầu các đơn vị phát điện tính toán ảnh hưởng.

“Khi các đơn vị báo cáo lên, sẽ tính toán xem ảnh hưởng đến chi phí bán lẻ, sẽ có đề xuất” - ông Phúc nói và cho biết thêm Bộ Công thương sẽ làm việc với Bộ Tài chính, lãnh đạo hai bộ sẽ có xem xét.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trịnh Minh Anh, phó chánh văn phòng Ủy ban Hội nhập kinh tế quốc tế, cho rằng có tình trạng “doanh nghiệp sợ hội nhập” vì có nhiều hội thảo quá chi tiết, hoặc đưa thông tin thách thức rất nhiều.

Theo ông Minh Anh, đã có đề án về thông tin tuyên truyền liên quan hội nhập, trong đó các bộ ngành sẽ có phối hợp, có kế hoạch cụ thể từng năm, từng tháng; có bộ tài liệu chuẩn cho doanh nghiệp.

“Các bộ, ngành cũng sẽ thành lập bộ phận giải thích các cam kết hội nhập” - ông Minh Anh cho biết.  

C.V.K.

L.NAM - L.THANH - N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên