Người cao tuổi cần đi khám tai định kỳ để phát hiện và chữa kịp thời viêm tai. Ảnh: hear.com
Ở người cao tuổi, các bộ phận thuộc phạm vi tai mũi họng cũng lão hóa dần như ở các nội tạng khác trong cơ thể. Sau 60 tuổi trở đi, các cơ quan nội tiết hoạt động giảm, chuyển hoá giảm theo, sức nghe giảm dần. Nghe tiếng nói không rõ, nhất là ở nơi ồn ào. Tuổi càng cao, nghe càng kém. Đặc biệt, ở một số người cao tuổi, sức nghe giảm nhanh.
Cấu tạo tai và nguyên nhân gây nghe kém, điếc
Con người nghe được nhờ tai. Tai còn có chức năng quan trọng khác là giữ thăng bằng. Với 2 chức năng nghe và thăng bằng, tai có 3 phần:
Tai ngoài: Gồm có vành tai để hứng và định hướng sóng âm và ống tai ngoài vận chuyển sóng âm đến vành tai.
Tai giữa: Dẫn truyền và tăng cường sóng âm đến tai trong. Tai giữa gồm: Màng tai, các xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) và vòi tai. Bảo vệ tai trong nhờ lớp cơ của các xương con và lớp đệm không khí của tai giữa.
Tai trong: Là bộ phận tiếp nhận sóng âm và chuyển các sóng âm thành luồng thần kinh, giúp con người nhận biết âm thanh.
Nghe kém là giai đoạn đầu của điếc. Nghe kém có nhiều nguyên nhân, sau đây là những nguyên nhân chính:
- Tổn thương tai ngoài: Nút ráy ở ống tai ngoài có thể gây nên nghe kém và điếc. Có trường hợp vật lạ kẹt trong ống tai hoặc chít hẹp ống tai cũng gây nghe kém.
- Tổn thương tai giữa: Vòi tai (thông từ mũi - họng lên tai giữa) bị tắc, do viêm mũi họng. Viêm tai giữa có tiết dịch, có mủ, xơ sẹo màng tai làm cho nghe kém và điếc.
- Xốp tai (hoặc xơ tai): Là một quá trình các xương con của tai giữa bị xốp, cứng khớp, làm sức nghe 2 tai giảm dần rồi điếc. Chứng xốp tai gây điếc hay gặp ở người cao tuổi, tiến triển trong cả 2 tai, không thể chữa bằng phẫu thuật.
- Tổn thương tai trong: Do viêm tai giữa, viêm xương chũm biến chứng vào tai trong, hoặc do nhiễm độc một số loại thuốc, hoặc do các nhóm mỡ trong máu tăng lên. Nghiện rượu làm nhiễm độc thần kinh nghe, có thể gây ra điếc.
- Tác động của tiếng ồn trong một thời gian dài gây nên những tổn thương không hồi phục được ở cơ quan thính giác của tai trong. Với người cao tuổi, nếu trong quá khứ tiếp xúc với tiếng ồn càng lâu thì tỷ lệ điếc càng cao và càng nặng hơn.
Phát hiện sớm nghe kém bằng cách gì?
Không đòi hỏi máy móc, kỹ thuật phức tạp, ta có thể đo sức nghe và phát hiện ban đầu nghe kém hoặc điếc.
Đo sức nghe tiếng nói là cách đo đơn giản, dễ làm. Trong một căn buồng hoặc một hành lang yên tĩnh dài khoảng 6 mét, người đo dùng tiếng nói thì thào nói một số câu, từ đơn giản (như một con số gồm 2 - 3 số hoặc một tên địa danh, thành phố) hướng về phía tai được đo cách độ 5m.
Người được đo đứng hoặc ngồi, hướng tai đo của mình về phía tiếng nói người đo, dùng ngón tay bịt chặt tai bên kia và nhắc những từ, những con số nghe được. Đo lần lượt hết tai này sang tai kia. Tai bình thường nghe được tiếng nói thì thào ở khoảng cách 5m.
Người nào không nghe được tiếng nói thì thào ở sát vành tai mình hoặc không nghe được tiếng nói bình thường ở cách vành tai một gang tay thì có thể coi như bị điếc.
Bảo vệ sức nghe cho đôi tai
Xã hội càng phát triển, tiếng ồn do sản xuất, do giao thông, do sinh hoạt (nhất là ở các đô thị lớn) tác động liên tục lên con người càng làm cho dễ bị nghe kém và điếc. Do đó, cần quy định các mức ồn cho phép theo từng nơi, từng lúc. Kiến trúc đô thị phải bảo đảm có những khu vực yêu cầu yên tĩnh. Các khu công nghiệp lớn, sân bay… phải có quy định cách ly các nguồn ồn cao như xây dựng những bức tường cách âm đủ cao và dài, trồng những hàng rào cây xanh chắn tiếng.
Đặc biệt, mỗi người chúng ta giữ vệ sinh mũi họng, chữa kịp thời các bệnh mũi họng là nguồn gốc chính gây viêm tai. Phát hiện và chữa kịp thời viêm tai, dù là viêm tai ngoài hay viêm tai giữa, có mủ hay không mủ. Trong điều kiện thời tiết ở nước ta, viêm tai rất hay gặp và là nguyên nhân quan trọng nhất gây nghe kém và điếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận