28/11/2018 12:23 GMT+7

Bảo tồn di sản - nồi cơm Thạch Sanh

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Hội thảo chủ đề Không gian di sản - Bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM vừa tổ chức hôm 27-11 nhấn mạnh đến yếu tố mảng và quần thể di sản trong không gian đô thị.

Bảo tồn di sản - nồi cơm Thạch Sanh - Ảnh 1.

Biệt thự cổ số 110-112 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM - Ảnh: M.C.

Sai lầm đáng tiếc thường là cho rằng phá các di sản đi để xây nhà kiểu mới, to lớn hơn sẽ có hiệu quả kinh tế, thẩm mỹ và công năng tốt hơn. Đó là do không biết cách đúng để dùng di sản.

KTS Trần Văn Khải

Với ý tưởng muốn đặt lại vấn đề bảo tồn những không gian di sản trong lòng một đô thị đang phát triển, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM và Công ty Minerva phối hợp tổ chức hội thảo này, nhằm giới thiệu một số quan điểm, kinh nghiệm quy hoạch kiến trúc vào bảo tồn các công trình có giá trị tham khảo cho Sài Gòn - TP.HCM.

Những mảng và tuyến di sản có giá trị

Sở Quy hoạch - kiến trúc trong tham luận của mình đã giới thiệu một khối lượng lớn công việc, đó là công tác rà soát thống kê các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TP. Theo đó, điểm kiến trúc cảnh quan có giá trị bảo tồn bao gồm hai loại là biệt thự và công trình ngoài biệt thự. Bên cạnh điểm, khu vực kiến trúc cảnh quan có giá trị bảo tồn được xác định theo mảng, cụm và tuyến.

Có thể thấy sự tồn tại của các biệt thự cổ ở Sài Gòn chính là một phần của không gian kiến trúc cảnh quan có giá trị và cần được bảo tồn.

Trung tâm nghiên cứu kiến trúc cho biết đã làm việc với các chuyên gia Pháp trong các năm 2014 và 2015 để đề xuất các tiêu chí đánh giá giá trị di sản một cách khách quan, khoa học phù hợp với thực tiễn TP. Theo kết quả các phiên làm việc này, số lượng các biệt thự cũ trên địa bàn TP.HCM tập trung nhiều nhất tại quận 3.

Chia sẻ với quan điểm này, ông Phúc Tiến - tác giả của hai tập sách khảo cứu về Sài Gòn - đưa ra cái nhìn về "mảng di sản" tại khu vực được ông gọi là "Đặc khu di sản Sài Gòn xưa" bao gồm vườn ông Thượng, chợ Đũi và các khu biệt thự quận 3. Theo ông, trên tuyến đường thuộc "đặc khu" nêu trên có nhiều biệt thự xây dựng trước năm 1955, không những có giá trị về cảnh quan kiến trúc mà còn gắn với các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

Tháo dỡ biệt thự cũ trên đường Nơ Trang Long - Video: QUANG ĐỊNH

Bảo tồn biệt thự 110-112 Võ Văn Tần

Nội dung gây chú ý tại hội thảo là phần trình bày của KTS người Pháp Nicolas Viste về dự án trùng tu ngôi biệt thự ở số 110-112 Võ Văn Tần mà ông được chỉ định là trưởng nhóm nghiên cứu công trình này từ năm 2016.

Nicolas Viste chuyên nghiên cứu các dự án bảo tồn và văn hóa. Ông đến VN từ 6 năm qua, bắt đầu bằng việc hợp tác với UNESCO trùng tu các ngôi đền thuộc thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam.

Với dự án trùng tu biệt thự cổ tại 110-112 Võ Văn Tần, các nghiên cứu của ông Viste sẽ là tiền đề để phát huy các giá trị di sản độc đáo, điều mà ông gọi là: Tòa nhà này là một biểu tượng của ngành xây dựng người Việt lúc bấy giờ, nhìn bên ngoài cứ tưởng là biệt thự Pháp, nhưng thực ra yếu tố VN, nội dung VN trong tòa nhà này rất nhiều, nó là sản phẩm của người VN.

Ông Nicolas Viste cũng nhận định phong cách kiến trúc của tòa biệt thự được cho là ra đời cuối những năm 1920 này không theo quy luật chung nào, có sự hiện diện của Art Deco và Art Nouveau, nhưng kết hợp cả phương Đông và phương Tây.

"Phong cách công trình là một ví dụ độc đáo của kiến trúc Sài Gòn, nhờ ảnh hưởng của các kỹ thuật hiện đại châu Âu nhưng với tinh thần và ý nghĩa thiết kế cũng như các chi tiết trang trí đặc trưng của VN" - ông Nicolas Viste nhấn mạnh. Ở điểm này, KTS Trần Văn Khải cho rằng biệt thự 110-112 Võ Văn Tần mang phong cách tiếp biến tân cổ điển châu Âu có hòa trộn với kiến trúc VN.

Theo thông tin tại hội thảo, sau gần ba năm tập trung nghiên cứu đánh giá, một đề án phục dựng hoàn chỉnh cho tòa nhà, trong đó cam kết hướng tới việc bảo tồn tôn tạo với chất lượng tốt nhất đã được đề xuất.

Bảo tồn di sản - nồi cơm Thạch Sanh - Ảnh 4.

Dinh Thượng Thơ thời Pháp thuộc - Ảnh tư liệu

Lợi ích kinh tế từ di sản

Với mạch suy nghĩ về việc khai thác giá trị di sản để bảo tồn trong xu thế phát triển đô thị hiện nay, PGS.TS.KTS Trần Văn Khải nhắc lại ý nghĩa của việc kế thừa di sản văn hóa chính vì nó mang ý nghĩa ở hai phương diện: văn hóa - tinh thần và lợi ích kinh tế.

Điều thú vị là ngay cả ở phương diện văn hóa - tinh thần, KTS Trần Văn Khải chỉ ra rằng "di sản văn hóa là chứng tích, là niềm tự hào về quá trình phát triển của một cộng đồng dân cư. Việc quảng bá giá trị di sản là nhằm đạt được các mục tiêu văn hóa, chính trị, giáo dục mà rốt cuộc cũng đưa tới lợi ích kinh tế".

Còn trên phương diện lợi ích kinh tế, di sản văn hóa là thành quả vật chất thực thụ của cộng đồng góp vào việc hình thành và sử dụng một cơ cấu đô thị cũng như bản sắc riêng của nó. Một đô thị với nhiều di sản kiến trúc có bản sắc, có ý nghĩa lớn đến sức hấp dẫn cho các hoạt động kinh tế - chính trị và còn trực tiếp sinh ra các nguồn lợi.

Ở góc nhìn này, TS.KTS Tô Kiên đưa thêm một cái nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và Nhật Bản, để thấy rằng ngành bảo tồn di sản gắn với du lịch chính là "nồi cơm Thạch Sanh" cho nhiều quốc gia.

Theo ông, trong khối mâu thuẫn giữa các nhu cầu: thương mại hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, các nhu cầu này xoay quanh "giá trị truyền thống và bản sắc địa phương".

Và do vậy, nếu gìn giữ được các giá trị bản sắc địa phương trong đó có di sản văn hóa, thì sẽ giúp ngành du lịch phát triển bền vững, trở thành "nồi cơm Thạch Sanh" mang lại nguồn thu ổn định và lâu dài. "Các nước có lịch sử lâu đời và số lượng di sản lớn như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản... đều có những "nồi cơm Thạch Sanh" từ du lịch này" - ông Tô Kiên cho biết.

Tất nhiên, để khai thác di sản làm du lịch, quốc gia hay TP cần có chính sách ưu việt cùng với sự đồng bộ trong nhận thức của cộng đồng dân cư bản địa. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy quốc gia lâu đời này khai thác rất hiệu quả các giá trị di sản để làm du lịch, nhưng song song đó họ có hệ thống luật chặt chẽ, mà Luật bảo tồn đền chùa cổ là một minh chứng đáng kể.

1.227 biệt thự cũ

Theo Trung tâm nghiên cứu kiến trúc, số lượng các biệt thự cũ (xây dựng trước 1975) trên địa bàn TP.HCM hiện còn là 1.227 biệt thự, phân bố chủ yếu trên địa bàn 6 quận: 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh, Thủ Đức; trong đó quận 3 tập trung nhiều biệt thự nhất: 808 ngôi, chiếm tỉ lệ 65,85%.

Chờ phân loại, dân thấp thỏm sống trong những biệt thự Chờ phân loại, dân thấp thỏm sống trong những biệt thự 'chờ sập'

TTO - Trong khi chờ cơ quan chức năng xem xét xây dựng các tiêu chí phân loại biệt thự cũ để bảo tồn, nhiều căn biệt thự trên địa bàn TP.HCM đã xuống cấp nghiêm trọng. Chủ các căn biệt thự phải sống thấp thỏm trong những căn biệt thự 'chờ sập'.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên