06/08/2024 08:05 GMT+7

Bạo loạn ở Anh và 'quả bom' nhập cư

Các cuộc bạo loạn bùng lên tại hai xứ England và Bắc Ireland của Vương quốc Anh suốt tuần qua đặt Thủ tướng Keir Starmer trước bài kiểm tra lớn chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức.

Bạo loạn ở Anh và 'quả bom' nhập cư- Ảnh 1.

Người biểu tình chỉ mặt cảnh sát chống bạo động bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 31-7 Ảnh: AFP - Nguồn: The Guardian - Việt hóa: D.LINH - Đồ họa: T.ĐẠT

Ít ai ngờ vụ đâm dao tại một thị trấn ven biển phía tây xứ England vào ngày 29-7 đã thổi bùng bạo loạn tại nhiều thành phố lớn của Vương quốc Anh như Liverpool, Manchester và cả thủ đô London.

Cũng từ đây, người ta thấy rõ hơn những vấn đề âm ỉ, gây chia rẽ trong lòng vương quốc và chỉ chờ có dịp bùng nổ suốt nhiều năm qua.

Tin giả gây bạo loạn

Mọi sự khởi phát từ một sự kiện đau lòng ở thị trấn Southport, khi một thanh niên 17 tuổi tên Axel Rudakubana xông vào một sự kiện khiêu vũ và yoga dành cho trẻ em. Ít nhất ba trẻ em thiệt mạng, tám em khác và hai người lớn bị trọng thương sau vụ việc. 

Cảnh sát bắt giữ nghi phạm ngay tại hiện trường, song họ lại không chặn được thông tin sai lệch trên mạng. Không rõ ai đó đã tung ra tin thủ phạm là một người nhập cư theo Hồi giáo và đến từ Rwanda. 

Thông tin vỏn vẹn chỉ bấy nhiêu nhưng lan truyền nhanh chóng, bởi nó chứa các từ khóa nhạy cảm với xã hội Anh: nhập cư, Hồi giáo và Rwanda - một quốc gia châu Phi và là nơi Anh trục xuất người nhập cư bất hợp pháp theo đạo luật cùng tên.

Điều đáng nói là trước đó vài tuần, Thủ tướng Starmer đã tuyên bố sẽ loại bỏ chính sách trục xuất người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda, viện dẫn nó không hiệu quả mà lại tốn hàng trăm triệu bảng tiền thuế của dân. Hệ quả là ngay sau sự việc ở Southport, chính phủ đương nhiệm đã bị quy trách nhiệm là gián tiếp để tội ác xảy ra vì hủy chính sách trục xuất.

Mặc dù chính quyền đã nhanh chóng phủ nhận các thông tin sai lệch, nhấn mạnh Axel Rudakubana là người được sinh ra ở Anh và chỉ có cha mẹ là người Rwanda, song nó không đủ để dập tắt các cuộc bạo loạn. 

Một loạt các phe phái và cá nhân cực hữu, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa tân Quốc xã, các nhóm bài Hồi giáo đã đổ thêm dầu vào lửa. Sử dụng các ứng dụng nhắn tin bao gồm Telegram và X, những nhóm này đã kêu gọi mọi người xuống đường.

Kết quả là hơn 200 người đã đổ về Southport vào đêm 30-7, trong đó có nhiều người đi tàu từ những nơi khác ở xứ England, theo phía cảnh sát. Đám đông sau đó tấn công một nhà thờ Hồi giáo, làm bị thương hơn 50 cảnh sát và đốt xe. Nước Anh chính thức chìm vào hỗn loạn kể từ đây.

Phản ứng của chính phủ

Thủ tướng Starmer đã tuyên bố sẽ triển khai thêm cảnh sát để trấn áp tình trạng hỗn loạn. "Đây không phải là một cuộc biểu tình mất kiểm soát - ông nói - Đó là một nhóm người hoàn toàn có ý định sử dụng bạo lực". 

Một cuộc họp khẩn được tổ chức tại Văn phòng Thủ tướng Anh vào ngày 5-8 để tìm giải pháp xử lý - một chỉ dấu cho thấy ông Starmer xem bạo loạn là vấn đề nghiêm trọng và chủ động giải quyết thay vì để nó cho Bộ Nội vụ.

Trong một tuyên bố cuối tuần trước, ông Starmer cam kết sẽ giải quyết những đám đông côn đồ một cách nhanh chóng và quyết đoán. Không chỉ yêu cầu cảnh sát phối hợp các chiến thuật, thủ tướng Anh còn gửi thông điệp đến người Hồi giáo và những người khác sợ hãi bởi bạo lực rằng điều này không đại diện cho nước Anh. Đi xa hơn, ông thậm chí đã nêu tên các lực lượng phải chịu trách nhiệm cho sự hỗn loạn.

Là người đã từng đối phó với cuộc bạo loạn năm 2011 ở Anh, ông Starmer biết mình nên làm gì để nhanh chóng ổn định tình hình. Các nỗ lực của chính phủ Công đảng, đến thời điểm hiện tại, vẫn nhận được sự ghi nhận nhất định từ các đảng đối lập khi có rất ít chỉ trích. 

Tuy nhiên, một khó khăn lớn hơn đối với ông Starmer nằm ở cách ông phản ứng với Đảng Cải cách mang tư tưởng chống nhập cư của ông Nigel Farage. Để thể hiện sự đối đầu với Công đảng, các chính trị gia của Đảng Cải cách đã tuyên bố tư tưởng cực hữu không phải là nguyên nhân cho các cuộc bạo loạn, mà chính là sự bất mãn và bất an về nhập cư.

Thêm vào đó, ngôn ngữ thù địch với người nhập cư đã tràn ngập Anh trong 5 năm qua. Chúng được thúc đẩy bởi những cá nhân như bà Suella Braverman - cựu bộ trưởng nội vụ, người gọi làn sóng nhập cư vào Anh là một cuộc xâm lược, và ông Lee Anderson - người tuyên bố một cách vô căn cứ rằng vị thị trưởng London đang bị thao túng bởi những người Hồi giáo.

Công bằng mà nói thì vấn đề nhập cư, tâm lý bài trừ Hồi giáo đã âm ỉ trong lòng xã hội Anh suốt nhiều năm qua, trước khi Công đảng của Thủ tướng Starmer giành chiến thắng lịch sử vào ngày 4-7 vừa qua. Cách mà chính phủ non trẻ ấy phải giải quyết một vấn đề lâu đời, gây tranh cãi và chia rẽ dữ dội là rất đáng theo dõi. 

Trước mắt, theo báo The Guardian, Thủ tướng Starmer nên cương quyết tranh luận với các ngôn từ chống nhập cư song song việc giải quyết bạo loạn.

420

Khoảng 420 người đã bị bắt trong các cuộc bạo loạn ở xứ England và Bắc Ireland trong tuần qua. Hơn 70 cảnh sát bị thương, trong khi thiệt hại vật chất là chưa thể đo đếm.

Nội các Anh họp khẩn vì bạo loạnNội các Anh họp khẩn vì bạo loạn

Nội các Anh tổ chức cuộc họp khẩn cấp, sau khi những người biểu tình bạo loạn tìm cách xông vào các khách sạn có người tị nạn cư trú.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên