06/05/2009 07:51 GMT+7

Bảo hiểm xe cơ giới: Gian nan nhận tiền... "ban phát"

N.ẨN
N.ẨN

TT - Giữa tháng 6-2008, trên đường vận chuyển hàng hóa đến huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh), chiếc xe tải 1 tấn của ông Lê Hoài Vũ đụng vào ôtô chở khách chạy chiều ngược lại. Mọi rắc rối liên quan đến chuyện bảo hiểm bắt đầu xảy ra.

Kỳ 1: “Bồi dưỡng” mới hết bị “hành”

6aPzNa1m.jpgPhóng to

Tai nạn giao thông xảy ra làm chiếc xe khách bị móp đầu, người lái xe khách bị gãy chân. Ngay khi xảy ra tai nạn, ông Vũ đã điện thoại về Công ty bảo hiểm Bảo Minh - Chợ Lớn và đơn vị này đã cử đại diện ở địa phương đến xác nhận vụ tai nạn.

Chủ xe tự lo

Theo ông Vũ, đó là lần duy nhất có mặt nhân viên Công ty bảo hiểm Bảo Minh - Chợ Lớn, còn lại mọi việc ông phải tự lo như thương lượng với nạn nhân (người lái xe và chủ xe) các khoản tiền bồi thường thiệt hại.

Ông Vũ cho biết suốt mấy tháng trời gia đình ông phải xuôi ngược từ TP.HCM về Trà Vinh để chăm sóc nạn nhân, và đã chi hơn 121 triệu đồng bồi thường để lấy được giấy bãi nại. Không những vậy, ông Vũ còn phải tự liên hệ nhiều lần với cơ quan điều tra để lấy giấy chứng nhận kết luận nguyên nhân tai nạn giao thông nộp cho công ty bảo hiểm, thay vì đây là trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Chiến - một chủ xe khác - cho biết khi xe của ông gặp tai nạn, Công ty bảo hiểm Bảo Minh - Chợ Lớn chỉ cử duy nhất một nhân viên đến chứng nhận vụ tai nạn giao thông giữa chiếc xe của ông với chiếc xe gắn máy trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7). Còn lại ông và vợ “đầu tắt mặt tối” từ thương lượng bồi thường thiệt hại đến chăm sóc nạn nhân lúc ở bệnh viện cho tới về nhà. Kế đến, ông còn phải nhiều lần liên hệ cơ quan điều tra để lấy giấy chứng nhận kết luận nguyên nhân vụ tai nạn, sau đó nộp đủ hồ sơ cho bảo hiểm. Ông Chiến ấm ức nói: “Công ty bảo hiểm bỏ mặc khách hàng lo liệu, chỉ ngồi ở phòng lạnh chờ tôi đem hồ sơ về nộp mới xem xét giải quyết”.

“Ban phát”

Tạm đình chỉ công tác hai cán bộ, nhân viên bảo hiểm

Ngày 5-5, giám đốc Công ty Bảo Minh - Chợ Lớn Phạm Xuân Phong đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ trưởng phòng khai thác bảo hiểm số 5 đối với ông Võ Thanh Hoàng và tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Huy Cường-nhân viên phòng khai thác bảo hiểm số 5 để giải trình các vấn đề liên quan đến bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 5-5-2009.

Chiều cùng ngày, sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Bảo hiểm xe cơ giới: công khai phết phẩy”, ông Trần Vĩnh Đức - tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo Minh - đã gửi văn bản đến ban biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết lãnh đạo của Bảo Minh đã chỉ đạo Bảo Minh - Chợ Lớn tạm thời đình chỉ công tác các cá nhân có liên quan để tiến hành kiểm điểm làm rõ sự việc. Sáng 5-5, đại diện của Bảo Minh đã gặp gỡ ban chủ nhiệm Hợp tác xã Việt Thắng và chủ xe 53N-4115 để xin lỗi về hành động tiêu cực của nhân viên Bảo Minh, đồng thời làm rõ số tiền bị nhũng nhiễu để hoàn trả khách hàng”.

Ông Trần Vĩnh Đức cũng khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết sẽ làm rõ và xử lý nghiêm khắc các cá nhân vi phạm”.

Quy định về bảo hiểm có nêu rất rõ trong trường hợp cần thiết doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí hợp lý nhằm giúp chủ xe khắc phục hậu quả, nhưng để nhận được tiền tạm ứng không dễ. Ông Lê Hoài Vũ nói khi tai nạn xảy ra, quan trọng là phải có tiền chi cho người bị nạn, điều này thường bị bảo hiểm từ chối vì chưa có giấy tờ chứng minh. Do đó, ông Vũ phải vay tiền hợp tác xã (HTX). Sau gần một tháng rưỡi từ khi xảy ra tai nạn, HTX phải làm văn bản và nhiều lần đề nghị mới được Bảo hiểm Chợ Lớn tạm ứng 30 triệu đồng.

Ông Tô Văn Tám - xã viên HTX Việt Thắng - cũng cho biết sau khi xảy ra tai nạn giao thông vào tháng 9-2008, gia đình ông phải vay “nóng” 120 triệu đồng với lãi suất đến 20%/năm để lo mai táng cho hai người chết và chăm sóc hai người bị thương. Vài tháng sau khi ông Tám nộp nhiều loại hóa đơn, giấy tờ chứng minh đền bù thiệt hại của vụ tai nạn mới được Công ty Bảo Minh - Chợ Lớn tạm ứng 100 triệu đồng và mãi đến 16-4-2009 mới nhận được tiền bảo hiểm. Ông Tám bức xúc nói: “Lúc mua bảo hiểm thì được đơn vị bảo hiểm hứa đủ điều, khi gặp nạn mượn tiền tạm ứng của bảo hiểm quá khó khăn”.

Để được nhận tiền bồi thường của bảo hiểm cũng không đơn giản, ông Lê Hoài Vũ kể hằng tuần phải chạy tới chạy lui mấy lần lên công ty bảo hiểm. “Lúc thì gặp nhân viên bảo hiểm này, lần sau lại được chỉ qua gặp nhân viên bảo hiểm khác, không ai có trách nhiệm rõ ràng” - ông Vũ bức xúc. Không những vậy, khi tiếp ông, nhân viên bảo hiểm nói như “đinh đóng cột” ông sẽ được bồi thường đầy đủ nếu nộp đủ hồ sơ chứng từ.

Thế nhưng khi ông Vũ nộp đủ hồ sơ chứng minh đã bồi thường 38 triệu đồng cho lái xe gãy chân, nhân viên bảo hiểm Bảo Minh - Chợ Lớn mới đưa ra thông báo quy định mức bồi thường chỉ là 11 triệu đồng.

Theo quy tắc bảo hiểm thì “khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới hoặc lái xe cơ giới và các cơ quan chức năng ngay từ đầu để giải quyết tai nạn”. Quy định là thế nhưng không phải lúc nào cũng được thi hành nghiêm túc.

Ông Tô Văn Tám kể rằng xe của ông bị sự cố gây tai nạn từ ngày 10-9-2008, sau tai nạn có hai người chết, hai người bị thương, không thể gọi là vụ việc nhỏ lẻ được. Thế nhưng Bảo Minh - Chợ Lớn đã không quan tâm hỗ trợ ngay về mặt tài chính, không tham gia cùng giải quyết tai nạn. Hơn sáu tháng trời chỉ một mình gia đình ông chạy đôn chạy đáo lo mọi mặt hồ sơ giấy tờ để trình bảo hiểm.

Ông Tám nói: “Quy định thời hạn thanh toán bồi thường là không quá 15 ngày kể từ khi chủ xe nộp hồ sơ đầy đủ. Nhưng phải để đến nửa năm trời Bảo Minh - Chợ Lớn mới “ban phát” một ít tiền gọi là tạm ứng. Trong khoảng thời gian ấy chúng tôi phải chạy ngược xuôi khắp nơi, vay nóng bên ngoài để lo ma chay và lo chăm sóc các nạn nhân nằm viện”.

Không công khai mức bồi thường?

Ngày 5-5, chủ xe 54V-64... N.H. N.Tr. cho biết ngoài việc bị “hành” đi lên đi xuống nhiều lần để bổ túc hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại Bảo Minh - Chợ Lớn, ông còn bị nhân viên giải quyết hồ sơ bưng bít thông tin về mức độ bồi thường tổn thất. Ngày 19-1-2008 xe của ông Tr. gặp sự cố tại xã Hậu Thành, Cái Bè, Tiền Giang. Người bị tai nạn chấn thương phần mềm, gãy chân phải nằm Bệnh viện Đa khoa Cái Bè, sau đó điều trị tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, ông Tr. báo với Bảo Minh - Chợ Lớn và xin được thông tin về mức bồi thường nhưng chỉ được nhân viên trả lời chung chung: “Cứ tự thỏa thuận bồi thường và điều trị thuốc men rồi mang giấy tờ về Bảo Minh được bồi hoàn hết”. Tuy nhiên, khi bồi thường cho nạn nhân xong, mang các hóa đơn đóng viện phí, thuốc men của bệnh viện về Bảo Minh - Chợ Lớn thanh toán thì ông chỉ được thanh toán khoảng 80% giá trị trên hóa đơn.

Theo chủ xe Tô Văn Tám, ông không được Bảo Minh - Chợ Lớn thông tin mức bồi thường cho một nạn nhân chết là 50 triệu đồng nên gia đình nạn nhân cũng bị thiệt thòi, nếu chủ xe thỏa thuận bồi thường cho gia đình nạn nhân chỉ 40 triệu đồng thì công ty Bảo Minh cũng chỉ bồi thường ở mức đó.

Bi kịch hơn là trường hợp ông Nguyễn Văn Chiến đã nộp đủ hồ sơ cho bảo hiểm nhưng không được nhận tiền bồi thường. Theo ông Chiến, sau hơn hai tháng chăm sóc và bồi thường thiệt hại hơn 20 triệu đồng cho người bị nạn ông mới nhận được giấy bãi nại. Rồi năm lần bảy lượt ông Chiến đến cơ quan điều tra mới nhận được kết luận nguyên nhân tai nạn. Khi đưa hồ sơ đến Bảo Minh - Chợ Lớn, nhân viên bảo hiểm hứa hẹn ông Chiến sẽ nhận được tiền bảo hiểm. Thế nhưng vài tuần sau nhân viên lại nói “sếp” không chấp thuận bồi thường.

Sau khi ông Chiến có yêu cầu, giữa tháng 12-2008 Bảo Minh - Chợ Lớn mới gửi thông báo nêu rõ sở dĩ từ chối bồi thường cho ông Chiến vì lái xe lưu thông không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Cầm trong tay tờ thông báo từ chối bảo hiểm, ông Chiến bức xúc nói: “Không mua bảo hiểm thì bị lực lượng kiểm tra trên đường phạt tiền, còn mua bảo hiểm bắt buộc mà không được cái gì thì có nên mua không? Tại sao ngay từ đầu công ty bảo hiểm không nói rõ trường hợp nào được bồi thường và trường hợp nào không được bồi thường để chủ xe không mất nhiều thời gian?”.

Cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

Trong văn bản kiến nghị các cơ quan thẩm quyền, ban chủ nhiệm các HTX vận tải Bình Chánh, HTX cơ giới vận tải thủy bộ Q.8, HTX vận tải dịch vụ du lịch Bình Tân và HTX xe du lịch - vận tải - thi công cơ giới Hiệp Phát đã đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo các HTX, quy tắc bảo hiểm quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chủ xe, lái xe ngay từ đầu để giải quyết tai nạn. Thực tế trên giấy chứng nhận bảo hiểm cấp cho người mua bảo hiểm chỉ ghi địa chỉ văn phòng, số điện thoại của doanh nghiệp bảo hiểm mà không thể hiện doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm ra sao. Do đó, hầu hết các vụ tai nạn chủ xe phải tự lo liệu toàn bộ mọi việc.

Không những vậy, quy tắc về bảo hiểm còn nêu rõ: doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương và các bên liên quan để thu thập giấy tờ cần thiết có liên quan nhằm xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại của vụ tai nạn. Trong thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm lại yêu cầu người tham gia bảo hiểm phải tự lo liên hệ với các cơ quan chức năng, nạn nhân để thu thập các giấy tờ có liên quan đến tai nạn để cơ quan bảo hiểm xem xét bồi thường.

(còn tiếp)

N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên