17/09/2018 11:12 GMT+7

Bao giờ mới đi bộ đúng luật?

HỒNG VÂN - HÀ MY  - BÌNH MINH ghi
HỒNG VÂN - HÀ MY - BÌNH MINH ghi

TTO - Nhiều người nước ngoài nhắn gửi như vậy khi thường xuyên chứng kiến người Việt đi bộ qua đường bất cứ đâu, miễn đi như vậy là nhanh, chẳng cần biết có an toàn hay không.


Bao giờ mới đi bộ đúng luật? - Ảnh 1.

Nhiều người, kể cả phụ nữ có thai, không ngại băng qua đường Cống Quỳnh trong khi có cầu vượt bộ hành nối liền hai cơ sở của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cùng với đó, họ đề nghị cần có thêm nhiều vạch qua đường cho người đi bộ và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bằng những "quảng cáo" thú vị.

Anh AHMAD QALALWAH (người Palestine):

Chúng tôi cứ chờ mãi...

Tôi sống ở Việt Nam gần bốn năm, chủ yếu tại TP.HCM. Lúc mới sang, cũng như nhiều người nước ngoài, tôi đi bộ để khám phá thành phố dù rất sợ giao thông ở đây.

Lúc sang đường ở vạch dành cho người đi bộ, chúng tôi cứ chờ mãi, chờ mãi nhưng đèn đỏ mà nhiều xe vẫn không ngừng rẽ phải, đến đèn xanh rồi lại đèn đỏ nên nhiều người cứ đứng đó cho tới khi có thể đi theo một nhóm khác để sang đường.

Ở trung tâm TP.HCM, tôi thấy hệ thống báo hiệu cho người đi bộ được cải thiện nhiều như có hệ thống đèn báo sang đường, vạch trắng chỉ chỗ sang đường khá đầy đủ. Nhiều người đi bộ ở đây cũng tuân thủ Luật giao thông.

Tuy nhiên, ở vùng ngoại thành, nhiều người đi bộ rất liều lĩnh. Có thể vì ngại phải đi đường vòng, họ băng ngang qua xa lộ có xe chạy với tốc độ cao rất nguy hiểm.

Tôi nghĩ nếu có nhu cầu khuyến khích đi bộ, chính quyền có thể trang bị các hệ thống giám sát và bố trí lực lượng hỗ trợ trên đường phố để giải quyết hoặc nhắc nhở những người đi bộ làm cản trở giao thông.

Đồng thời, nên phát triển hệ thống cơ sở vật chất về hạ tầng thân thiện với người đi bộ như dành riêng các lối/hành lang và cầu vượt để người dân có thể sang đường an toàn.

Ở nước tôi, người đi bộ phải đi đường riêng và sang đường tại nơi quy định. Không ai dám sang đường ở bất cứ chỗ nào như tại Việt Nam, nhất là qua xa lộ hay khi đèn cho người đi bộ là đèn đỏ. Không thể đánh cược cuộc sống mình khi qua đường không đúng luật.

Chị ROBYN AUSMEIER (người Nam Phi):

Tuân thủ 3 điều cơ bản

Khác với nhiều người Việt có thể qua đường ở bất kỳ đâu, thời gian đầu khi mới tới Việt Nam tôi rất bối rối khi buộc phải đi bộ qua đường.

Đặc biệt, khi tôi đứng trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ mà xe cũng không nhường đường cho qua khiến tôi thấy những vạch kẻ này không có tác dụng. Có thể nhiều người, cả đi bộ lẫn đi xe máy, chưa nhận thức rõ và đầy đủ về quy định tham gia giao thông.

Ở nước tôi, khi đi bộ mọi người phải tuân thủ ba điều cơ bản nhất. Đó là đi trên vỉa hè, đúng phần đường quy định của người đi bộ, qua đường đúng nơi quy định và tuân thủ đèn giao thông.

Theo tôi, Việt Nam cần có nhiều biển báo phổ biến lại quy định cho người tham gia giao thông, cũng như cách đi đúng, đi lịch sự. Ngoài ra, người thực thi pháp luật nên nghiêm khắc trừng phạt những trường hợp vi phạm gây nguy hiểm đến người khác.

Anh CHRIS SMITH (người Anh):

Vỉa hè sao lại là nơi để xe máy?

Bao giờ mới đi bộ đúng luật? - Ảnh 2.

Vỉa hè làm nơi để xe thì lối đi nào cho người đi bộ? (ảnh chụp tại đường Hàn Thuyên, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Giao thông ở Việt Nam khá hỗn loạn. Tôi thấy nhiều người Việt chỉ tuân thủ các quy định giao thông nghiêm túc khi cảnh sát giao thông có mặt. Đây là vấn đề phụ thuộc vào ý thức của con người.

Nói về chuyện đi bộ, tôi mong vỉa hè được trả lại cho người đi bộ thay vì bị lấn chiếm làm nơi để xe máy và bán hàng rong. Một điều khác cần thay đổi là ý thức của người đi xe máy, tránh việc chạy xe trên lề đường để người đi bộ cảm thấy an toàn hơn.

Phố cổ Hà Nội và Hội An đã làm rất tốt điều này khi họ tiên phong dọn đường để ưu tiên cho người đi bộ thay vì xe máy. Do việc chạy xe máy vô cùng thuận tiện và dễ dàng nên không nhiều người chọn đi bộ ở Việt Nam.

* Ông JOHN BAYARONG (người Philippines):

Thêm nhiều vạch qua đường cho người đi bộ

Từng trải nghiệm đi bộ ở Việt Nam, tôi nghĩ cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng cho người đi bộ. Theo tôi, nhiều khu vực chưa đủ vạch và đèn cho người qua đường, đặc biệt là các vùng ngoại ô, mà người dân chưa có được thói quen tuân thủ những quy định khi đi bộ.

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần được kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Cụ thể, Chính phủ có thể chiếu "quảng cáo" trên tivi để phổ biến những quy định này.

Nếu nội dung được chú trọng làm cho thú vị, tôi tin rằng các bạn trẻ sẽ hào hứng làm theo và chủ động chia sẻ thông tin về vấn đề này trên mạng xã hội. Điều này sẽ cải thiện nhận thức của người trẻ, nhóm đối tượng mà tôi cho rằng thường xuyên vi phạm quy định trong lúc tham gia giao thông.

Đừng để việc sai trái thành bình thường!

Chị AMANDA NEIL (du khách người Mỹ) chia sẻ: Tôi chỉ mới đến TP.HCM lần đầu. Một lần tôi đang đứng chờ đèn xanh dành cho người đi bộ để băng qua đường thì một nhóm bạn trẻ người Việt đi bộ đến và tiện tay... kéo tôi qua đường luôn, trong khi làn xe máy vẫn còn đang được phép di chuyển. Tôi rất bất ngờ và có phần sợ hãi khi xe máy liên tục trờ tới và né tránh chúng tôi thì họ cười, bảo: "Không sao đâu, ở đây như vậy là bình thường, người ta tránh mình mà. Bạn không cần phải đứng chờ cho mất thời gian".

Tôi không hiểu chữ "bình thường" được họ định nghĩa như thế nào khi ai cũng biết việc đi bộ không đúng luật có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và cho người khác. Tôi nghĩ mọi người phải có ý thức thay đổi để đi bộ cho đúng luật, đừng để việc sai trái thành việc bình thường!

Từ năm 2018, đi bộ sai luật có thể bị phạt tù Từ năm 2018, đi bộ sai luật có thể bị phạt tù

TTO - Nếu ông A leo qua con lươn để băng qua đường khiến người chạy xe do tránh ông A mà té xe chết, khả năng ông A ở tù là rất cao.

HỒNG VÂN - HÀ MY - BÌNH MINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên