![]() |
Biểu tình trước lãnh sự quán Mỹ ở Kolkata (Ấn Độ) ngày 7-4 biểu thị thái độ chống đối hành động tấn công tên lửa vào Syria - Ảnh: Reuters |
Truyền thông Mỹ nói chung đã bị bất ngờ trước quyết định mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump bởi trước đó ông có vẻ tuyên bố muốn tránh ra những cuộc xung đột quốc tế để dành thời gian cho vấn đề quốc nội của Mỹ.
Chính vì thế báo chí Mỹ đã đặt ra không ít câu hỏi về quyết định đầy quyết tâm của vị Tổng thống tỉ phú.
Xoay lá mặt lá trái
Tờ Politico cho rằng Tổng thống Trump thiếu… ổn định. Tờ báo mạng chuyên về chính trị Mỹ bình luận rằng ông chủ Nhà Trắng đã xoay quá nhanh vì trong một tuần, đã chuyển từ “thái độ chờ và xem”, theo đó cho rằng Tổng thống Bashar al-Assad có thể “ở lại vị trí quyền lực” sang tấn công bằng tên lửa hạng nặng để “chấm dứt chuyện thảm sát dân thường”.
Chuyện “xoay như chong chóng” đó, theo tờ Politico, không đơn giản chỉ là chuyện lật trở như trở bàn tay mà là một cú xoay mang tính bước ngoặt.
Khi còn là ứng viên tranh cử vị trí Tổng thống, ông Trump từng phàn nàn liên tục về chuyện “nước Mỹ chúng ta đã tiêu phí hàng tỉ USD cho các cuộc chiến tranh ở Trung Đông”.
Thế mà giờ đây ông ấy đã trở thành “một Tổng thống thời chiến”, theo cách dùng từ của tờ Politico.
Tờ báo cho rằng trong 10 tuần cầm quyền, ông Trump đã cho tấn công cả hai bên của Syria (gồm cả bên khủng bố lẫn bên quân đội chính quyền Damascus).
Đồng thời, ông đã cho tăng cường không kích bằng máy bay không người lái chiến thuật ở Yemen và cho phép tiến hành những chiến dịch của đặc nhiệm Mỹ ở Yemen, và cho triển khai quân trở lại ở Iraq.
Trang mạng của tạp chí Time cũng tập trung vào sự thay đổi trắng đen này của ông Trump. Tờ tạp chí nghiêm túc của Mỹ lại diễn giải hài hước bằng cách tìm lại những dòng tweet cũ của ông Trump về chuyện chiến tranh.
Theo đó độc giả thấy rằng trong khoảng năm 2013 - 2014, vị lãnh đạo tương lai của Mỹ từng có 18 dòng trạng thái trên Twitter tố cáo sự dính líu của Mỹ trong cuộc nội chiến ở Syria.
Người ủng hộ, kẻ không
Tờ Los Angeles Time đi sâu vào phản ứng của các chính trị gia bên đảng Cộng hòa của ông Trump. Các quan điểm cũng còn trái ngược nhau.
Như ông Marc Rubio, người từng tham gia tranh đua vị trí ứng viên Tổng thống, ngợi ca quyết định của ông Trump.
Vị thượng nghị sĩ từ bang Florida cho rằng đợt tấn công bằng tên lửa rạng sáng 7-4 giúp cho chính quyền Damascus hiểu ra rằng “đã hết rồi cái thời có thể phạm tội ác chiến tranh mà không bị trừng trị”.
Thượng nghị sĩ nhiều quyền lực John McCain - chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ cùng Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cũng ngợi ca “tính chuyên nghiệp” của quân đội Mỹ.
Theo hai ông, ông Donald Trump đã gửi đi thông điệp là “Mỹ không muốn cứ mãi thụ động trước vấn đề Assad”.
Trái lại, Thượng nghị sĩ Rand Paul, từng là gương mặt nổi bật của nhóm Đảng Trà, cho rằng những cuộc can thiệp trước đây đã cho thấy “chúng không giúp nước Mỹ an toàn hơn”.
“Nếu như tất cả chúng ta đều lên án những tội ác tàn bạo tại Syria, nước Mỹ cũng không vì thế mà không bị tấn công. Tổng thống cần có được sự chuẩn thuận của Quốc hội để tiến hành một hành động quân sự như Hiến pháp đã yêu cầu”, Thượng nghị sĩ Rand Paul, đại diện bang Kentucky, nhắc nhở.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine của đảng Dân chủ cũng cho rằng ông Trump nên thông qua ngõ Quốc hội để tiến hành chiến tranh.
Tuy nhiên, tờ Los Angeles Times cũng nhắc nhở rằng để đi theo đúng qui trình thì chắc sẽ khó vào thời điểm này vì Quốc hội Mỹ đang nghỉ 2 tuần lễ mùa xuân.
Và thực ra thì Tổng thống Mỹ, ở vai trò tổng tư lệnh quân đội, có quyền quyết định đối với những yêu cầu tấn công chớp nhoáng.
Tổng thống Barack Obama từng làm thế trong cuộc tấn công tại Libya.
![]() |
Cuộc sống thường ngày ở Homs ngày 7-4, tức trong ngày tên lửa Mỹ phóng xuống căn cứ không quân Shayrat thuộc tỉnh này. Ảnh do hãng thông tấn SANA của chính quyền Syria cung cấp - Ảnh: Reuters |
Ba nguy cơ cho ông Trump
Tờ New York Times trong khi đó cảnh báo về ba nguy cơ nếu Mỹ dấn sâu vào can thiệp ở Syria. Đầu tiên đó là nước Nga.
Tổng thống Vladimir Putin, dù cho đến nay rất vui lòng về việc ông Trump vào Nhà Trắng, lại không hề muốn chuyện ảnh hưởng của Nga ở Syria bị lung lay.
Với Nga, Syria là một tiền đồn chắc chắn ở khu vực Trung Đông.
Nguy cơ thứ hai chính là việc mục tiêu chính của Mỹ ở Trung Đông lúc này (tiêu diệt tận gốc khủng bố Nhà nước Hồi giáo – IS) có thể bị ảnh hưởng nặng.
New York Times cho rằng nếu chính quyền al-Assad sụp đổ, Syria càng thêm rối loạn và trở thành “thiên đường” cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Nguy cơ thứ ba chính là việc chính quyền Donald Trump hiện chưa có kế hoạch khả thi nào để đem lại hòa bình cho Syria.
Trái lại, theo báo New York Times, trong dự thảo kế hoạch ngân sách sắp tới, Tổng thống Trump lại “cắt giảm nhiều phần của các chương trình trợ giúp cho người tị nạn Syria vốn đã và đang trải qua sáu năm nội chiến”.
Giới chuyên gia chính trị cũng tỏ ra bất ngờ về quyết định của ông Trump. Theo đài France Inter, như bà Marie-Cécile Naves, chuyên gia về nghiên cứu Tổng thống Mỹ, cho rằng ông Trump "muốn chứng tỏ ông ấy không phải là người chỉ biết lòe thiên hạ mà còn là con người của hành động". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận