30/01/2015 11:06 GMT+7

​Báo chí chính danh

TS HUỲNH VĂN THÔNG (trưởng khoa báo chí - truyền thông,  ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
TS HUỲNH VĂN THÔNG (trưởng khoa báo chí - truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

TT - Đạo văn thật ra không nên xem là lỗi, mà phải được nhận diện là một tội trong nghề nghiệp như nghề báo.

Hiện nay, nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp “lấn sân” sang lĩnh vực sản xuất tin tức nhưng lại hút công chúng hơn nhiều so với báo chí chính danh, dù tin tức được sản xuất ở những trang này là kiểu tin tức khai thác “ký sinh” từ báo chí.

Nhìn dưới góc độ báo chí, những trang này là một loại “báo chí nhái”, chuyên khai thác tin tức báo chí theo kiểu “ký sinh”, tạo ra một khu vực tin tức “thứ cấp” so với nguồn tin tức gốc từ báo chí.

Thiếu tin tức gốc từ báo chí thì các trang này sẽ hụt tin bài trông thấy, nhưng nghịch lý là có khi báo chí bị truy cứu trách nhiệm về tin gốc đến mức phải gỡ bỏ bài đã đăng hoặc phải đính chính, xin lỗi thì những trang này lại mặc nhiên không phải làm điều tương tự.

Những nghịch lý như thế đã tạo ra cạnh tranh không lành mạnh và làm thiệt hại đáng kể cho báo chí chính danh. Đây là một thách thức thiếu công bằng đối với báo chí vốn phải đầu tư nhiều nguồn lực, công sức để làm tin tức và phải chịu trách nhiệm rất cao về tin tức mình đăng.

Tình trạng thiếu công bằng về cạnh tranh tin tức như thế đã dựa vào thực tế nào để hình thành và thậm chí là sinh sôi nảy nở thành một trào lưu ở VN hiện nay?

“Báo chí nhái” không phải là một bộ phận của truyền thông xã hội, vì chủ thể truyền thông trong trường hợp này không phải là cá nhân. Nhưng “báo chí nhái” đã dựa vào môi trường truyền thông xã hội để khai thác kiểu tin tức “ký sinh”.

Trước hết về nhân lực, “báo chí nhái” đã sử dụng một đội ngũ làm tin tức nghiệp dư trong mạng lưới truyền thông xã hội để làm việc cho họ như những phóng viên, biên tập viên - nhưng là những phóng viên, biên tập viên không chính danh về nghề nghiệp.

Thậm chí trong đội ngũ này không ít người còn thuộc độ tuổi rất trẻ đã tham gia làm tin tức mà nhận thức về trách nhiệm xã hội và đạo đức đưa tin còn chưa được đầy đủ.

Thứ hai, về nguồn tin, “báo chí nhái” vừa sử dụng những nguồn tin tức báo chí chính thức lại vừa trộn chúng với các nguồn tin từ môi trường truyền thông xã hội. Ranh giới tin đồn - dư luận xã hội - tin được kiểm chứng trở nên khó xác định và làm cho độ tin cậy báo chí - một chỗ dựa xã hội quan trọng của báo chí - bị lung lay một cách rõ ràng.

Thứ ba, “báo chí nhái” và tin tức “ký sinh” có thể xem là một nỗi đau nhức nhối về tình trạng vi phạm bản quyền báo chí.

Mức độ nghiêm trọng nhất của vấn đề tôn trọng bản quyền hay không trong việc sử dụng lại các thông tin của người khác khi làm báo là liệu nhà báo có chủ tâm rõ ràng trong việc sao chép hay dùng lại thông tin của người khác và biến nó thành của mình.

Đạo văn thật ra không nên xem là lỗi, mà phải được nhận diện là một tội trong nghề nghiệp như nghề báo. Nó cho thấy nhà báo đã chủ ý vượt ra khỏi những giới hạn đạo đức, dẫn đến sự xâm hại quyền lợi và giá trị của người khác. Không phải ngẫu nhiên mà ở các trường đào tạo báo chí, nếu sinh viên mắc lỗi đạo văn, họ sẽ bị kỷ luật đuổi học.

Một vài bài viết không làm nên sự nghiệp nhà báo, nhất là những bài viết không trong sạch về giá trị đạo đức nghề nghiệp.

Chỉ có cuộc đời hành nghề báo chí với ý thức rõ ràng về đạo đức nghề nghiệp mới thật sự là sự nghiệp báo chí chính danh để các nhà báo theo đuổi và phụng sự bạn đọc đúng nghĩa.

TS HUỲNH VĂN THÔNG (trưởng khoa báo chí - truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên