21/06/2013 10:19 GMT+7

Báo chí "chạy tiếp sức" cùng ngư dân trong vụ bạch tuộc

THẠCH HÀ
THẠCH HÀ

TT - Một ngày sau khi bồi thường 650 triệu đồng tiền bạch tuộc cho ngư dân Cần Giờ, đại tá Cao Ngọc Lan - phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương - chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng nếu có thời gian nhiều, ông sẽ xuống tận rừng ngập mặn để tường tận nỗi khó khăn của ngư dân.

Trước đó, khi làm việc với ngư dân Cần Giờ, Công an tỉnh Hải Dương cũng nói báo chí đã giúp họ hiểu hơn nỗi cực nhọc của ngư dân và không thể chậm trễ trong việc bồi thường thiệt hại.

Phía sau những bài báo

d3c6FWqh.jpgPhóng to
Phóng viên Thuận Thắng (bìa trái) và Viễn Sự (bìa phải), báo Tuổi Trẻ, ghi hình việc đặt rập săn bạch tuộc tại rừng ngập mặn Cần Giờ - Ảnh: MAI HOA

Trong vụ việc này, báo chí đã tạo nên một tiếng nói chung nhằm hỗ trợ pháp lý cho ngư dân. Đó là câu chuyện mà nói như bà Nguyễn Thị Phỉ, người đại diện ủy quyền của các ngư dân Cần Giờ: “Các bạn phóng viên đã “chạy tiếp sức” đòi quyền lợi đến cùng cho ngư dân”.

Xuất phát từ Hải Dương...

Anh Đặng Văn Hùng, một trong những ngư dân Cần Giờ lặn lội ra Hải Dương khi lô hàng bạch tuộc bị bắt, cứ nhắc mãi về các nhà báo đã giúp đỡ ngư dân lần đầu đặt chân ra Bắc, bắt đầu hành trình “... đi kiện củ khoai”. “Đi kiện nhưng không ai hiểu gì về pháp luật. Tới trước trụ sở Công an tỉnh Hải Dương rồi mà không biết phải bắt đầu từ đâu” - anh Hùng kể.

May mắn, chủ quán cà phê nơi các ngư dân ngồi nghỉ chân đã cho họ số điện thoại của anh Nguyễn Trọng Đức, phóng viên báo Người Lao Động thường trú tại Hải Phòng. Chỉ sau cuộc điện thoại vài phút, anh Đức cùng hai đồng nghiệp Mạnh Thắng (báo Nông Thôn Ngày Nay) và Hồng Đức (báo Pháp Luật Xã Hội) đã nhanh chóng có mặt để nghe những ngư dân từ miền Nam ra trải lòng. Không dừng lại ở chuyện tác nghiệp, các phóng viên còn tư vấn cho ngư dân Cần Giờ về đường đi nước bước để bắt đầu vụ kiện. Trong đó quan trọng nhất, theo anh Hùng, chính là việc phóng viên đã tìm thông tin chứng minh chiếc xe tải chở bạch tuộc đã được công an gửi tại bãi xe. “Điều đó đã giúp chúng tôi phản bác nội dung trả lời ban đầu của công an là không giữ xe và không chịu trách nhiệm về 2 tấn bạch tuộc bị hỏng” - anh Hùng nói.

Nghe lại câu chuyện mà những ngư dân Cần Giờ kể, phóng viên Nguyễn Trọng Đức nói thực tế các nhà báo cũng đang chờ ngư dân từ 23g đêm hôm trước (27-5), sau khi xe chở bạch tuộc bị bắt. Ngay khi được báo tin, từ Hải Phòng, anh Đức cùng các đồng nghiệp đã vượt 50km trong cơn mưa tầm tã có mặt tại Hải Dương và ở lại đến 1 giờ sáng hôm sau để ghi nhận tình hình, rồi sáng sớm hôm sau lại từ Hải Phòng trở lại Hải Dương để chờ gặp ngư dân.“Càng rõ sự việc, tôi và các đồng nghiệp càng bức xúc về cách làm việc của công an. Họ đã làm hỏng một tài sản lớn của ngư dân. Anh em phóng viên lúc đó đã tác nghiệp bằng sự đồng cảm, muốn cùng các ngư dân tìm lại sự công bằng” - anh Đức nói.

IsQrGqk8.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Phỉ và anh Đặng Văn Hùng (từ trái qua) chia sẻ những kinh nghiệm trong vụ kiện đòi bồi thường 2 tấn bạch tuộc tại hội thảo “Truyền thông và hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người dân”, do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức ngày 17-6 tại Hà Nội - Ảnh: Viễn Sự

... Về đích ở Cần Giờ

Cuộc “chạy tiếp sức” của báo chí cho ngư dân Cần Giờ đã có lúc bị chậm lại, thậm chí không biết bao giờ mới về đích. Nhưng mỗi tờ báo, ở những chặng đường nối tiếp nhau, đã có những cuốc “nước rút” cần thiết.

Báo Pháp Luật TP.HCM chính là tờ báo tung cú “nước rút” mạnh mẽ đầu tiên bằng cả một trang trên số báo ngày 3-6 với dòng tít “Vụ chặn giữ 2 tấn bạch tuộc: Có dấu hiệu lạm quyền”. Không chỉ nêu ra việc giữ xe, giữ hàng không có biên bản, nêu cụ thể sự thoái thác trách nhiệm, tránh né báo chí của Công an Hải Dương, báo này còn phân tích rất rõ nội dung các thông tư về kiểm dịch và khẳng định: Công an đã làm sai! Nhà báo Đinh Đức Thọ - thư ký tòa soạn mảng tòa án của báo Pháp Luật TP.HCM - thẳng thắn: “Pháp Luật TP.HCM đã “xuất phát” chậm trong vụ việc này ở Hải Dương. Nhưng tính chất của một tờ báo về pháp luật đã hối thúc chúng tôi phải chứng minh được nỗi oan ức của ngư dân Cần Giờ bằng góc độ pháp lý. Báo đã cử một nhóm phóng viên xuống Cần Giờ, về Hải Dương nắm lại tất cả thông tin và đối chiếu để đưa ra khẳng định Công an Hải Dương đã lạm quyền”.

Câu chuyện về pháp lý được làm rõ, các ngư dân Cần Giờ được tiếp thêm lý lẽ cho hành trình đòi lại sự công bằng. Nhưng một điều quan trọng không kém: tiếng nói mạnh mẽ nhất từ khi vụ việc xảy ra của Pháp Luật TP.HCM đã khiến không ít tờ báo thời sự khác nhập cuộc kiên quyết hơn.

Sáng 9-6, báo Tuổi Trẻ chạy dòng tít lớn trang nhất “Cạn nồi cơm người săn bạch tuộc”. Một ngày đêm len lỏi khắp các ngả rừng ngập mặn cùng ngư dân săn bạch tuộc, phóng viên Tuổi Trẻ đã chỉ ra một sự thật mặn chát: có đến gần 400 gia đình ngư dân Cần Giờ bị cạn nồi cơm vì hành vi lạm quyền của Công an Hải Dương. Câu chuyện từ những cánh rừng ngập mặn ấy đã gây cảm xúc mạnh không chỉ đối với độc giả mà cả các cơ quan công quyền. Ngay trong chiều 9-6, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chỉ đạo Công an Hải Dương phải làm rõ vụ việc, bảo đảm quyền lợi cho ngư dân Cần Giờ. Ngày 10-6, chánh thanh tra Bộ Công an mang theo tất cả thông tin từ báo chí về làm việc với Công an Hải Dương. Và 21g ngày 11-6, sau 6 giờ thương thảo với ngư dân, Công an Hải Dương đã trao 650 triệu đồng bồi thường cho ngư dân Cần Giờ.

Một kết thúc đầy bất ngờ với ngư dân và với cả các phóng viên theo dõi vụ việc. Cái kết có hậu ấy có được từ sự góp sức của rất nhiều tờ báo.

Đầu mối thông tin của phóng viên

Những phóng viên theo dõi diễn biến vụ bắt giữ 2 tấn bạch tuộc Cần Giờ đều đã ít nhất một lần gọi điện cho bà Nguyễn Thị Phỉ, sống tại đường Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP.HCM) để nắm thông tin. Bà Phỉ vốn không quen biết các ngư dân Cần Giờ, nhưng là người đang hoạt động trong ngành thủy sản, nắm rõ quy định và thấu hiểu nỗi trần ai khi vận chuyển hàng thủy sản tươi sống, bà đã không thể ngồi yên khi hay tin 2 tấn bạch tuộc của ngư dân Cần Giờ bị bắt oan ở Hải Dương.

Không chỉ hào sảng giúp đỡ tài chính, làm đại diện ủy quyền cho ngư dân Cần Giờ, bà Phỉ còn làm thay phần việc của các phóng viên, tìm giúp những thông tin mới và chính xác nhất bằng việc tự đi xác minh thiệt hại, lắng nghe nỗi khổ của nhiều ngư dân săn bạch tuộc. Sau đó bà tìm đến Vietnam Airlines để xin lại vận đơn chuyển bạch tuộc, đối chiếu với đơn hàng của ngư dân, tập hợp tất cả các văn bản pháp luật liên quan.

Tự nhận không biết gì về nghề báo nhưng bà Phỉ đã luôn báo tin rất sớm cho phóng viên khi có những diễn tiến mới nhất của vụ việc.

Kỳ tới: 10 năm cùng Phụng

THẠCH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên