09/02/2015 12:14 GMT+7

​“Báo cáo láo” làm méo mó chính sách

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH ghi
V.V.THÀNH - C.V.KÌNH ghi

TT - Từ câu chuyện “Báo cáo an toàn thực phẩm tết: Đẹp đến khó tin”, hai chuyên gia cho rằng tình trạng “báo cáo láo” vẫn là điều đáng lo ngại vì có thể làm sai lệch chính sách, gây mất lòng tin ở người dân.

Người dân vẫn lo lắng hằng ngày về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong ảnh: lô hàng dê sống, dê thịt không qua kiểm dịch bị cán bộ trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) bắt giữ - Ảnh: Tiến Long

* PGS.TS Phạm Bích San (chuyên gia xã hội học, chủ tịch Viện Nghiên cứu và tư vấn phát triển):

Đáng buồn và đáng lo

Khi đọc bài báo “Báo cáo an toàn thực phẩm tết: Đẹp đến khó tin” tôi đã cảm thấy buồn cười. Trước hết vì những số liệu đẹp như mơ mà các cơ quan chức năng đưa ra, nó thật xa lạ với đời sống mà mọi người đang sống hằng ngày. Ví dụ nhỏ, người dân ở Hà Nội những ngày giáp tết này ra đứng ở chợ Long Biên một lúc sẽ thấy an toàn thực phẩm thật sự đáng lo chứ không thể lạc quan như các báo cáo nêu ra.

Việc công bố các số liệu đẹp gần như là một chuyện hài hước, đáng cười, nhưng ngẫm nghĩ thì thấy đáng buồn, đáng lo ở chỗ các cơ quan chức năng đưa ra chính sách và triển khai công việc dựa trên các số liệu họ thu thập. Cấp trên trong bộ máy hành chính dựa vào báo cáo của cấp dưới để chỉ đạo, điều hành bộ máy.

Chúng ta đều biết thống kê bộ, ngành là bộ phận cấu thành của hệ thống thống kê nhà nước. Thông tin thống kê của các bộ, ngành là kênh thông tin chủ yếu quan trọng làm cơ sở để đánh giá, phân tích tình hình kinh tế - xã hội cả nước và của từng ngành, từng lĩnh vực.

Nếu những số liệu, những báo cáo đó không phù hợp với đời sống thực tế thì rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng chính sách, và cuối cùng không giải quyết được những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn. Người dân có thể trông mong gì từ những số liệu, báo cáo khác xa sự thật?

Vấn đề là không chỉ riêng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, đã từ lâu sự đáng cười, đáng buồn và đáng lo xuất hiện trong nhiều báo cáo ở các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như trước đây trong một hội nghị của ngành lao động - thương binh và xã hội, địa phương báo cáo rằng không phát hiện mại dâm ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định). Báo cáo khác xa sự thật đến như vậy thì có thể nói là “nhắm mắt” mà báo cáo.

Hay trong lĩnh vực nội vụ, trong khi ngành nội vụ báo cáo với các đại biểu Quốc hội chỉ có 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhiều ý kiến khác cho rằng tỉ lệ cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” phải lên đến trên dưới 30%. Tỉ lệ nào gần đúng sự thật hơn? Mỗi người dân sẽ tự có câu trả lời của mình.

Suy cho cùng những số liệu đẹp có thể giúp ai đó đạt được thành tích nhất thời nhưng sẽ làm méo mó chính sách, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các số liệu thống kê do cơ quan chức năng đưa ra.

Trên bình diện chung cần đổi mới cách làm thống kê và làm báo cáo với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Không nên chỉ chú trọng sử dụng các số liệu từ nội bộ, từ các đơn vị chuyên trách thống kê của cơ quan mình, nên tăng cường sử dụng các kênh khảo sát, đánh giá khách quan, độc lập. Đừng để một bộ ngành nào đó khi công bố số liệu, người dân lại xì xào đó là thống kê theo kiểu trên “ấn” xuống, dưới phù phép thành ra số liệu rất đẹp.

* TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN):

Sai về chất lượng: rất nguy hiểm

Câu chuyện làm dở báo cáo hay đã được nói tới từ rất lâu. Thực tế có rất nhiều dạng. Có trường hợp báo cáo hoàn toàn không đúng, nhưng số này giờ hiếm. Người ta vẫn báo cáo thật, nhưng cái thật không nhiều hoặc chỉ nói một phần, rất chung chung, rất nhẹ nhàng về sự thật đó. Trong khi nếu nói đúng, nói chi tiết thì cái sự thật đó nguy hiểm hơn rất nhiều, có thể khiến thay đổi cách nhìn về vấn đề. Cái cách báo cáo “tổng thể là tốt, tuy nhiên có một số hạn chế...” tương đối dễ cho che giấu những vấn đề làm chưa tốt.

Nếu báo cáo sai về số lượng thì dễ nhận ra, có thể có cơ quan tính toán lại và người sắc sảo có thể thấy ngay vấn đề. Nhưng loại thứ hai nguy hiểm hơn là sai về chất lượng. Ví dụ chương trình làm ra không tốt nhưng vẫn nghiệm thu, công trình chất lượng bình thường hoặc có vấn đề nhưng vẫn báo cáo tốt. Kiểu báo cáo này vô cùng nguy hại, nhất là ở những dự án, vấn đề quan trọng quốc gia. Khi cơ quan chỉ đạo điều hành không nắm được đúng vấn đề thì giải pháp có thể không sát, kế hoạch cũng có thể sai và đặc biệt là đánh giá con người cũng có thể không chính xác.

Thời gian vừa qua, câu chuyện học sinh ngồi nhầm chỗ, rồi mới đây là một số đập thủy điện bị vỡ... theo tôi ít nhiều đều gắn với việc báo cáo chưa sát, không đúng và kiểm soát việc báo cáo, giám sát chưa thật tốt. Việc không trung thực phải nhìn rõ là vì chủ nghĩa thành tích lấn át, rồi có người muốn xong nhiệm kỳ hạ cánh an toàn. Nếu đã là lợi ích nhóm thì họ sẽ che đậy cho nhau, khó phát hiện hơn.

Giải pháp để hạn chế “báo cáo láo”, theo tôi, các cơ quan nhà nước đều có thể làm được. Cần đề cao giám sát, gắn với trách nhiệm cá nhân. Việc ra kế hoạch, khâu đánh giá phải công khai, minh bạch, gắn với những nguyên tắc đánh giá theo chuẩn mực chung. Nếu vẫn còn tình trạng tập thể đánh giá, ra quyết định, sau đó không rõ trách nhiệm cá nhân thì rất khó. Tuy nhiên, tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa của “báo cáo láo” là bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ. Nếu còn hai “căn bệnh” trên thì “báo cáo láo” hoặc làm vừa phải mà báo cáo hay... sẽ vẫn không tránh khỏi.

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên