Tập tục cúng bánh in vào dịp lễ, Tết hoặc đám giỗ vẫn còn được duy trì trong đời sống người dân miền đất võ Bình Đình. Tuy nhiên, các bạn trẻ nơi đây ít hào hứng làm bánh in như ngày xưa nữa.
Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm làm bánh in truyền thống, cũng như lan tỏa nét đẹp văn hóa cúng bánh in, Trà Sử quán (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) tổ chức workshop trải nghiệm làm bánh in Bình Định vào sáng 30-6.
Nhiều bạn trẻ với những công việc khác khau, đến từ nhiều tỉnh, thành hào hứng khi tham gia workshop này.
Bánh in dễ làm nhưng không phải ai cũng khéo
Bà Nguyễn Thị Minh Lý (quê huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) vui mừng khi được chia sẻ kiến thức và hướng dẫn các bạn trẻ yêu thích bánh in có thể tự tay làm những cái bánh cho riêng mình.
Cùng với bánh ít lá gai, bánh thuẫn, bánh hồng Tam Quan… bánh in cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Định không thể bỏ qua.
Bánh in phổ biến đến nỗi nhà nhà, người người dù giàu hay nghèo đều làm mỗi khi năm hết Tết đến, dịp lễ, nhất là dịp đám giỗ…
Bà Lý cho biết được người bà truyền lại nghề làm bánh in từ khi 14-15 tuổi. Mỗi dịp lễ, Tết, đám giỗ… là cả nhà cùng quây quần bên nhau, cùng làm bánh in. Mỗi lần làm vài trăm cái để cúng và ăn dần.
Loại bánh này dễ ăn và được nhiều người ưa ăn khi uống trà rất đúng điệu.
Tùy theo loại nhân mà bánh in có thể dùng trong nửa tháng hoặc 1-2 tháng.
“Các loại nhân đậu xanh, đậu đen, đậu xanh matcha trà xanh, nhân dừa xào… kết hợp hương lá dứa hoặc vani có thể ăn trong vòng 2 tuần. Còn các loại nhân khô như đường mè, gừng rim… có thể để lâu hơn trong một tháng” - bà Lý chia sẻ.
Đặc biệt, nhân bánh cũng có thể là nhân mặn theo sở thích. Mỡ heo cắt hình hạt lựu luộc với muối, sau đó sên với đường cát và mè tạo nên nhân bánh (giống như nhân bánh trung thu).
Về kích thước có thể chọn khuôn tùy ý. Tuy nhiên đại đa số người làm bánh in chọn khuôn nhỏ vừa ăn.
Nếu như trước đây hoa văn phổ biến là chữ thọ hoặc chữ vạn thì nay hoa văn có nhiều hình dáng để lựa chọn như hoa mai, hoa hồng, hình các loại cá…
Tuy nhiên điều quyết định bánh ngon hay không thì ở nguyên liệu chính là bột nếp. Để có chiếc bánh in dẻo, thơm, xốp phải chọn nếp dẻo, ngon. Sau đó, nếp được rang và xay nhuyễn.
Thêm một nguyên liệu không thể thiếu để làm bánh in là đường cát trắng (hoặc đường cát vàng) được sên lên. Theo kinh nghiệm của bà Lý, bà thường sên đường theo tỉ lệ 2:1 (tức 200g đường thì cho 100g nước). Nếu sên đường cát vàng cho ra bánh vàng, còn đường trắng cho ra bánh màu trắng.
Bà Lý cho biết bí quyết canh đường tới bằng cách cho một ít đường sên vào chén nước lạnh, nếu đường vón cục và không tan là được.
Bạn trẻ thích thú làm bánh in
Tham gia workshop làm bánh in chủ yếu là các bạn trẻ, có cả những em ở độ tuổi học sinh. Các bạn tham gia hào hứng, tự tay cân bột, cân đường theo hướng dẫn và trộn bột.
Bà Lý chia sẻ tỉ lệ pha bột 2:1, tức 200g bột nếp trộn với 100g đường đã sên.
Tuy nhiên tùy theo khẩu vị mà có thể điều chỉnh đường để cho ra bánh in có vị ngọt nhiều hoặc ít.
“Để bánh in ngon thì hỗn hợp bột và đường phải được trộn đều tay, sao cho chúng quyện vào nhau đến khi bột nở.
Nếu bột chưa nở mà chúng ta cho vào khuôn sẽ làm bánh dễ bị vỡ do không dính kết” - bà Lý giải thích thêm.
Chị Nguyễn Ngọc Huyền Trâm (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết rất thích ăn bánh in.
“Đó giờ được mẹ mua bánh in rồi ăn thôi, đây là lần đầu tôi tự tay làm bánh in. Tôi nghĩ ngoài sự chịu khó cần phải có thể lực để trộn bột và nén bột vào khuôn (cười)” - Huyền Trâm nói.
Còn chị Nguyễn Ngọc Minh Châu (quê tỉnh Tiền Giang) cũng không giấu được niềm vui khi vừa hoàn thành chiếc bánh in ưng ý.
Minh Châu cho biết bản thân thích ăn vỏ bánh in hơn, biết cách làm bánh rồi nên chị sẽ tự làm bánh nhiều vỏ hơn nhân bánh và được ăn thường xuyên, bởi trước nay chị chỉ ăn bánh in vào mỗi khi dịp Tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận