Theo nghiên cứu mới đây, lượng băng ở Nam Cực đang tan nhanh ở mức báo động - Ảnh: Wikimedia Common
Hiện tượng băng tan nhanh ở Nam Cực đã đẩy mực nước biển trên toàn cầu dâng lên gần 1cm kể từ đầu những năm 1990, đe dọa nhiều khu vực ven biển từ các đảo ở Thái Bình Dương đến bang Florida (Mỹ).
Đây là kết quả nghiên cứu mới được một nhóm nhà khoa học quốc tế công bố trên tạp chí Nature ngày 14-6.
Theo nghiên cứu, lượng băng ở Nam Cực đang tan nhanh ở mức báo động, với khoảng 2.700 tỉ tấn băng biến mất trong 25 năm, từ 1992 đến 2017.
Tây Nam Cực tỏ ra "nhạy cảm" hơn với tình trạng biến đổi khí hậu khi phần lớn lượng băng tan (hơn 70%) ở khu vực này. Lượng băng tan khá ít ở Đông Nam Cực, với khoảng 31 tấn/năm kể từ năm 2012.
Tốc độ băng tan hằng năm cũng nhanh hơn, lên 219 tấn/năm kể từ năm 2012, so với 76 tấn thời kỳ trước đó.
Nghiên cứu cũng cho thấy với xu hướng hiện tại, Nam Cực nhiều khả năng trở thành nguồn lớn nhất làm tăng mực nước biển. Dự báo đến cuối thế kỷ XXI này, riêng Nam Cực có thể khiến mực nước biển tăng thêm 16cm.
Các nhà khoa học cảnh báo mực nước biển tăng đe dọa đến nhiều thành phố ven biển và những cộng đồng ở vùng trũng, nơi hàng trăm triệu dân đang sinh sống.
Nghiên cứu trên do nhóm nhà khoa học hợp tác với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu thực hiện.
Trong khi các nhà khoa học khác đo lượng băng tan bằng một phương pháp, nhóm nghiên cứu đã xem xét hiện tượng này bằng 24 cách, sử dụng 10-15 vệ tinh, các phương pháp đo lường trên không, trên mặt đất và mô phỏng trên máy tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận