03/07/2013 07:30 GMT+7

"Bằng lái xe: thi khó hơn trước": Chỉ giải quyết phần ngọn

NGUYỄN VĂN CẨN(tài xế ôtô ngụ ấp Phú Thuận, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM)
NGUYỄN VĂN CẨN(tài xế ôtô ngụ ấp Phú Thuận, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM)

TT - Là một tài xế, đọc thông tin “bằng lái xe thi khó hơn trước”, tôi giật mình vì đề thi tiếp tục tăng thêm 45 câu hỏi (450 câu hỏi) mà thời gian thi lại rút ngắn.

Thi bằng lái xe: tăng câu hỏi = giảm tai nạn?

AzjzxFJv.jpgPhóng to
Người dân khám sức khỏe tại phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Lúc tôi học thi bằng lái xe thì bộ đề thi chỉ có 300 câu hỏi nhưng phải học ròng rã sáu tháng trời, vậy mà có khi nhìn biển báo còn quên lên quên xuống.

Bây giờ câu hỏi tăng thêm hơn 100 câu, người đi thi đúng nghĩa có lẽ phải đầu tư thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên, sau khi thi xong, lấy được tấm bằng thì chất lượng của tài xế mới chưa chắc tốt hơn lứa tài xế trước đây, bởi vì việc học thi lấy bằng lái xe trước giờ chủ yếu vẫn theo hình thức học thuộc lòng.

Các giảng viên thường chỉ nhiều mẹo trong cách chọn đáp án nên có rất nhiều người dù lấy được bằng lái mới toanh, nhưng khi ra đường gặp một số biển báo đơn giản cũng không nhớ nổi là biển báo gì. Đó là chưa nói đến việc bao thi, bao đậu của nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Đối với những trường hợp này thì dù bộ đề thi có tăng lên ngàn câu hỏi cũng chẳng ăn thua.

Rõ ràng đề thi nhiều câu hỏi hơn, khó hơn, thời gian thi ngắn hơn chưa chắc tấm bằng đó chất lượng hơn, có khi còn tạo điều kiện cho tiêu cực trong việc thi, cấp bằng lái tăng thêm mức độ.

Siết chặt việc thi và cấp phép lái xe để giảm tai nạn giao thông là cần thiết, nhưng cách làm phải mang tính chất tổng thể chứ không thể chỉ tăng câu hỏi, giảm giờ thi là giải quyết được vấn đề. Ví dụ, bộ câu hỏi đề thi thay vì dàn trải nhiều nội dung, có những nội dung chẳng đâu vô đâu thì nên tập trung một số vấn đề, đặt ra nhiều tình huống để giúp người lái xe có thể học được cách xử lý tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có sự cố.

Tôi thấy trong bộ 300 câu hỏi ôn tập dùng cho học viên sát hạch cấp giấy phép lái ôtô trên máy vi tính trước đây có những câu hỏi chẳng liên quan gì đến vấn đề an toàn giao thông như: Nguyên nhân thông thường động cơ xăng không nổ? Nêu công dụng của hệ thống bôi trơn động cơ? Khi vận chuyển hàng hóa quý hiếm, hàng đòi hỏi phải có kỹ thuật bảo quản chăm sóc... có nhất thiết phải có người áp tải hoặc thuê bên vận tải làm dịch vụ áp tải?.

Thay vì đưa ra những câu hỏi mông lung như thế, nên tập trung vào việc đưa ra các tình huống giả định như phát hiện mất thắng thì làm thế nào, xe chạy điều kiện đêm tối, sương mù, leo - đổ dốc đèo trong điều kiện mưa gió... xử lý sao là an toàn nhất. Có như vậy mới sát thực tế, giúp tài xế có thêm kiến thức, kinh nghiệm xử lý những tình huống tương tự, giảm thiểu thiệt hại khi gặp sự cố.

Ngoài ra để có một bằng lái đúng nghĩa, chất lượng phải dẹp cho được nạn mua - bán bằng, việc bao thi, bao đậu. Việc này nói nhiều nhưng xử lý đến nay, theo tôi, chưa triệt để. Bên cạnh đó phải chú ý đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho tài xế. Chuyện này phải làm lâu dài chứ không thể theo phong trào, học vài ba bữa được cấp bằng xác nhận “có đạo đức nghề nghiệp” là yên tâm khi ra đường. Một vấn đề khác, tôi cho không kém phần quan trọng là phải dẹp được nạn chung chi, mãi lộ, nâng cao hiệu lực pháp luật trong lĩnh vực giao thông, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm... Có như vậy tai nạn giao thông chắc chắn được kéo giảm.

Cần tiếp tục cải tiến

* Ông Trương Hải Tú - (phó giám đốc Trung tâm đào tạo và thực nghiệm cơ giới Trường cao đẳng Giao thông vận tải 3):

Trong đợt cải tiến lần này, Tổng cục Đường bộ VN có đưa thêm nhiều câu hỏi về xử lý tình huống trong đề thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, giáo viên khi kèm học viên lái xe trên đường cần hướng dẫn kỹ càng cách xử lý tình huống để giúp người học lái xe thao tác tốt hơn.

* Ông Nguyễn Trọng Điệp (phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM):

Nhiều ý kiến rất đúng khi đề nghị cần bổ sung nhiều vấn đề trong đào tạo và thi giấy phép lái xe như đạo đức lái xe, ý thức lái xe, cách xử lý tình huống... 450 câu hỏi về thi giấy phép lái xe cũng nêu những vấn đề trên nhưng không thể đầy đủ được. Do đó chắc chắn cơ quan thẩm quyền sẽ còn tiếp tục cải tiến để ngày càng hoàn thiện hơn chất lượng đào tạo và cấp giấy phép lái xe. Việc Tổng cục Đường bộ VN đã có cải tiến khi đề ra bộ câu hỏi mới, áp dụng cách thi trên mô hình khó hơn, cũng là một đòi hỏi các trường đào tạo phải tăng cường công tác dạy và hướng dẫn học viên lái xe thực hành tốt hơn.

Nhiều người đổi giấy phép lái xe

Sáng 2-7, hàng trăm người chờ đợi trong Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) TP.HCM ở số 252 Lý Chính Thắng Q.3 để đổi GPLX từ thẻ giấy sang thẻ nhựa. Bộ Giao thông vận tải quy định từ ngày 1-7 trở đi cấp GPLX gắn máy và ôtô bằng thẻ nhựa, thay vì trước đây chỉ cấp GPLX thẻ nhựa cho ôtô và GPLX thẻ giấy cho xe gắn máy. Vì vậy, nhiều người xin đổi GPLX gắn máy thẻ nhựa vì sử dụng bền hơn, dù phải nộp phí 135.000 đồng để làm thủ tục. Do lượng người đến quá đông nên nhiều người phải chen chúc trong các phòng nhận, đổi giấy phép lái xe và phòng khám sức khỏe.

Theo ông Dương Tự Lực - trưởng Phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phòng chỉ đổi GPLX cho những trường hợp bị mất, hư hỏng hoặc GPLX ôtô còn thời hạn sử dụng dưới ba tháng. Để không chờ đợi lâu trong việc đổi GPLX, ông Lực đề nghị người dân có thể đến các điểm đổi GPLX sau: số 8 Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12), 111 Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) và số 4 Nguyễn Tri Phương (Q.Thủ Đức).

NGUYỄN VĂN CẨN(tài xế ôtô ngụ ấp Phú Thuận, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên