18/01/2017 12:06 GMT+7

Bạn trẻ giúp người già, trẻ em nghèo đón tết ấm áp

MINH PHƯỢNG - MAI HOA
MINH PHƯỢNG - MAI HOA

TTO - Những ngày cuối năm cũng là lúc những chuyến đi của các bạn trẻ càng thêm hối hả để mang mùa xuân đến những vùng xa xôi, mang yêu thương đến với những người già, trẻ em để cái tết của họ thêm tưng bừng, ấm áp.

CLB Nắng ấm yêu thương trao quà cho bà con nghèo tại ấp Tà Dơ (Tây Ninh) - Ảnh: CLB Nắng ấm yêu thương
CLB Nắng ấm yêu thương trao quà cho bà con nghèo tại ấp Tà Dơ (Tây Ninh) - Ảnh: CLB Nắng ấm yêu thương

Ấp Tà Dơ (xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) náo nhiệt hẳn lên bởi nhóm bạn trẻ từ TP.HCM lên hì hụi gói 150 phần quà tặng người dân nghèo đón tết.

Những phần quà này là công sức nhiều tháng ròng đi gom góp, đi bán hàng rong của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ Nắng ấm yêu thương.

Quà tết từ tiền bán báo, hàng rong...

Cách đây gần một tháng, trên Facebook của bạn Phạm Văn Tiên (23 tuổi, thành viên ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Nắng ấm yêu thương) có kêu gọi quyên góp quần áo cũ, bánh kẹo, mì gói và tiền để trao tặng 200 suất quà đến người dân nghèo ở ấp Tà Dơ.

Trong suốt thời gian kêu gọi ấy, chàng trai 23 tuổi với dáng người bé tẹo chạy ngược chạy xuôi khắp nơi. Người ủng hộ thùng mì, người quyên góp thùng sữa, người ủng hộ vài trăm ngàn đồng..., chỉ cần “alô” báo địa chỉ là Tiên lại chạy tới.

“Mỗi một cuộc gọi là những phần quà cứ tăng dần lên, đồng nghĩa với một hộ dân nghèo có quà tết. Cứ nghĩ vậy nên mình không thấy mệt gì cả, trên đường đi nhận đồ quyên góp cứ mừng vui trong bụng”, Tiên chia sẻ.

Đây là lần thứ 5 nhóm Nắng ấm yêu thương đi trao quà tết cho người nghèo. Thành viên của nhóm hầu hết là sinh viên còn đi học hoặc vừa ra trường. Mỗi năm nhóm lại chọn một địa điểm khác nhau để trao quà.

Trước tết khoảng 2 tháng, nhóm bắt đầu lên kế hoạch, đi tiền trạm để khảo sát, liên hệ với chính quyền địa phương. Sau đó, nhóm bắt đầu vận động quyên góp. Cùng với số tiền vận động, nhóm cũng có một số tiền quỹ khoảng 20 triệu đồng được gom lại từ trước đó 3-4 tháng.

Tiên kể tiền quỹ ấy do nhóm đi bán nước nha đam. Cứ thứ bảy, chủ nhật cuối tuần các bạn tập trung lại, thức cả đêm để nấu nước nha đam và cùng nhau mang đi bán gây quỹ. Cứ thế, số quà dần nhiều lên.

Nhiều năm nay, những câu chuyện như nhóm của Tiên không còn quá hiếm. Nhiều bạn trẻ đã dành thời gian trước tết để lo cho những người nghèo, từ chuyện đi nhặt ve chai, hát rong, đi xin lương thực, quần áo, mùng mền...

Rồi họ đi tới nhà dưỡng lão, bệnh viện để chăm sóc, trò chuyện với người già, trẻ nhỏ, người bệnh... Những món quà họ mang tới gói ghém cả những giọt mồ hôi của chính các bạn trẻ.

“Tụi mình gây quỹ bằng cách bán báo. 3g sáng mình đến tòa soạn lấy báo về chia cho các bạn đi bán ở các công viên. Con gái mà đi ngoài đường giờ đó cũng hơi sợ, nhưng nghĩ tới niềm vui của người được quà lại hết sợ” - Nguyễn Thị Trúc Cẩm, cựu sinh viên Trường đại học Mở TP.HCM, chia sẻ.

Năm ngoái, nhóm của Cẩm đi trao quà ở ấp Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TP.HCM), năm nay nhóm sẽ đi Long An. Để có kinh phí, nhóm vừa mang thùng đi quyên góp, vừa tự gây quỹ bằng cách bán báo như trên.

Với nhóm của anh Lê Trọng Hùng (28 tuổi, ở TP Thanh Hóa), những chuyến đi cuối năm là mang tết về cho đồng bào ở những vùng núi cao Thanh Hóa: khánh thành căn phòng học ở bản Ón, một xã miền núi cao huyện Mường Lát, ngay sau đó là trao quà tết cho bà con các bản huyện Quan Sơn...

Để có tiền giúp đồng bào miền núi quê mình, các bạn sinh viên trong nhóm anh đi bán hoa vào những dịp lễ, bán các sản phẩm handmade gây quỹ; những lần lên miền núi về, các bạn lại mang một ít măng khô hay một vài món đặc sắc của đồng bào về bán để tích lũy dần cho những chuyến đi sau.

Muốn đi nhiều hơn

Phạm Văn Tiên bảo rằng một phần quà chỉ có 200.000 - 300.000 đồng nhưng người dân quý lắm. Bởi dân vùng xa xôi vẫn còn nghèo nên có khi cả tháng chỉ làm ra được 500.000 đồng.

Họ vui khi nhận quà và đáp lại bằng tình cảm thật thà dễ thương của người dân quê. Tiên bảo mỗi chuyến đi như vậy, bản thân học thêm được nhiều bài học, biết yêu thương chia sẻ nhiều hơn.

“Nhiều lần đi làm chương trình ở miền Tây, người dân ở đây phóng khoáng lắm. Họ nghèo nhưng trong nhà có gì là họ mang ra cho hết. Họ bảo vui vì thấy có người tìm đến, nghĩa là họ vẫn không bị bỏ quên. Họ trân trọng tình cảm ấy hơn là những món quà”, Tiên nhớ lại.

Còn với Trúc Cẩm, tham gia các chuyến đi như vậy, Cẩm nói bản thân trưởng thành hẳn lên, thấy trân trọng cuộc sống mình đang có và tự nhiên biết thương, biết quan tâm chia sẻ đến những người xung quanh nhiều hơn. Nhiều bạn bè Cẩm đi rồi cũng “nghiện”.

“Mình thích nhất là lúc trao quà cho các em nhỏ, người nghèo. Họ cười vui mà mình thấy vui lây luôn. Nhớ chuyến đi năm ngoái, mình nhớ hoài hai ông bà già đã gần 70 tuổi, sống đơn độc. Khi được nhóm ghé thăm, ông bà vui lắm, cầm tay từng đứa bảo quý quá, còn ca cải lương cho cả nhóm nghe nữa”, Cẩm kể.

“Càng đi, lại càng muốn đi nhiều hơn”, anh Lê Trọng Hùng chia sẻ. Anh kể nhiều chuyến đi rất vất vả, đường đất gặp mưa sình lên, trời thì lạnh cắt da cắt thịt mặc áo bông mấy lớp còn lạnh run. Vậy mà lên tới nơi, thấy trẻ con chân đất, trên người chỉ một chiếc áo mỏng manh.

“Những lúc đó chỉ mong muốn làm sao giúp đồng bào trên ấy được nhiều hơn...”, anh Hùng nói.

1.200 phần quà Góp tình trao tết

Cùng lúc với những hoạt động thầm lặng mà ý nghĩa của nhiều bạn trẻ, nhiều hội nhóm ở khắp nơi, ngày 15-1, chương trình Góp tình trao tết cũng mang 1.200 phần quà đến người dân khó khăn ở các tỉnh Trà Vinh, Đắk Lắk, Thanh Hóa và Bắc Ninh.

Ngoài tiền mặt, các hộ dân còn nhận được phần quà là các sản phẩm Omo, Lifebuoy, Knorr, chiếc áo mới cho trẻ nhỏ... Những chương trình dù lớn dù nhỏ ở mọi miền đất nước cũng góp phần làm cho mùa xuân trở thành mùa của tình thương yêu, chia sẻ...

MINH PHƯỢNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên