Tôi có cho một người bạn mượn tiền bằng hình thức thông qua tin nhắn trên Zalo. Đến nay, dù đã quá hạn nhưng bạn tôi vẫn không chịu trả.
Tôi có thể dựa vào các tin nhắn trên Zalo để khởi kiện đòi lại tiền không?
Luật sư LÊ MINH HƯƠNG (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Các thỏa thuận vay mượn tiền theo quy định pháp luật không bắt buộc phải được lập thành văn bản.
Tuy nhiên, theo quy định tại điều 91, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ một số trường hợp cụ thể pháp luật có quy định.
Do vậy, khi khởi kiện đòi lại tiền đã cho vay mượn, bạn cần thu thập và cung cấp các chứng cứ chứng minh có giao dịch cho vay mượn tiền và bên vay mượn đang vi phạm nghĩa vụ trả tiền thông qua các tài liệu như giấy vay mượn, chuyển khoản ngân hàng hay xác nhận đã nhận tiền vay mượn của bên vay mượn…
Theo quy định tại điều 93, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định.
Chứng cứ này được tòa án sử dụng làm căn cứ xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Theo điều 94, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, dữ liệu điện tử được coi là nguồn chứng cứ.
Điều 95 bộ luật này tiếp tục quy định những tin nhắn trao đổi qua Facebook, Zalo hay tin nhắn SMS cũng là một dạng thông điệp dữ liệu điện tử, nếu không qua các thủ thuật gian lận, chỉnh sửa thì vẫn được xem là chứng cứ chứng minh về việc vay nợ trước tòa án.
Do vậy, các tin nhắn trên Zalo vẫn được xem là chứng cứ chứng minh khi bạn kiện đòi nợ vay và bạn có thể cung cấp đến tòa án bằng hình thức lập vi bằng các nội dung tin nhắn này.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận