17/01/2016 07:21 GMT+7

Băn khoăn việc nghỉ tết

QUANG PHƯƠNG ghi
QUANG PHƯƠNG ghi

TT - Tôi đang làm việc trong một công ty liên doanh. Vừa qua, phòng nhân sự công ty có gửi email thông báo lịch nghỉ Tết âm lịch (Tết Bính Thân 2016).

Trong đó có cho biết ban giám đốc cho phép toàn thể nhân viên nghỉ từ ngày 1-2 đến hết ngày 14-2. 

Tuy nhiên, lại yêu cầu nhân viên phải lấy năm ngày phép thường niên (một năm được 14 ngày) để nghỉ cho giai đoạn từ ngày 1 đến 5-2, như vậy có đúng quy định của Luật lao động không?

Vì nếu như vậy, thực chất mỗi năm nhân viên chỉ còn chín ngày nghỉ phép và không có cách nào khác là bị bắt buộc phải dùng năm ngày để nghỉ theo yêu cầu, trong khi nhân viên không hề yêu cầu ban giám đốc cho nghỉ sớm.

Ngoài ra, nhân viên nhà máy của công ty nếu làm ngoài giờ và làm vào thứ bảy, chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc thêm tiền ngoài giờ, nhưng nhân viên văn phòng chính tại TP.HCM làm ngoài giờ, đi công tác thứ bảy, chủ nhật thì không được nghỉ bù cũng không có tiền ngoài giờ, như vậy công ty có vi phạm Luật lao động không?

(V.N.A. - TP.HCM)

- Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn luật sư TP.HCM): Công ty của bạn N.A. cho phép nghỉ tết sớm nhưng buộc nhân viên lấy ngày phép hằng năm ra để sử dụng là không đúng. Tại khoản 2, điều 111 Bộ luật lao động ghi rõ “Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động”.

Về trường hợp người lao động là nhân viên nhà máy của công ty nếu làm ngoài giờ, làm vào thứ bảy, chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc thêm tiền ngoài giờ, trong khi nhân viên văn phòng chính tại TP.HCM làm ngoài giờ, đi công tác thứ bảy, chủ nhật mà không được nghỉ bù cũng không có tiền ngoài giờ là công ty đã vi phạm pháp luật lao động.

Theo khoản 3, điều 4, nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động: “Sau mỗi đợt làm thêm tối đa bảy ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ; trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định...”.

Ngoài ra, trong cùng một công ty mà nhân viên nhà máy nếu làm ngoài giờ, làm vào thứ bảy, chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc thêm tiền ngoài giờ trong khi nhân viên văn phòng thì không, công ty còn xâm phạm đến quyền lợi của người lao động, theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 5 Bộ luật lao động là “không bị phân biệt đối xử”.

QUANG PHƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên