09/04/2025 10:42 GMT+7

Bán hàng livestream, đã qua thời 'đẩy cảm xúc khách lên thật cao, cảm xúc lên thì lý trí đi xuống'?

Nhiều người bán hàng livestream thường truyền tai nhau 'phải đẩy cảm xúc của khách hàng lên thật cao. Khi cảm xúc đi lên thì lý trí có thể đi xuống'. Cách bán hàng này liệu có tốt đẹp cho cả người mua và người bán?

Bán hàng livestream, đã qua thời 'đẩy cảm xúc khách lên thật cao, cảm xúc lên thì lý trí đi xuống'? - Ảnh 1.

Hình ảnh của team Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo kẹo rau củ Kera trên livestream.

Đầu năm 2022, tôi điều hành một doanh nghiệp về sức khỏe liên quan đến trẻ em. Thời điểm đó, các KOL, KOC bán hàng rất mạnh, đặc biệt trên nền tảng TikTok. Nhiều người khuyên tôi hợp tác với các KOL, KOC livestream để lan tỏa sản phẩm nhanh hơn.

Đội ngũ marketing của tôi thử liên hệ với một số KOL, KOC để hợp tác. Nhưng tôi nhận thấy là họ rất thiếu kiến thức nền tảng về sức khỏe

KOL, KOC từ chối đào tạo kiến thức về sản phẩm để bán hàng livestream

Nếu chỉ làm 1 video ngắn thì có thể soạn một kịch bản với đầy đủ thông tin cho họ. Nhưng khi livestream nội dung thông tin kiến thức rất dài, rất nhiều tình huống phát sinh, phải trả lời các câu hỏi của người xem nữa. 

Với kiến thức hiện tại, họ không thể nào đáp ứng được tiêu chuẩn tôi đặt ra. 

Tôi đề nghị các bạn ấy qua công ty tôi để bác sĩ, dược sĩ đào tạo một số buổi kiến thức cơ bản, liên quan tới sản phẩm và các vấn đề cần lưu ý trong lĩnh vực  sức khỏe trẻ em

Tuy nhiên các bạn KOL, KOC này đều từ chối. 

Lý do là việc này mất quá nhiều thời gian trong khi có rất nhiều nhãn hàng đang booking họ với nhiều chính sách thù lao hấp dẫn hơn. 

Một số bạn tôi tiếc cho doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng mà chưa phát triển được nên khuyên: "Thôi anh cứ để em livestream cho. Cần gì phải học. 

Như chị này, anh kia có biết gì về kiến thức y dược đâu mà anh chị ấy cũng đang nói ầm ầm trên mạng đấy. Người xem người ta cũng chỉ thấy ai nói hay là mua thôi, anh cứ vẽ chuyện làm gì". 

Tôi không đồng ý, thương vụ đàm phán của tôi với các Idol thất bại.

Nhưng thông qua câu chuyện trên, tôi nhận thấy thị trường đang thiếu những người bán hàng có kiến thức. Tôi đã bàn với chuyên gia để mở ra chương trình đào tạo. 

Chúng tôi đặt mục tiêu đào tạo những bác sĩ, dược sĩ, nhưng có cả những bố người mẹ quan tâm tới sức khỏe trẻ em có được kiến thức chuẩn khoa học, không chỉ là sản phẩm thực phẩm, mà còn hiểu rõ và điều chỉnh thói quen sinh hoạt lành mạnh cho con như đi ngủ sớm, ngủ sâu, vận động thường xuyên, ăn uống điều độ, bỏ dần thói quen xấu… 

Các học viên trải qua một số buổi học online, buổi nào cũng điểm danh và không cho những người đến muộn vào lớp, làm 2 bài kiếm tra và rèn luyện với một số bài tập thực tế mới được tốt nghiệp.

Chỉ khi tốt nghiệp mới được sử dụng và kinh doanh sản phẩm của công ty.

Bán hàng livestream, có gì ghê gớm?

Ban đầu, một số học viên phàn nàn: đào tạo để bán hàng cho ông mà ông làm gớm; lại chiêu trò đây, không biết làm được bao lâu; làm khó thế này, không thèm học nữa...

Chúng tôi lặng lẽ chia tay với những người không cùng tư tưởng với mình và tiếp tục hỗ trợ những người muốn học nghề nghiêm túc.

Qua hơn 70 khóa được tổ chức đều đặn, tiêu chuẩn ngày một cao lên. Tỉ lệ người có kiến thức chuẩn, làm được nghề, sống được với nghề ngày càng nhiều.

Trong một buổi giao lưu với học viên, tôi nói: các bạn bán cái quần cái áo, đôi giày, túi xách nếu không hiểu cũng không sao. Nhỡ có bán sai đổi cho người ta cái khác. Đây mình làm trong lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt đối tượng là trẻ em. Nếu hiểu đúng, hiểu chuẩn rồi mình tận tâm hướng dẫn để con người ta tốt lên thì mình được phước. 

Ngược lại kiến thức lơ mơ, quy trình mình làm không chuẩn, chuyện dù nhỏ vô tình ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người ta thì mình mang nghiệp. 

Bây giờ đa số người ta dạy bán sao cho nhiều, cho nhanh. Trăm đơn ngàn đơn nghe thì thích. Nhưng nếu làm chắc, ban đầu hơi chậm một chút nhưng làm chuẩn mực, kỹ càng, tâm đức thì sự nghiệp sẽ bền. Có đức mặc sức mà ăn…

Vụ lùm xùm từ các KOL, KOC đang là tâm điểm của cộng đồng mạng, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ học viên nay là những "mini" KOC đang kinh doanh sản phẩm sức khỏe. 

Quan điểm của tôi, việc đúng sai đã có cơ quan chức năng kết luận. Việc mình có thể làm là nhắc nhở chính bản thân và cộng đồng kinh doanh sản phẩm sức khỏe của mình.

Gốc rễ là việc học. Luật pháp không cấm những người không có bằng cấp y dược không được kinh doanh sản phẩm sức khỏe là thực phẩm chức năng. 

Chúng ta cũng không mong chờ tất cả người bán hàng đều phải là bác sĩ, dược sĩ vì như vậy thì không thể nào đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Nhưng để bảo vệ khách hàng và bảo vệ mình, những người kinh doanh sản phẩm sức khỏe cần trang bị cho mình kiến thức nền, ít nhất là với sản phẩm mình đang kinh doanh.

Như các hoạt chất trong thành phần có tác dụng gì, có tác dụng phụ gì, hàm lượng nghiên cứu cho kết quả bao nhiêu, hàm lượng tối đa cho phép bao nhiêu, tương tác với các chất khác như thế nào, nguồn gốc...

Tiêu chuẩn của nguyên liệu, nếu cần đi kiểm định thì kiểm định chất gì, ở đâu, phân biệt được khối lượng nguyên liệu và nguyên tố (ion)… 

Phải có trách nhiệm với những thứ đưa vào cơ thể mình, cơ thể con mình

Với sự tiến bộ của xã hội hiện tại, không khó để những người kinh doanh có thể học được đúng, đủ những kiến thức như vậy từ các khóa học, sách, Internet, AI…

Tôi dặn các bạn "mini" KOC: "Mình không phải là người nổi tiếng, vậy chỉ có kiến thức mới làm cho người khác dừng lại và lắng nghe mình". 

Về phía người tiêu dùng cũng cần học kiến thức cơ bản về sản phẩm sức khỏe mình sử dụng. 

Tại sao những thứ đưa vào cơ thể mình, cơ thể con mình mà mình lại thiếu trách nhiệm với nó. Khi người dùng hiểu, họ sẽ không bị dẫn dắt bởi những thông tin không chính xác.

Người kinh doanh có tâm nên giúp những khách hàng của mình được học.

"Đào tạo khách hàng" thay cho việc "chốt sales khách hàng bằng cảm xúc" trước đây của những người bán. 

Những người bán thường truyền tai nhau câu nói: "Phải đẩy cảm xúc của khách hàng lên thật cao. Khi cảm xúc đi lên thì lý trí đi xuống". Như vậy là họ làm cho khách hàng mê muội mà mua hàng. Điều đó không mang lại kết quả tốt đẹp cho cả người mua và người bán. 

Nên chăng thị trường cần chuyển sang một cục diện mới? 

Nơi mà người bán đào tạo cho khách hàng kiến thức gần bằng mình để có thể lựa chọn bằng lý trí. Khi người mua đủ kiến thức, họ cũng sẽ biết ai là người tốt nhất mang đến giải pháp cho họ, sẽ lựa chọn người bán lâu dài. Khi đó, người bán cũng không bị thiệt.

Thị trường sản phẩm sức khỏe, chỉ việc học mới cứu được - Ảnh 3.Từ vụ kẹo rau củ Kera, người dân có thể tự đem sản phẩm kiểm định nếu nghi ngờ về chất lượng?

Từ vụ kẹo rau củ Kera, bạn đọc thắc mắc có thể tự lấy mẫu kiểm định nếu nghi ngờ về chất lượng sản phẩm; có thể tự đề nghị kiểm định chất lượng sản phẩm hay phải thông qua tổ chức đại diện?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên