07/04/2025 16:37 GMT+7

Thi học kỳ 2 sớm, để học sinh vui chơi lễ hay lãng phí thời gian 'ngồi chơi chờ hè'?

Việc các trường học ở TP.HCM tổ chức thi học kỳ 2 sớm, từ 8-4, đã dấy lên tranh luận của nhiều phụ huynh. Nhiều ý kiến nhận xét đây là cách giảm áp lực cho học sinh, ngược lại có người cho rằng thời gian sau đó học sinh chủ yếu vào trường chơi.

thi học kỳ - Ảnh 1.

Việc nhiều trường tổ chức thi học kỳ 2 sớm khiến nhiều phụ huynh tranh luận nên hay không nên - Ảnh: THANH HIỆP

Bài viết Nhiều trường ở TP.HCM tổ chức thi học kỳ 2 sớm, vì sao? (Tuổi Trẻ Online, ngày 7-4) thu hút nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi của bạn đọc.

Trong khi một số người cho rằng thi sớm giúp giảm áp lực cho học sinh và gia đình trong kỳ nghỉ lễ, nhiều người khác lại lo ngại chất lượng dạy học bị ảnh hưởng, thời gian sau thi trở nên lãng phí và kéo dài tình trạng "ngồi chơi đợi nghỉ hè" vốn đã tồn tại nhiều năm qua.

Thi học kỳ sớm để có cái lễ trọn vẹn, sau lễ nên hoạt động ngoại khóa

Đồng tình với việc tổ chức kiểm tra học kỳ 2 sớm, nhiều phụ huynh cho rằng cách làm này phù hợp với thực tế đặc thù của TP.HCM, nơi có nhiều gia đình ở tỉnh, con em theo học xa nhà và thường tranh thủ dịp lễ dài để về quê nghỉ ngơi.

Tài khoản doan**@gmail.com phân tích: "TP.HCM khác với nhiều địa phương khác, nhiều gia đình di cư từ tỉnh vào thành phố làm việc. 

Thi sớm, tâm trí học sinh sẽ thoải mái hơn, lễ 30-4 và 1-5 có thể về quê chung với ba mẹ. Thi sau lễ, nhiều trẻ không dám về quê hay đi chơi vì sợ quên bài, gặp rủi ro như không có xe lên lại thành phố. Đừng để học sinh vì áp lực thi cử mà nghỉ lễ không trọn vẹn".

Không chỉ tiện cho kỳ nghỉ, việc thi sớm còn được một số phụ huynh nhìn nhận là cơ hội để học sinh tận hưởng thời gian nghỉ ngơi, việc học cũng nhẹ nhàng hơn.

"Sau lễ, trẻ vẫn học các bài mới nhưng với tâm trạng thoải mái, không bị kèm cặp, không còn áp lực thi cử. Trẻ cảm giác là đang đi học để vui, để trải nghiệm, không còn căng thẳng", một bạn đọc nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, bạn đọc Hung Tran cho rằng: "Thi xong các cháu thoải mái đi chơi lễ. Điều quan trọng là sau lễ, các trường nên có các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống, văn nghệ… để cô trò đều có những hoạt động ý nghĩa trước khi nghỉ hè".

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu ngành giáo dục có kế hoạch bài bản cho giai đoạn sau thi, bằng các lớp kỹ năng, hoạt động trải nghiệm hoặc hỗ trợ học sinh yếu, thì việc tổ chức thi sớm không những không ảnh hưởng mà còn là cơ hội "học nhẹ nhàng mà hiệu quả".

Phụ huynh Anh bày tỏ: "Kết thúc kỳ thi sớm là việc hay để con khám phá nhiều thứ ngoài chuyện học thuật ở trường như thể thao, du lịch, vẽ tranh, đọc sách hay học kỹ năng sống. Chỉ sợ không có thời gian chơi, chứ đừng sợ con mình rảnh".

Theo một số phụ huynh, thi sớm không phải là nguyên nhân của việc "ngồi chơi trong lớp" mà là do cách tổ chức dạy học sau thi chưa hiệu quả. "Nếu thi xong mà nhà trường tổ chức tốt các hoạt động bồi dưỡng, kỹ năng, thì thời gian sau lễ vẫn rất quý giá", một phụ huynh chia sẻ.

"Học sinh ngồi chơi đợi hè, giáo viên không còn tâm trí để dạy?"

Trái với những phụ huynh ủng hộ, phần lớn phụ huynh bức xúc khi cho rằng năm nào cũng chứng kiến cảnh con em thi xong sớm rồi… vào lớp "ngồi chơi đợi hè".

Bạn đọc Tôn Nữ Hải Vân viết: "Mấy năm học vừa qua, nghỉ lễ xong thì học sinh ngồi chơi đợi nghỉ hè. Giáo viên cũng chẳng còn tâm trí để dạy".

Một bạn đọc có tên GV toán, chia sẻ thực trạng từ kinh nghiệm nghề nghiệp: "Nhiều năm nay thi xong, các em vào trường cả tháng chỉ chơi, không học hành gì. Tốn thời gian của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. 

Những nội dung quan trọng như vi phân, khoảng cách trong không gian… nếu rơi vào tuần cuối trước thi thì chỉ học lướt qua, các em không hiểu được, lên lớp 12 là quên sạch".

Cùng chung mối quan ngại, bạn đọc Bình cho biết: "Thi sớm, chạy kiến thức làm cho học sinh không trang bị đủ để thi, học chỉ được phần vỏ mà không đi sâu vào bản chất".

Phụ huynh Phạm Thùy Hương Tân gọi đây là "một thực trạng không hay". 

"Thi sớm rồi, học sinh rất rảnh sau lễ 30-4. Không thể để tình trạng đó lặp lại hết năm này qua năm khác. Sở Giáo dục và Đào tạo nên tính toán lại", bạn đọc này đề xuất.

Bên cạnh những lo lắng về chất lượng dạy - học, nhiều phụ huynh cũng đặt câu hỏi về tính hợp lý của lịch học trong năm học nay. 

"Tết thì nghỉ trễ, vô học sớm vì nói phải kịp chương trình. Giờ thì thi sớm. Không hiểu lịch sắp xếp ra sao", tài khoản Hưng Thịnh thắc mắc.

Phụ huynh có tên tài khoản Khắc xuất chất vấn: "Có ai kiểm tra xem sau thi học kỳ 2, thầy cô và học sinh còn dạy - học nghiêm túc không khi mà sách vẫn còn bài?".

Nhiều người nhấn mạnh rằng học sinh bậc THCS và THPT, đặc biệt là lớp 10, 11, nếu học thiếu căn bản vì phải "thi sớm cho kịp tiến độ" thì lên lớp 12 sẽ bị hụt kiến thức, ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học sau này.

Thậm chí, một số ý kiến đề nghị thống nhất lịch thi trên toàn quốc, thay vì mỗi địa phương làm theo một kiểu.

"Tại sao nhiều tỉnh miền Tây thi sau lễ 30-4 mà vẫn đảm bảo hoàn thành năm học? Còn TP.HCM cứ cho thi sớm rồi cả tháng chỉ ngồi chơi? Quá lãng phí!", bạn đọc Công Huyền Tôn Nữ Minh Tân đặt vấn đề.

Giải pháp nào dung hòa?

Điểm mấu chốt, theo nhiều bạn đọc không nằm ở thời điểm thi, mà là cách tổ chức thời gian sau khi thi. Nếu các trường có kế hoạch dạy học hợp lý, tổ chức ôn tập, trải nghiệm, kỹ năng sống hoặc bổ trợ kiến thức phù hợp sau kỳ thi, thì việc thi sớm sẽ không còn là vấn đề gây tranh cãi.

Phụ huynh không cần lo học sinh "ngồi chơi xơi nước" nếu biết rằng từng giờ đến lớp vẫn là những giờ học ý nghĩa. Và điều đó không chỉ phụ thuộc vào thời điểm tổ chức kiểm tra học kỳ, mà là một lời cam kết từ ngành giáo dục về chất lượng cho đến ngày cuối cùng của năm học.

Thi học kỳ 2 sớm: Giảm áp lực hay gây lãng phí thời gian? - Ảnh 4.Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2024 - 2025: Thành thủ khoa nhờ những 'giấc mơ trưa'

Lê Nguyễn Thùy Dương - học sinh lớp 11 chuyên văn 1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - vừa trở thành thủ khoa môn ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên