17/03/2014 00:10 GMT+7

Bạn đồng hành của giới trẻ

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức đã khép lại bằng chương trình tư vấn tại tỉnh Kiên Giang ngày 16-3.

"Tranh nhau" hỏi trong chương trình tư vấn cuối

YsHylOce.jpg
Hàng chục ngàn học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 16-2 tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Với ba ngày hội tại TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội và 17 buổi tư vấn, chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 đã phục vụ một số lượng học sinh đông kỷ lục từ trước đến nay. Bên cạnh đó là số lượng đơn vị tham gia chương trình đông chưa từng có.

131.000 lượt học sinh, phụ huynh

"Báo Tuổi Trẻ quyết định duy trì tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp hằng năm với mong muốn mang nhiều thông tin hơn, giúp các bạn trẻ chọn ngành nghề phù hợp nhất với bản thân và nhu cầu xã hội"

Ông Lê Thế Chữ (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)

Sau gần ba tháng đến với học trò cả nước qua ba ngày hội và 17 chương trình tư vấn tại 19 tỉnh, thành, chương trình đã tư vấn cho hơn 131.000 lượt học sinh, phụ huynh. Để hỗ trợ các em học sinh trong quá trình cân nhắc chọn ngành nghề, Tuổi Trẻ đã tặng 50.000 CD Cẩm nang tuyển sinh điện tử 2014 cho các bạn học sinh trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp dành cho giáo viên cũng đã được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, quy tụ hàng trăm giáo viên THPT làm công tác hướng nghiệp đến từ nhiều tỉnh, thành.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ thực hiện đã đồng hành cùng ngành giáo dục và đào tạo liên tục trong 12 năm qua. Theo ông Ga, với cách chuẩn bị chu đáo cùng nội dung tư vấn phong phú, gần gũi, sát thực tế, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ nhiều năm nay đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của học sinh trên khắp cả nước. Qua sự trông đợi, ủng hộ của đông đảo phụ huynh, học sinh mỗi mùa tuyển sinh về, chương trình đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ và ý nghĩa xã hội hết sức tích cực.

Đến với chương trình, không chỉ học sinh, phụ huynh mà còn có nhiều giáo viên tham dự bởi ở những vùng kinh tế khó khăn cả thầy trò đều rất cần thông tin. Nơi nào cũng vậy, khoảng cách xa lạ, rụt rè của những gương mặt học trò ngơ ngác ban đầu đều nhanh chóng bị xóa nhòa bởi những tình cảm chân thành của các thành viên ban tư vấn.

Những hình ảnh khó quên

"Biết bao thí sinh nhờ chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường, từ đó đã đạt được kết quả cao trong học tập và thành công trong cuộc đời nghề nghiệp"

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Rất có thể những ai lần đầu tham dự một chương trình tư vấn này sẽ bất ngờ với những lời chia sẻ từ phía các thầy cô trong ban tư vấn. Dù họ đều là những người có “tên tuổi” đến từ một trường ĐH lớn nhưng khi ngồi vào ghế ban tư vấn họ liền quên ngay... chính mình. Không hề quảng bá cho riêng trường nào, thầy cô tư vấn bằng sự tận tâm và trách nhiệm đối với xã hội.

Trong khi đó, học trò muốn được tư vấn, định hướng để chọn được ngành học, trường học phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Sẽ khó có thể quên hình ảnh những học sinh vượt hàng chục cây số đến để nghe tư vấn ở Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang... Nhiều em không kịp ăn sáng phải mang đồ ăn đến khu vực tư vấn.

Có lẽ vì thế mà ở hầu hết những buổi tư vấn, các bạn học sinh đã rất chăm chú lắng nghe, chia sẻ từ phía thầy cô. Một hình ảnh rất dễ bắt gặp ở tất cả các chương trình là không dừng lại ở một buổi tư vấn mà đã trở thành một buổi nói chuyện thân mật của những người đi trước đối với đàn em đi sau. Thầy cô không chỉ tư vấn tuyển sinh mà còn định hướng nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm sống, cách học tập và cả những vướng mắc, băn khoăn nhỏ nhất của người trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.

TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - tâm sự: “Điều để chúng tôi gắn bó, đồng hành cùng Tuổi Trẻ suốt thời gian qua là báo chú trọng đến các học sinh ở vùng sâu vùng xa - những nơi mà các em chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận thông tin. Được đi như vậy chúng tôi mới biết được ở những nơi xa còn nhiều khó khăn đó vẫn có bạn trẻ nuôi dưỡng ước mơ lớn, trở thành những nhà khoa học”.

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2014 khép lại. Nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của những người thực hiện chương trình, đó là những nơi đã đi qua đều nhận được sự đón nhận tích cực của các trường THPT, các thầy cô và các bạn học sinh. Phải khó khăn lắm ban tư vấn mới có thể nói lời tạm biệt với những cô, cậu học trò vẫn còn háo hức được tư vấn, định hướng và quan trọng hơn là được cổ vũ, được tiếp thêm năng lượng để tự tin với con đường mình đã chọn.

TRẦN HUỲNH

_____________________

849WbaZy.jpg
Bạn Trần Thị Quỳnh Như, học sinh Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang), đặt câu hỏi tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 16-3 - Ảnh: Quang Định

Muôn lối vào đời

Buổi tư vấn cuối cùng của chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 do Tuổi Trẻ tổ chức sáng 16-3 đã thu hút gần 3.000 học sinh tỉnh Kiên Giang.

Từ sáng sớm, nhiều chuyến xe đưa học sinh từ các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hà Tiên, Hòn Đất, Vĩnh Thuận... liên tục đổ về Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang.

“Năng lực của em khó vào ĐH”

Xuyên suốt chương trình, học trò các huyện xa tỏ ra “biết mình biết ta” khi liên tục đưa ra những thắc mắc về việc không đủ sức thi ĐH, cũng có học sinh băn khoăn việc “gia đình muốn em vào ĐH nhưng năng lực của em khó vào được ĐH, phải làm sao”...

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM, chia sẻ khi xác định mình không đủ năng lực để vào ĐH, các em nên chọn bậc học thấp hơn như CĐ hay trung cấp, học nghề. “Hệ thống trường nghề chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học THPT hoặc THCS. Dù chúng ta chọn lối đi nào đi chăng nữa, các em đừng quên rằng việc học là suốt đời. Có như vậy mới có thể thành công” - thầy Lý nói.

TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng khẳng định: “Có muôn vàn lối đi phù hợp với năng lực, sở thích của bạn và lối nào cũng đi đến thành công nếu bạn chọn đúng hướng và nỗ lực hết mình. Nếu học sinh có sức học trung bình thì nên đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ ở địa phương. Hoặc cũng có thể chọn con đường học trung cấp, CĐ nghề, sau đó học liên thông lên ĐH”.

Ăn cơm nhà, học ĐH

Trong khi đó, một học trò ở Kiên Lương dự định “học gần nhà” nhưng lại ngần ngại “nghe nói sinh viên tốt nghiệp ĐH tại các trường ở TP.HCM sẽ dễ tìm việc hơn người tốt nghiệp ở các trường địa phương”. Các chuyên gia giải đáp ngay, thực tế có một số doanh nghiệp chỉ tuyển người tốt nghiệp từ trường ĐH nào đó. Tuy nhiên, đại đa số doanh nghiệp đều không phân biệt bằng cấp từ trường nào. Vấn đề là sinh viên tích lũy được gì trong quá trình học để khi phỏng vấn có thể đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Sự phấn đấu của sinh viên rất quan trọng để có kiến thức và kỹ năng tốt, từ đó cơ hội việc làm sẽ tốt hơn.

“Các trường địa phương nắm rất rõ thông tin về nhu cầu nhân lực tại địa phương nên sẽ tập trung đào tạo những ngành này để đáp ứng nhu cầu nhân lực. Trong khi các trường địa phương hay ở TP.HCM có chương trình đào tạo gần giống nhau, vì vậy các em nên chọn ăn cơm nhà, học ĐH” - thầy Hoàng khuyên.

Trong khi đó, hầu hết các trường địa phương tham gia chương trình tư vấn đều nhận định hiện nay học CĐ, CĐ nghề, TCCN, trung cấp nghề hầu như ra trường là có ngay việc làm nhưng bị học sinh “bỏ quên”. Theo các chuyên gia này, khi xác định được mình không đủ khả năng vào ĐH thì còn nhiều lối khác để có tương lai xán lạn. Tại nhiều trường CĐ nghề, khi ra trường tỉ lệ có việc làm rất cao. Nhiều xí nghiệp, công ty cũng đặt hàng cho nhiều trường về các ngành cơ khí, kỹ thuật, du lịch, kế toán, nông nghiệp... nhưng trường không đủ cung cấp.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ chân thành cảm ơn Bộ GD-ĐT đã phối hợp tổ chức, ủng hộ về mọi mặt cho sự thành công của chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014. Ban tổ chức cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các sở GD-ĐT, tỉnh (thành) đoàn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tiền Giang, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đồng Tháp và Kiên Giang; và nhiều đơn vị: ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Hàng hải VN, Trường ĐH Tài chính - kế toán (Quảng Ngãi), Trường ĐH Vinh, Trường THPT Long Khánh (Đồng Nai), Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (TP Phan Thiết, Bình Thuận), Trường ĐH Sư phạm Huế - ĐH Huế, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), Trường ĐH Tiền Giang, Trường THPT Phước Long (Bình Phước), Trường THPT Lý Thường Kiệt (Tây Ninh), Trường ĐH Đồng Tháp, Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu nhi tỉnh Kon Tum, Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai, Trung tâm Xúc tiến thương mại Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang; lãnh đạo, các phòng khoa ban và đội sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Cần Thơ.

Trân trọng cảm ơn đơn vị đồng hành cùng chương trình - Tập đoàn Vingroup - đã chung tay cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức thành công chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014.

TUỔI TRẺ

Những người chung tay cùng chương trình

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các thầy cô đã liên tục gắn bó với chương trình nhiều năm qua:

TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, ThS Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, ThS Lâm Tường Thoại - ĐHQG TP.HCM, ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng - Trường ĐH Y dược TP.HCM, ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, BS Nguyễn Quốc Dũng - khoa y ĐHQG TP.HCM, ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM, PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), TS Đinh Phương Duy - chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, ThS Đỗ Thanh Duy - trưởng phòng tuyển sinh và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), PGS.TS Hoàng Minh Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, TS Phạm Mạnh Hà - Học viện Thanh thiếu niên VN, TS Trịnh Thị Thúy Giang - trưởng phòng CT - công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, TS Lê Thị Thu Thủy - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hà - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội, GS.TS Nguyễn Quang Dong - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ThS Lê Quốc Hạnh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội, TS Mai Đức Ngọc - trưởng phòng đào tạo Học viện Báo chí tuyên truyền, ThS Đinh Việt Hải, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội, ThS Ngô Xuân Hiếu - trưởng phòng chính trị - công tác sinh viên Trường ĐH Hà Nội, PGS.TS Lê Bạch Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đại tá Vũ Xuân Tiến - thư ký Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng), thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường - phó trưởng phòng kế hoạch tuyển sinh Cục Đào tạo Bộ Công an, thiếu tá Trần Văn Đồng - Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, thiếu tá Lại Đức Hậu - Học viện Phòng không không quân, TS Nguyễn Khắc Khiêm - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hàng hải Hải Phòng...

TUỔI TRẺ

Đồng hành cùng chương trình
TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên