29/04/2015 11:09 GMT+7

Bạn đọc Tuổi Trẻ ủng hộ Nepal

MAI HOA
MAI HOA

TT - Ngày 27-4, khi dư chấn từ cơn động đất ở Nepal vừa tạm lắng và số người chết vì nó vẫn tăng mỗi ngày, báo Tuổi Trẻ bất ngờ tiếp một bạn đọc ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Bà Hồ Thị Kim Sương - Ảnh: Tự Trung

Bất ngờ, vì chị nói muốn đóng góp một chút tiền cho Nepal. Vẫn biết rằng trong thảm họa, tình thương yêu đồng loại như một lẽ dĩ nhiên.

Nhưng lúc này, có lẽ sự bàng hoàng và sợ hãi khiến nhiều người vẫn chưa thể nghĩ ra một phương cách nào khả dĩ giúp người dân ở đất nước cách chúng ta ba, bốn ngàn cây số vượt qua đói, khát, cô độc giữa đống đổ nát, hoang tàn vì động đất.

“Nhiều người chết quá, mình chỉ coi trên mạng thôi đã thấy khủng khiếp lắm rồi, nếu chẳng may mình ở đó, vào lúc đó thì sẽ thế nào” - chị Hoàng chia sẻ. Sau tin về động đất, chị mới tìm hiểu thêm về đất nước Nepal và biết người dân bên ấy cũng còn khó khăn nhiều lắm. Chị nói mình đang thất nghiệp, không làm ra tiền, nên đã bàn với chồng chuyện lên báo Tuổi Trẻ góp tiền.

Sau câu chuyện “mở hàng” khá bất ngờ ấy, đến sáng 28-4 đã có thêm hai bạn đọc nữa tới nhờ báo Tuổi Trẻ gửi tiền giúp người dân Nepal. Một anh trai đại diện cho gia đình ở Q.10 đến góp 1 triệu đồng với lời nhắn gửi giản dị: “Gia đình làm theo cái tâm của mình thôi”.

Người còn lại là bà Kim Sương (65 tuổi, từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy). Vốn là một bác sĩ, từng trải qua những năm tháng chiến tranh, bà Sương nói tưởng như mình đã hiểu hết nỗi đau đớn của loài người trước bệnh tật, bom đạn, cái chết.

Nhưng rồi khi xem những hình ảnh về nạn nhân động đất ở Nepal, tim bà như thắt lại. Bà vẫn còn nhớ như in những đêm mùa đông năm 1972, khi đó bà còn là một học sinh cấp II đã phải theo đoàn người sơ tán khỏi Hà Nội ngay trong đêm để tránh bom B52, nhớ những khu phố tan hoang vì bom cày đạn xới.

Rồi khi bị cướp cách đây mười mấy năm, bà té xuống đường chấn thương sọ não. Ai cũng tưởng bà đã chết hoặc phải sống đời thực vật. Vậy mà như có phép mầu, chỉ nửa năm sau bà đã tỉnh táo và đi làm trở lại. Rồi đi làm trong bệnh viện và chứng kiến những cái chết đầy đau đớn vì tai nạn giao thông, vì đâm chém...

Bà rút ra một điều: Chết vì chiến tranh, bệnh tật, tai nạn... dù đau đớn nhưng ở chừng mực nào đó còn có thể biết trước và tránh được. Còn cái chết trong thảm họa thiên nhiên, hàng trăm, hàng ngàn người đang đi lại, sinh hoạt bình thường bỗng nhiên đất trời đổ sụp xuống, chôn vùi.

Giữa cảnh ấy, con người thật nhỏ bé, thật tội nghiệp. Rồi bà kết luận: “Sự sống mong manh lắm. Ðừng gây chiến tranh, đừng tham lam, đừng sống ác với nhau làm gì. Tôi cứ nghĩ một điều thôi, mình phải sống sao cho xứng đáng, phải biết sẻ chia, thương yêu để cuộc sống củamình có thêm ý nghĩa”. 

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên