28/04/2015 16:29 GMT+7

Nỗi buồn Nepal, số người chết có thể lên 10.000

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Trận động đất mạnh gây nhiều chết chóc nhất ở Nepal trong vòng 81 năm nay khiến quốc gia hiền hòa song nghèo khó này càng thống khổ thêm.

Vô số điểm hỏa táng thi thể người chết được lập nên khắp thung lũng Kathmandu
Thủ tướng Sushil Koirala trả lời Reuters ngày 28-4 cũng ước lượng số người chết có thể lên tới 10.000 người. Đây là con số không hề nhỏ đối với đất nước Nam Á Himalaya chỉ có gần 28 triệu dân này. 

Liên Hiệp Quốc cho biết có hơn 1,4 triệu người Nepal đang cần tiếp tế lương thực, trong đó có 750.000 người sống gần vùng tâm chấn. Hàng vạn người đã trở thành kẻ vô gia cư.

Nghèo lại gặp eo

Nepal là một nước nghèo, với GDP danh nghĩa bình quân đầu người năm 2012 là 743 USD, xếp thứ 145/187 quốc gia trong bảng Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2014 do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố.

Bình thường thì đói và nghèo là hai nỗi đau triền miên của người dân Nepal. Nội lực èo uột, cơ sở hạ tầng và phương tiện thiếu và yếu, bộ máy quản lý bất cập. Bởi vậy khi gặp thiên tai nặng nề, mức độ thảm họa càng tăng lên bội lần.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2011, Nepal chỉ có bình quân 2,1 thầy thuốc và 50 giường bệnh viện cho mỗi 10.000 người dân.

Sau động đất, có những ngôi làng gần như bị xóa sổ. Không ít ngôi làng có tới 70% số nhà cửa bị sụp đổ.

Sang ngày thứ ba sau thảm kịch, các lực lượng cứu nạn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm cả người sống lẫn kẻ chết. Những người dân địa phương dùng mọi thứ có được để đào bới.

Có gần 100 trận động đất và dư chấn xảy ra trong mấy ngày qua càng làm việc cứu nạn thêm khó khăn và nguy hiểm.

"Ngồi chờ được giúp đỡ còn đau khổ hơn là tự tay mình làm" - Pradip Subba, 27 tuổi, tâm sự. Anh đang tìm kiếm thi thể vợ chồng người anh của mình bị vùi lấp bên dưới đống đổ nát của ngôi tháp chín tầng lịch sử Dharahara trông giống một ngọn hải đăng cao 60m ở Kathmandu (được các vương triều Nepal xây vào năm 1832 làm đài quan sát).

Những người cứu nạn dùng vải hay áo che miệng, mũi để lao vào đào bới. Bụi cát mù mịt và những thi thể đang phân hủy. Anh Subba nói: "Đôi bàn tay là những cỗ máy đào bới duy nhất chúng tôi hiện có".

Cùng với khoảng 20 người tình nguyện, Anil Giri đang cố gắng tìm kiếm hai người bạn bị vùi dưới đống đổ nát. Anh than: "Chính quyền không làm bất cứ điều gì cho chúng tôi. Chúng tôi đang phải dọn những đống đổ nát này với những đôi tay trần của mình".

Nghệ sĩ Amarnath Prasad, 26 tuổi, nói: "Chúng tôi không thể tìm kiếm người mất tích với một ngọn nến trong tay".

Prasad đang giúp người bạn thân nhất của mình tìm kiếm người mẹ mất tích. "Bà yêu thương tôi như con trai của mình. Tôi nghĩ nhiệm vụ của mình là tìm cho được bà dù sống hay chết".

Khắp cả vùng bị động đất, từ thị trấn tới nông thôn, mấy ngày qua biến thành nơi hỏa táng lộ thiên khổng lồ. Người dân lập hàng trăm điểm hỏa táng để thiêu thi thể những nạn nhân. Chất đốt chủ yếu là những mảnh gỗ ván thu lượm từ các đống đổ nát.

Mùi thi thể đang phân hủy hòa với mùi thân xác bị thiêu khiến bầu không khí Kathmandu đậm đặc mùi khó chịu.

Từ Bangkok bay tới Nepal rồi lại phải bay về

Ai cũng hiểu rằng trong hoàn cảnh này, Nepal vô cùng cần được cộng đồng quốc tế trợ giúp, nhưng việc đến được Nepal lúc này chẳng phải dễ dàng chút nào.

Sáng 27-4, chuyến bay TG319 của Hãng hàng không Thái Lan Thai Airways International (THAI) rời sân bay Suvarnabhumi chở theo 295 người là nhân viên cứu hộ của LHQ và các tổ chức quốc tế khác cùng một số nhà báo Thái Lan trực chỉ Nepal.

Khi đến Kathmandu (Nepal), máy bay không thể hạ cánh vì sân bay quá tải. Do là máy bay thương mại, máy bay phải bay vòng vòng chờ, không được ưu tiên như máy bay quân sự.

Cuối cùng, máy bay phải bay sang Calcutta (Ấn Độ) để tiếp nhiên liệu. Sau đó bay trở lại Kathmandu và phải tiếp tục chờ.

Tới cuối ngày, máy bay phải trở lại Calcutta lúc 8g tối. Nhưng lực lượng cứu nạn trên máy bay này không thể ở lại Calcutta vì các khách sạn tại đây bị quá tải, buộc họ phải bay trở lại Bangkok và hạ cánh lúc 2g sáng 28-4.

Sáng 28-4, một đơn vị quân đội Thái Lan, có các bác sĩ, được máy bay vận tải quân sự C-130 chở từ Bangkok sang Nepal.

Họ sẽ thành lập một bệnh viện dã chiến ở Nepal và các chuyên gia pháp y Thái Lan sẽ giúp nhận diện các nạn nhân thiệt mạng (Thái Lan đã có kinh nghiệm sau thảm họa sóng thần năm 2004 giết chết hơn 5.300 đồng hương của họ và còn hơn 2.800 người mất tích).

Lực lượng cứu hộ Thái Lan lên máy bay quân sự C-130 tại Bangkok sáng 28-4 để bay sang giúp Nepal

Everest vẫn không thay đổi độ cao

Ngày 28-4, chuyên gia kiến tạo học James Jackson của Đại học Cambridge (Anh) cho biết dựa theo các dữ liệu địa chấn học ghi nhận được sau trận động đất, thủ đô Kathmandu có thể bị dịch chuyển về phía nam khoảng 3m.

Phân tích này cũng giống như của Sandy Steacy, khoa trưởng khoa khoa học vật lý của Đại học Adelaide (Úc), hay của Mark Allen thuộc khoa khoa học trái đất của Đại học Durham (Anh).

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động địa chất này không ảnh hưởng tới núi Everest và ngọn núi cao nhất hành tinh này (8.848m trên mực nước biển) không bị "lùn" đi. Đó là nhờ ngọn núi này không nằm ngay trên mặt phay đứt gãy (fault plane).

Có điều Everest cũng không bình an hoàn toàn. Vụ lở tuyết sau động đất càn quét qua trại Nền dưới chân núi (base camp) khiến ít nhất 18 người chết và làm một số người mất tích. Bây giờ đang là mùa leo núi, có hơn 1.000 nhà leo núi từ khắp nơi đang tập trung ở vùng núi Everest và dãy Himalaya.

Chị Selina Dicker, 38 tuổi, từ London (Anh) là một trong những người may mắn nhất khi chạy thoát khỏi một bức tường tuyết và băng từ trên cao đổ xuống vùi lấp. Cũng tại trại leo núi này, ngày 18-4-2014, người phụ nữ đứng đầu một bộ phận của Công ty tài chính Europa Capital Mezzanine đã thoát nạn trong một vụ tuyết lở giết chết 16 người Sherpa bản địa.

Những người leo núi được lệnh rút khỏi vùng núi Everest sau trận động đất
Chị Selina Dicker hai lần trong vòng một năm thoát khỏi tử thần tại núi Everest

Ra khỏi bóng tối để nhìn thấy tang thương

Sau 36 tiếng chìm trong bóng tối, trong đó có chín giờ bị vùi lấp trong đống đổ nát, cô bé 12 tuổi Garima Saha tỉnh dậy vào sáng 27-4 trong một khu phẫu thuật dã chiến dựng tạm ở khu vực tiếp bệnh nhân của một bệnh viện tại Kathmandu.

Cô bé biết mình đã được an toàn dù phải trải qua một cuộc phẫu thuật dài trong đêm 25-4. Thế nhưng mẹ và anh của cô bé đã chết. Bà nội của Garima chạy từ một ngôi làng xa xôi tới bên cháu.

Cha con cùng sống sót 

Xung quanh Garima là la liệt các nạn nhân bị thương nằm trên giường và dưới sàn. Cô nữ sinh 16 tuổi Anusha Khatry bị chấn thương cột sống và các bác sĩ vẫn chưa dám nói cho cô biết là từ nay cô sẽ không còn đi lại được nữa.

Có quá nhiều nạn nhân bị gãy xương và chấn thương cột sống. Các bệnh viện không thể có đủ xe lăn, thậm chí cáng thương cho họ.

Một ông lão 75 tuổi bị gãy chân kể rằng có tới 90% số căn nhà trong ngôi làng Barpak của mình (tức khoảng 1.100 căn nhà) đã bị trận động đất phá hủy ngay trước mắt ông. Đó là ngôi làng ông sinh ra và sống cả đời ở đó. Khi động đất xảy ra, các tảng đá bay khắp nơi giống như một vụ núi lửa phun.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên