Như Tuổi Trẻ thông tin, chiều 31-5, phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết dự kiến tháng 10 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chính sách cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 của trung ương.
Vì sao công chức lương thấp?
Bà Mai cho biết sau 4 lần cải cách tiền lương, hiện thực tế lương cán bộ công chức vẫn khá thấp:
"Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ thu nhập thế giới? Sẽ khập khiễng nếu so sánh với các nước phát triển, nhưng so với các nước trong khu vực cũng có khoảng cách không nhỏ".
Bà Mai dẫn chứng một sinh viên Việt Nam mới ra trường có mức lương khoảng 3,4 triệu đồng/tháng.
Mức lương trung bình công chức trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi ở Thái Lan là 56,7 triệu, Malaysia 29 triệu, Campuchia 17 triệu đồng/tháng.
"Theo tôi thì đúng thôi, vì khi hỏi những người bạn làm công chức "Vì sao bạn lại làm việc cho nhà nước với mức lương thấp mà không ra ngoài làm?", hầu hết họ trả lời là "Làm nhà nước nhàn hạ hơn nhiều với lại ổn định nữa".
Vậy lương thấp là nằm ở chỗ này đó, cải cách tăng lương thì phải tăng năng suất làm việc cho tương xứng mới có nguồn trả chứ" - bạn đọc Lê bình luận.
Còn theo bạn đọc Huy Tran: "So sánh thu nhập của công chức thì cần so sánh công suất làm việc nữa. Chỉ cần ra phường nhìn cách giải quyết công việc so với các công ty tư nhân là khác xa một trời một vực rồi".
Theo bạn đọc này, mọi người cứ thử quan sát cách làm việc của công chức Việt Nam so với các công ty tư nhân sẽ thấy, đó là: "Các công ty tư nhân trong khi chờ khách hàng này điền form, viết thông tin thì họ sẽ hỏi khách tiếp theo cần gì và giải quyết. Ngược lại, công chức ở phường, xã thì thời gian đó để chết".
Giảm biên chế công chức "cắp ô"
Bổ sung, bạn đọc Thanh viết: "Cơ bản số lượng công chức, viên chức Việt Nam rất đông, tổng quỹ lương chi cho công chức, viên chức Việt Nam lớn. Hãy so sánh tiếp số liệu tổng quỹ lương ngân sách chi cho công chức, viên chức Việt Nam có khi gấp 10 lần của Thái Lan, trong khi dân số Việt Nam chỉ hơn 1,5 lần".
Từ thực tế đó, bạn đọc Phạm Xuân Thâu nhìn nhận: "Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến số công chức Việt Nam lương bình quân thấp hơn các nước. Nhưng xét kỹ ra, có khi tổng tiền lương công chức Việt Nam cao hơn".
Để công chức Việt Nam lương cao, sống được bằng tiền lương đồng thời phát huy tối đa năng lực, một số bạn đọc đã đưa ra giải pháp rất cụ thể.
Về ý này, bạn đọc nick name ZXC góp ý: "Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp: 1 - Khẩn trương tinh giảm biên chế thì mới tăng lương được. 2 - Thu gọn (sáp nhập) nhanh chóng các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. 3 - Thay đổi mạnh mẽ công tác cán bộ để tuyển chọn được người tài vào cơ quan nhà nước".
Thêm vào, bạn đọc nguy****@gmail.com viết: "Muốn công chức Việt Nam có lương bằng các nước, đầu tiên giảm biên chế luôn và ngay số công chức "cắp ô" rồi sau đó tính toán lại biên chế không thể cào bằng.
Kế đến, cũng nên tính lại cách đóng hưởng BHXH - BHYT để an sinh xã hội đảm bảo tốt cho dân nhưng không là gánh nặng cho ngân sách".
Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Đoàn Hòa viết: "Ngoài cải cách tiền lương phải sửa thuế thu nhập. Cụ thể, Nhà nước nên đánh thuế thấp người làm công ăn lương, thuế cao cho người trúng xổ số (mức 10% so với người làm công ăn lương là 35% khó chấp nhận), người có nhiều bất động sản...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận