17/02/2022 08:09 GMT+7

Bản điện tử hộ tịch chưa áp dụng từ 18-2

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Từ ngày 18-2, thông tư 01/2022 của Bộ Tư pháp có hiệu lực quy định biểu mẫu bản điện tử khai sinh, chứng nhận kết hôn… Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa thể sử dụng bản hộ tịch điện tử để thay bản giấy.

Bản điện tử hộ tịch chưa áp dụng từ 18-2 - Ảnh 1.

Công chức tư pháp - hộ tịch phường Bình Hưng Hòa, TP.HCM giải quyết hồ sơ hộ tịch cho người dân - Ảnh: THÁI AN

Ông Nguyễn Triều Lưu, trưởng phòng hộ tịch - quốc tịch Sở Tư Pháp TP.HCM, cho biết, thông tư 01/2022 (có hiệu lực từ ngày 18-2) hướng dẫn nghị định 87/2020 (Quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến) có nhiều điểm cải cách và mang lại rất nhiều thuận lợi trong thực hiện thủ tục liên quan hộ tịch cho người dân nếu thực hiện theo đầy đủ. 

Theo thông tư, các biểu mẫu bản hộ tịch điện tử (khai sinh, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân...) có thể sử dụng thay thế bản hộ tịch giấy khi thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, ông Lưu cho rằng để thực hiện được thì cần có thời gian và các điều kiện khi triển khai.  

"Hiện các cơ quan chức năng đang trong quá trình triển khai và chưa đủ điều kiện thực hiện ngay theo quy định tại thời điểm thông tư có hiệu lực. Như vậy, thông tin từ ngày 18-2 đi làm thủ tục không cần giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn có thể gây ngộ nhận cho người dân..." - ông Lưu khẳng định.

Thông tư 01/2022 được ban hành kèm theo các biểu mẫu: Nội dung bản điện tử giấy tờ hộ tịch; văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; Giấy báo tử (Phụ lục 1); Nội dung các biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác tích hợp, phục vụ đăng ký hộ tịch trực tuyến (Phụ lục 2).

Theo thông tư này, giá trị pháp lý của bản điện tử giấy tờ hộ tịch được thực hiện theo quy định tại khoản 6, điều 12, nghị định 87/2020. Bản điện tử hộ tịch có giá trị như giấy tờ hộ tịch. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chấp nhận, sử dụng, không được yêu cầu cá nhân nộp hoặc xuất trình giấy tờ hộ tịch để đối chiếu. 

Tuy nhiên, cùng quan điểm với ông Triều Lưu, luật sư Nguyễn Huy Việt, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích thêm rằng quy định của thông tư được hiểu là khi đi làm thủ tục hành chính có liên quan đến giấy tờ hộ tịch thì người dân có thể sử dụng bản hộ tịch điện tử (khi nào đã có) thay cho bản giấy. Điều kiện tiên quyết để cấp bản hộ tịch điện tử là phải có cơ sở dữ liệu hộ tịch và người dân xin cấp theo trình tự quy định tại nghị định 87/2020.

"Trong khi theo quy định tại điều 24 nghị định 87/2020 thì UBND các cấp phải cập nhật cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tư Pháp, bảo đảm hoàn thành trước ngày 1 tháng 1 năm 2025. Đồng thời, sau khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, thì cơ quan thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm kết nối, giải quyết thủ tục hành chính...." - luật sư Việt nhận định.

Cấp bản sao giấy khai sinh có phù hợp với Luật hộ tịch? Cấp bản sao giấy khai sinh có phù hợp với Luật hộ tịch?

TTO - Bộ Tư pháp vừa ban hành thông tư số 04 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123 (năm 2015) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.


ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên