Hành động dại dột, liều lĩnh
Những ngày qua, một video ghi lại cảnh người phụ nữ - được coi là người điều hành một nhãn hàng mỹ phẩm - liên tục kéo căng dây thun cao su, bắn vào cổ tay của "cấp dưới".
Đào tạo đội ngũ bằng cách bắn dây thun vào tay: Truyền cảm hứng hay 'tra tấn'?
Hình ảnh có thể thấy rõ không chỉ một cọng dây thun mà cả chục sợi liên tục được bắn vào cổ tay của những nhà phân phối. Nhiều người đau đớn, khóc lóc khi "vượt qua thử thách" cùng chiếc cổ tay sưng đỏ.
Khi xem video này, nhiều người không khỏi thắc mắc, ngạc nhiên, thậm chí bức xúc tại sao họ có thể chịu đựng những nỗi đau như vậy. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đây là hành động "ngu muội", bị "thao túng tâm lý".
Về mặt sức khỏe, đây còn là hành động tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, không khỏi bất ngờ vì hành động "dại dột" của đội nhóm này. Hành động bắn dây thun có thể bị xem nhẹ, không ý thức được mức độ nguy hiểm.
"Nếu chúng ta trêu đùa, bắn vài cái có thể chỉ đau và không gây hại. Thế nhưng việc dùng rất nhiều dây thun cao su bắn liên tục nhiều lần sẽ tiềm ẩn nguy hiểm, đặc biệt là ở vùng cổ tay", bác sĩ Mạnh nói.
Theo bác sĩ Mạnh, việc bắn dây thun cao su vào cổ tay với số lượng lớn, liên tục như vậy có thể gây tổn thương đến mạch máu và mô mềm.
Lý giải về độ nguy hiểm của hành động này, bác sĩ Mạnh cho biết cổ tay là khu vực rất nhạy cảm với nhiều mạch máu, gân, dây thần kinh nằm dưới bề mặt da.
Trong đó, động mạch quay nằm ở cổ tay rất nông, nếu tác động lực mạnh có thể gây ra chấn thương. Bởi vậy, khi dây thun kéo căng bắn với lực mạnh vào cổ tay sẽ gây ra chấn thương.
"Mức độ nhẹ có thể gây sưng đỏ, bầm tím dưới da, sưng nề phần mềm. Nghiêm trọng hơn, nếu hành động này lặp lại nhiều lần, liên tục với động lực mạnh có thể gây tổn thương dây thần kinh cổ tay, thậm chí có thể khiến đau dây thần kinh kéo dài.
Điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng cầm nắm, hoạt động bình thường của tay", bác sĩ Mạnh cho hay.
Ảnh hưởng đến tâm lý
Ngoài những rủi ro về mặt thể chất, hành động bắn dây thun vào cổ tay người khác còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, cho rằng người lên ý tưởng và thực hiện hành động trên muốn kêu gọi sự đoàn kết của team, sự thấu cảm của các thành viên với trưởng team cũng như khơi gợi sự can đảm và niềm tự hào bản thân của cả team và cá nhân.
"Đây có thể coi là một hình thức thao túng tâm lý từ cảm xúc. Người trực tiếp tham gia sẽ hưng phấn với sự tự hào về bản thân tăng lên cao đột ngột khiến họ bị quên đi việc đánh giá sự vật sự việc bằng lý trí mà hoàn toàn dùng cảm xúc.
Điều này ảnh hưởng đến kết quả họ mong đợi, dần dần họ dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng về bản thân, về đội nhóm", anh Hoàng nhận định.
Chuyên gia tâm lý này cũng cho rằng về mặt hành vi, khi cá nhân dùng cảm giác đau của cơ thể thay thế cho cảm giác lo lắng, bồn chồn, thất vọng, đau đớn trong "tâm hồn" lâu dần dễ gây ra trạng thái "nghiện".
Lúc này họ luôn khao khát tìm kiếm lại cảm giác hưng phấn, tự hào, sự quyết tâm vì vậy họ sẽ thực hiện lại hành vi làm đau bản thân tương tự và dần ngày càng mạnh hơn, nặng hơn để thỏa mãn.
Điều này sẽ diễn ra sau hoặc ngay sau khi họ có cảm giác tuyệt vọng về bản thân, về đồng đội hay bất kể một điều gì đó.
"Bởi vậy, cần cẩn trọng khi tham gia những thử thách như vậy để tránh ảnh hưởng đến tâm lý về sau", chuyên gia tâm lý Ngọc Hoàng khuyến cáo.
Bác sĩ Mạnh cũng cho rằng thử thách có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có thể khiến những người này dễ tham gia vào các hành động liều lĩnh khác.
"Mọi người cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, không tham gia hoặc cổ xúy cho những hành động gây hại. Những thử thách như bắn dây thun không chỉ gây ra đau đớn tức thời mà còn để lại nhiều hậu quả dài lâu cho sức khỏe", bác sĩ Mạnh khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận