08/05/2012 08:10 GMT+7

Bàn 4 vấn đề phức tạp, nhạy cảm

Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

TT - Sáng 7-5, Hội nghị lần 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội và sẽ làm việc đến ngày 15-5. Hội nghị sẽ tập trung bàn bốn vấn đề lớn:

7smUX91Y.jpgPhóng to
Ảnh: TTXVN

"Các đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung hiến pháp phải dựa trên kết quả tổng kết 20 năm thi hành hiến pháp năm 1992; quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và nghị quyết Đại hội XI. Chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thật sự cần thiết, được thực tiễn chứng minh là đúng, đã chín muồi, có đủ cơ sở và được sự thống nhất cao"

1. Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. 2. Tổng kết việc thực hiện nghị quyết trung ương 7 (khóa IX) “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 3. Sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết trung ương 3 (khóa X) “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”. 4. Xem xét, quyết định một số vấn đề về chính sách xã hội, tiền lương giai đoạn 2012-2020 và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng những nội dung trình hội nghị trung ương lần này đều là những vấn đề rất khó, phức tạp, nhạy cảm và rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả các nhiệm kỳ tiếp theo. Mặc dù đã được Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, chuẩn bị rất nghiêm túc, công phu nhưng chắc chắn còn nhiều hạn chế. Đề nghị hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Tổng bí thư đặt ra một loạt câu hỏi: Tập trung làm rõ vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi? Vì sao gần 70% số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai?... Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong nghị quyết và Luật đất đai năm 2003? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn; và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?

Theo Tổng bí thư, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt. Tổng kết thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về đất đai lần này là một yêu cầu bức thiết nhằm thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, hết sức phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau. Khi đánh giá tình hình và nguyên nhân, cần nắm vững các quan điểm và nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong cương lĩnh của Đảng và hiến pháp để phân tích một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp nêu trong nghị quyết và pháp luật về đất đai; chỉ rõ nội dung của nghị quyết đã được thể chế hóa như thế nào? Những điểm gì thể chế hóa đúng, chưa đúng? Những quan điểm, yêu cầu quan trọng nào của Nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc chưa được thực hiện một cách nghiêm túc? Tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào? Những chủ trương, chính sách gì cần sửa đổi, điều chỉnh?

Tổng bí thư nêu yêu cầu: chính sách, pháp luật về đất đai phải góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; huy động tốt nhất nguồn lực từ đất đai để phát triển đất nước; bảo đảm cho thị trường bất động sản (trong đó có quyền sử dụng đất) phát triển lành mạnh; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tham nhũng, sử dụng lãng phí đất đai.

Đối với đề án một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, Tổng bí thư đề nghị cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, định hướng cho việc nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng trình Hội nghị Trung ương 7 (tháng 5-2013) đề án tổng thể cải cách cơ bản chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công đến năm 2020 cùng các đề án có liên quan khác.

Đại hội XI của Đảng nhận định: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”. Vì sao như vậy?

Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình tham nhũng, lãng phí và kết quả của công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhận dạng cho đúng những biểu hiện nổi bật của tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực chủ yếu như: đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, nhất là tại các doanh nghiệp nhà nước; hoạt động tín dụng, ngân hàng; công tác tổ chức, cán bộ... Phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, quy mô, phạm vi, tính chất, mức độ so với trước đây và so với các nước. Khẳng định những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Từ đó tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là những nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân chủ quan gây ra tệ tham nhũng, lãng phí và dẫn đến những hạn chế, yếu kém đó. Phải chăng là do các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa phát huy đầy đủ ý thức và bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện? Do sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở Đảng quá yếu? Do sự kém tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức? Do chưa phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân, của công luận? Do những bất cập trong việc ban hành, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật? Do mô hình tổ chức, hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng chưa phù hợp? Do sự yếu kém, tiêu cực trong công tác phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí?...

Trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, giải pháp quyết liệt, có tính đột phá, khả thi cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.

(*) Tít chính và các tít nhỏ do Tuổi Trẻ đặt.

Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên