Trên các tuyến đường, việc bóp còi không cần thiết và thường xuyên có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Điều này có khả năng làm người khác giật mình, dẫn đến những phản ứng đột ngột và khó lường có thể dẫn đến tai nạn.
Phản ánh tới Tuổi Trẻ Online, bạn đọc hoang...@gmail.com cho rằng nhiều tài xế bấm còi một cách vô tội vạ, gây nhức nhối, đau đầu. Thậm chí tiếng còi làm giật mình người lái xe máy, xe đạp điện, khiến họ té ngã.
"Nhiều lái xe đang chạy không có gì cũng bấm còi giống như bị nghiện. Cơ quan chức năng nên xử phạt mạnh tay để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho mọi người", bạn đọc đề xuất.
Trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, điều 21 nêu rõ chỉ được sử dụng tín hiệu còi xe khi tham gia giao thông đường bộ trong các trường hợp: báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông; báo hiệu chuẩn bị vượt xe.
Luật cũng quy định cấm sử dụng còi liên tục; sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định; sử dụng còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên.
Tại nghị định 168/2024, để cụ thể hóa quy định trên, cơ quan chức năng đã nêu mức phạt đối với các vi phạm liên quan.
Đối với ô tô, tài xế sẽ bị phạt 400.000 đến 600.000 đồng nếu: Sử dụng còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Ngoài ra, mức phạt trên cũng được áp dụng nếu lái ô tô không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng.
Mức phạt 800.000 đến 1 triệu đồng được áp dụng với tài xế khi: Sử dụng còi, rú ga liên tục; sử dụng còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa khi gặp người đi bộ qua đường hoặc khi đi trên đoạn đường qua khu dân cư có hệ thống chiếu sáng đang hoạt động hoặc khi gặp xe đi ngược chiều (trừ trường hợp dải phân cách có khả năng chống chói) hoặc khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Tài xế ô tô cũng sẽ bị phạt 3-4 triệu đồng và trừ 2 điểm bằng lái nếu điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định.
Đối với xe máy, lái xe sẽ bị phạt 400.000 đến 600.000 đồng khi điều khiển xe không có còi.
Mức phạt 8 đến 10 triệu đồng kèm tước bằng lái 10-12 tháng, được áp dụng nếu người lái xe sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Trường hợp lái xe vi phạm hành vi này mà gây tai nạn, tài xế bị phạt 10 đến 14 triệu đồng, trừ 10 điểm bằng lái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận