03/10/2013 02:49 GMT+7

Bài học từ Facebook

LÊ TRIỀU SƠN (phó hiệu trưởng THPT Gia Hội, Huế)
LÊ TRIỀU SƠN (phó hiệu trưởng THPT Gia Hội, Huế)

TT - Vào Facebook đọc những dòng nhật ký của học trò, của phụ huynh, của giáo viên, tôi chợt nhận ra: nghề mình cao quý quá!

meHxOUE8.jpg
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Đọc những dòng này, tự hứa với lòng sáng mai đến trường, đến lớp mình sẽ yêu thương học trò nhiều hơn.

1. Long ơi, cắt tóc đi em

(Những dòng đầy cảm xúc của học trò Dư Thành Long viết về thầy chủ nhiệm Nguyễn Sỹ Thụy - Trường THPT Gia Hội, Huế)

Em nhớ lại những ngày thầy làm chủ nhiệm, em là một học sinh cá biệt nhất trong lớp. Thấy em ham chơi hơn ham học, thầy mắng em nhiều lắm, thầy bắt em phải tập hoàn thiện bản thân từ điều cơ bản nhất, bảo em nên làm việc gì, làm như thế nào cho đúng... Và điều thầy “căn vặn” em nhiều nhất chính là đầu tóc “thời trang quá mức” của em lúc ấy. Thầy luôn cho đầu tóc là quan trọng nhất, “mái tóc là vóc con người”, người ta luôn đánh giá mình trước tiên dựa vào mái tóc. Không biết rồi có phải là mưa dầm thấm đất hay là được thầy chăm dữ quá hay không, từ một đứa học trò cá biệt cứng đầu em đã có những tiến bộ nhất định trong học tập, đã biết vâng lời thầy cô hơn, biết chú ý thành tích trong học tập, biết quan tâm đến bạn bè nhiều hơn. Và những lời khen rất nhỏ, đơn giản của thầy mà như những phép mầu kỳ diệu... Kỳ diệu hơn nữa, em làm bạn bè, thầy cô và gia đình phải một phen há hốc vì bất ngờ khi đạt thành tích thi đậu đại học cả hai khối A, B... Thầy chính là ông thần gieo phép mầu cho đời em. Em nhớ lại mỗi lần bị thầy la, thầy phạt, trong đầu em từng rất nhiều lần oán trách thầy với những ý nghĩ rất thậm tệ... nhưng giờ em mới biết em đã sai, rất sai...

2. Ngày về hưu

(Tâm sự của cô Dương Thị Mỹ Lan, nguyên GV Trường tiểu học Ba Ngòi, TP Cam Ranh)

Mình chính thức nghỉ hưu. Cả tuần nay, mỗi sáng thức dậy dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn có cảm giác không biết mình phải làm gì!... Mới hôm nào quanh mình là đồng nghiệp vui vẻ - trẻ trung, là các em học sinh ríu ra ríu rít như chim non chờ mẹ mớm mồi! Vậy mà từ nay con đường đến trường bỗng xa vời vợi.

Hồi tưởng một thời đi dạy mới thấy làm nhà giáo vất vả thật, cuộc sống bên ngoài và trong trường học là hai thế giới cách biệt nhau rõ rệt. Trách nhiệm và lương tâm nhà giáo đã tập cho chúng tôi một phản xạ có điều kiện: bước chân vào lớp bao giờ cũng phải rũ bỏ tất cả lo âu bên ngoài, chỉ mang theo sự tỉnh táo - trí lực - lòng nhân hậu nhằm hóa thân thành cha mẹ học trò để tận tụy dạy dỗ, nâng niu, chăm sóc đôi cánh mỏng của các em đang chập chững vào đời. Nhăn mày nhíu trán khi các em không ngoan, nhẹ nhàng trách cứ khi có em không thuộc bài, rồi lại hân hoan, phấn khởi khi các em được điểm 9 điểm 10. Ra khỏi lớp với thân thể rã rời, nhưng cái chợt đến trong ký ức vẫn là soát xét lại mình còn thiếu điều gì chưa nói hết trong bài giảng hôm nay. Tuổi già khó ngủ càng vật vã khi chợt nghĩ đến chiều nay có mấy cháu gây gổ đánh nhau. Bữa cơm đạm bạc càng nhạt nhẽo hơn khi chợt nhớ đến hôm qua có cháu nghỉ học mà không biết vì sao, có cháu ngồi trong lớp mải mê nói chuyện không chăm chỉ học bài, có cháu ra chơi buồn bã đứng một mình, gặng hỏi mãi cháu khóc vì bố mẹ mới ly hôn... Bất chợt soi gương thấy tóc dạo này bạc nhiều, mắt nhìn kém hơn, bước đi chậm lại. Nhưng đến giờ vào lớp lại phải giấu đi cái mòn mỏi của mình, để vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát vui tươi mà ru học trò êm đềm vào buổi học say sưa. Ôi! Có ai hiểu được hết nỗi lòng của thầy cô giáo nhỉ?... Thầy cô chỉ mong sao những đứa học trò mình đã dạy, làm nên sự nghiệp vẻ vang. Mai kia rung mái đầu bạc cười vang khi nghe có đứa học trò cũ nên danh phận...

LÊ TRIỀU SƠN (phó hiệu trưởng THPT Gia Hội, Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên