27/06/2021 12:09 GMT+7

Bài học từ căn phòng thí nghiệm 4m2

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Ở tuổi 27, Phạm Sỹ Hiếu (quê Hải Dương) hiện là nghiên cứu sinh năm cuối ngành khoa học vật liệu tại ĐH Mons (Bỉ) và ngành hóa học phân tử tại ĐH Artois (Pháp).

Bài học từ căn phòng thí nghiệm 4m2 - Ảnh 1.

Phạm Sỹ Hiếu (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) chung vui tết năm 2020 cùng thành viên Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ - Ảnh: V.SƠN

Ít ai ngờ quá khứ của gương mặt chủ tịch Hội Du học sinh Việt tại Bỉ vừa nhận giải thưởng khoa học uy tín Challenge Doctorant ở Pháp... lại từng hai lần thất bại trước ngưỡng cửa đại học.

Không cánh cửa nào là duy nhất

Quay trở lại giai đoạn phổ thông, Sỹ Hiếu từng có điểm thi... suýt đậu vào lớp hóa Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (tỉnh Hải Dương). Ngậm ngùi theo học trường thường, bạn không ngừng nỗ lực vươn lên và đoạt được nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp trường và cấp thành phố.

Thời điểm thi đại học, Hiếu chọn thi cả hai khối A và B nhưng nguyện vọng sâu thẳm là được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

"Ngay từ nhỏ tôi đã có niềm hứng thú đặc biệt khi xem các video tư liệu về giải phẫu, tìm hiểu dao mổ, bàn mổ và ước mơ được trở thành một bác sĩ ngoại khoa, dù bố mẹ tôi đi theo ngành dược", Hiếu nhớ lại.

Dẫu vậy, may mắn không mỉm cười cùng bạn liên tục trong hai năm, dù điểm của Hiếu luôn rất cao.

"Năm thứ hai tôi rớt Đại học Y Hà Nội dù số điểm đó nằm trong top 10 của một trường y gần nhà. Và lần thi rớt thứ hai khiến tôi buồn hơn, khủng khiếp hơn hẳn, thấy mình bất lực trước kỳ vọng của bản thân cũng như định kiến xã hội, những ánh mắt nhìn vào. Tôi lại là con trưởng của cả hai bên nội ngoại", Hiếu nói.

Bước chân vào ngôi trường "nguyện vọng 2" là ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Hiếu tự nhủ bằng mọi giá sau này phải du học và lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài để khẳng định giá trị bản thân. Đam mê y khoa trong bạn lúc đó vẫn còn cháy bỏng, thậm chí nghĩ đến việc quay lại tình yêu cũ thông qua... hệ văn bằng 2!

Khi được chọn vào chương trình khoa hóa học theo chương trình Pháp ngữ, Hiếu có may mắn gặp được PGS Nguyễn Xuân Hoàn, người thầy mà bạn khẳng định "đã giúp tôi thay đổi rất nhiều và thầy cũng chính là thần tượng của tôi".

Năm 3 đại học, Hiếu bắt đầu tiếp cận nghiên cứu khoa học.

"Tôi theo chân thầy, một người vô cùng nghiêm khắc. Thầy bắt tôi rửa ống nghiệm phải sạch đến mức hoàn hảo và thầy giảng giải về ý nghĩa của sự cần cù, cẩn thận... trong nghiên cứu. Tôi tập quan sát những chi tiết nhỏ trong phòng thí nghiệm và dần thấm thía điều thầy truyền đạt", Hiếu chia sẻ.

Khi nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của con đường đang đi, Hiếu dần cảm thấy háo hức, hạnh phúc với những kiến thức, điều gặt hái được. Đầu năm 2017, Hiếu chinh phục được học bổng thực tập tốt nghiệp tại Pháp trong sáu tháng.

Hiếu sau đó giành học bổng toàn phần danh giá Erasmus Mundus bậc thạc sĩ tại ĐH Toulon (Pháp) và tốt nghiệp với điểm số cao nhất toàn khóa.

"Khi cánh cửa này đóng, sẽ có cánh cửa khác mở ra", Hiếu đúc kết.

Với tôi, thành công và hạnh phúc đôi khi không là một. Và quá khứ sẽ chẳng thể quyết định tương lai nếu hiện tại chúng ta không ngừng nỗ lực.

NCS PHẠM SỸ HIẾU

Bài học bình dị quý giá

Ở thời điểm hiện tại, Sỹ Hiếu vẫn không bao giờ quên khoảng thời gian làm thí nghiệm trong một căn phòng 4m2 trước khi qua Pháp.

"Hà Nội lúc đó nhiệt độ 37 - 38 độ C, tôi được thầy phân làm thí nghiệm trong không gian nhỏ hẹp. Do điều kiện ở Việt Nam còn thiếu thốn, chúng tôi không có máy điều hòa trong khi việc đo đạc các hệ thống cảm biến điện hóa được chế tạo từ các vật liệu "siêu nhỏ", mẫu đo chỉ có vài microlit thì một cơn gió nhẹ đi qua cũng ảnh hưởng lớn đến tín hiệu thu nhận trên máy, vì vậy chúng tôi cũng không được bật quạt", Hiếu kể.

Ròng rã với phòng thí nghiệm "đặc biệt" trên từ sáng đến tối mịt trong hai tháng, cuối cùng nhóm của bạn cũng đạt được kết quả mong đợi và đề tài của nhóm được giải nhì nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2016.

"Có lẽ thầy đã thấy được ý thức, sự nỗ lực của tôi nên tin tôi là người phù hợp nhất, đã tạo điều kiện để tôi được thực tập tại Pháp dù tôi chưa từng là người giỏi nhất lớp", bạn nói.

Thử thách trong quá trình hòa nhập và học tập tại xứ người là không ít, nhưng Sỹ Hiếu cho rằng chẳng khó khăn nào tồn tại mãi nếu chúng ta không ngừng phát triển. Đến thời điểm hiện tại, bạn đã có bốn bài báo quốc tế và được mời tham dự nhiều hội nghị khoa học tại Mỹ, Đức, Pháp, Thái Lan...

Gần đây nhất, Hiếu là một trong sáu cá nhân được tuyển chọn từ hơn 200 nghiên cứu sinh đa lĩnh vực tại miền bắc nước Pháp nhận giải thưởng khoa học Challenge Doctorant 2020.

Bận rộn với việc nghiên cứu, đi lại thường xuyên giữa hai quốc gia là Bỉ và Pháp, Hiếu vẫn đảm nhận vị trí chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Bỉ. Hiếu cũng hai lần được chọn tham gia Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu do Trung ương Đoàn tổ chức...

"Ngày trước tôi có áp lực phải thành công sau nhiều thất bại, còn bây giờ tôi đang rất hạnh phúc vì con đường đang đi đem lại giá trị cho bản thân lẫn cộng đồng, môi trường xung quanh", Hiếu đúc kết.

Gương mặt 9X thích những cái "siêu nhỏ"

Sỹ Hiếu có đam mê nghiên cứu các lĩnh vực liên quan năng lượng tái tạo như chế tạo các thiết bị quang điện tử hữu cơ thế hệ mới, các ứng dụng liên quan sợi nano kim loại (thường có kích thước chỉ bằng 1/50.000 đường kính sợi tóc)...

Trước đó, Hiếu từng là Sinh viên 5 tốt cấp trung ương năm 2020 và nhận nhiều bằng khen, huy hiệu từ Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Bộ Giáo dục - đào tạo, Trung ương Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam.

Chuyện của nghiên cứu sinh trẻ coi... em gái là tấm gương phấn đấu Chuyện của nghiên cứu sinh trẻ coi... em gái là tấm gương phấn đấu

TTO - Nguyễn Ngọc Quang (25 tuổi, nghiên cứu sinh ĐH Hanyang, Hàn Quốc) thần tượng Bác Hồ nhưng ngoài đời lại luôn lấy làm tấm gương để nỗ lực phấn đấu chính là em gái của mình.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên