16/10/2018 14:19 GMT+7

Nghiên cứu sinh trẻ nuôi dưỡng đam mê khoa học

BÌNH MINH  (Từ Heidelberg, Đức)
BÌNH MINH (Từ Heidelberg, Đức)

TTO - Diễn đàn khoa học quốc tế Heidelberg Laureate Forum 2018 vừa diễn ra tại thành phố Heidelberg (Đức) với hơn 200 nghiên cứu sinh trẻ trong lĩnh vực toán học và khoa học máy tính đến từ 16 quốc gia.

Nghiên cứu sinh trẻ nuôi dưỡng đam mê khoa học - Ảnh 1.
Nghiên cứu sinh trẻ trò chuyện cùng các giáo sư tại diễn đàn khoa học quốc tế Heidelberg Laureate Forum 2018 - Ảnh: HLFF

Họ có dịp gặp gỡ với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành như "cha đẻ của Internet" Vinton Cerf, giám đốc AI của Google Jeff Dean, giáo sư trẻ tuổi nhất tại Đức Peter Scholze...

Đây là cơ hội tốt để các nghiên cứu sinh trẻ gặp gỡ những giáo sư nổi tiếng thế giới và học hỏi từ các bài giảng là kết quả của các công trình nghiên cứu suốt nhiều năm liền.

Tiến sĩ toán học ĐỖ TRỌNG HOÀNG


Thúc đẩy đam mê nghiên cứu

Ông Andreas Reuter, chủ nhiệm khoa học của diễn đàn Heidelberg Laureate Forum 2018, cho biết chương trình giúp các nghiên cứu sinh trẻ có thêm niềm tin và được truyền cảm hứng để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu vốn không dễ dàng ở hầu hết quốc gia, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, chương trình cũng là môi trường để các nghiên cứu sinh trẻ đến từ các quốc gia trên thế giới kết nối và trao đổi ý tưởng, tìm cơ hội hợp tác nghiên cứu.

Mặc dù là diễn đàn về toán học và khoa học máy tính nhưng bên cạnh các bài giảng về những chủ đề đang "nóng" như blockchain, trí tuệ nhân tạo hay các định lý toán học chưa có lời giải đáp, diễn đàn còn mang lại các hoạt động trải nghiệm văn hóa nước Đức, tạo ra không gian thư giãn để người tham dự thoải mái trò chuyện.

Anh Đỗ Trọng Hoàng - tiến sĩ toán học hiện đang công tác tại Viện Toán học Hà Nội, đồng thời là một trong hai người Việt Nam được chọn tham dự diễn đàn năm nay - cho biết Heidelberg Laureate Forum là cơ hội tốt để các nghiên cứu sinh trẻ gặp gỡ những giáo sư nổi tiếng thế giới và học hỏi từ các bài giảng là kết quả của các công trình nghiên cứu suốt nhiều năm liền.

"Điều hay nhất ở chương trình là sau khi được chọn tham dự, ứng viên đến từ các nước đang phát triển có thể nộp đơn xin tài trợ chi phí đi lại, ăn ở toàn phần" - anh Hoàng nói.

Ra đi và trở về

Ngoài điều kiện do chính chương trình mang lại, các giáo sư hướng dẫn cũng rất thân thiện và cởi mở khi trò chuyện với nghiên cứu sinh trẻ. Giáo sư Caucher Birkar, nhà toán học vừa được nhận huy chương Fields hồi tháng 8, cho biết bản thân ông khi gặp các bạn trẻ, dù đó không phải là nghiên cứu sinh nhưng ông vẫn hết lòng chỉ dạy, chỉ cần cảm nhận được ở họ sự ham học hỏi và nỗ lực.

Nói với Tuổi Trẻ, ông Jeff Dean, giám đốc AI của Tập đoàn Google, cho biết công ty này thường xuyên có các chương trình học bổng hoặc tuyển chọn nghiên cứu sinh trẻ tiềm năng vào thực tập để trau dồi thêm kinh nghiệm và kiến thức.

Ông Andreas Reuter nhấn mạnh chương trình tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh tiềm năng gặp gỡ, kết nối với nhau và với các giáo sư trong cùng lĩnh vực, nhưng mục đích cuối cùng mà chương trình mong muốn vẫn là tạo dựng nền móng vững vàng để các nghiên cứu sinh này quay về xây dựng lĩnh vực toán học, khoa học máy tính tại chính quê hương mình.

Siva Leela Krishna Chand Gudi (26 tuổi), hiện đang theo học tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Trường ĐH Kỹ thuật Sydney, cho biết anh chọn nước Úc vì nơi đây có nhiều phòng thí nghiệm và nguồn tư liệu tốt để hỗ trợ cho việc học tập. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình học, Siva dự định sẽ quay về Ấn Độ để thành lập công ty chuyên về robot và phần mềm.

Nỗ lực thu hút nữ nghiên cứu sinh trẻ

Theo ông Andreas Reuter, số lượng nghiên cứu sinh chiếm đa số trong cả hai lĩnh vực toán học và khoa học máy tính hiện nay là nam giới.

Trong đó, nguyên nhân chính là phụ nữ thường vướng bận việc gia đình trong quá trình theo đuổi sự nghiệp, dẫn đến việc bỏ ngang con đường nghiên cứu và học tập để rồi sau đó rất khó quay lại. Bên cạnh đó, ngay từ khi còn bé đã có sự phân biệt rất rõ về sở thích giữa trẻ trai và trẻ gái trong môi trường học đường.

"Ngoài các diễn đàn dành cho nghiên cứu sinh, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động tại các trường mẫu giáo để thay đổi thói quen và hành vi của trẻ ngay từ sớm, cho phép trẻ em gái và trẻ em trai tiếp xúc bình đẳng đối với vạn vật trong cuộc sống thay vì thiên về hình mẫu lý tưởng mà xã hội đặt ra như nữ chơi búp bê, nam chơi đá bóng, từ đó để trẻ tự hình thành đam mê" - ông Andreas nhấn mạnh.


Ứng dụng thực tiễn với các môn khoa học hàn lâm Ứng dụng thực tiễn với các môn khoa học hàn lâm

TTO - Sau hơn một tháng, hội thi "Ánh sáng thời đại" năm 2018 tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các bạn trẻ TP.HCM kết thúc tối 27-5.

BÌNH MINH (Từ Heidelberg, Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên