Phóng to |
Kim Min Jeong, nhân viên xã hội Wenhome |
Chúng tôi tìm đến nhà cho phụ nữ di trú Wenhome tại Anyang, cách Suwon 8km. Những mẩu chuyện dưới đây chúng tôi ghi lại qua lời kể của chị Kim Min Jeong, nhân viên xã hội của Wenhome.
Những số phận ở Trung tâm Wenhome
Một hôm, một người môi giới dẫn tới Trung tâm Wenhome một cô dâu VN mới 20 tuổi. Người môi giới kể lại: cô dâu này vừa lấy chồng Hàn Quốc, sang ở tại thành phố Kyeng Sang Do (cách Anyang bốn giờ ôtô) được một tháng, nhưng sống với nhà chồng không hòa hợp.
Chồng cô kiện công ty môi giới vì cô gái này không đáp ứng các điều kiện hợp đồng: không dịu dàng với chồng, không lễ phép với mẹ chồng, và đòi công ty bồi thường (vì một số công ty môi giới có đưa điều kiện hậu mãi: sáu tháng sau khi sống chung, nếu người chồng không hài lòng có thể đưa cô dâu tới công ty môi giới để trả về VN, công ty sẽ “đền” cô dâu khác).
Thế nhưng khi ông chồng này trả cô dâu lại, phía môi giới không đưa về VN mà dẫn tới Trung tâm Wenhome. Trung tâm thông báo cho cô gái Việt rằng để làm thủ tục ly hôn cô phải tốn một số tiền và mất ba tháng. Cô gái nói sẽ về tìm việc làm rồi trở lại trung tâm, nhưng tới nay chúng tôi không gặp lại cô. Không ai biết cô đã về đâu.Hay chuyện kể của nữ sinh viên đang nghiên cứu về hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc Jihyun:- Một cô gái Việt tên N., quê ở Tây Ninh, lấy chồng ở Seoul, một hôm gọi điện về tận VN cho một người quen biết tiếng Hàn tên S. để kêu cứu, than khóc về cuộc sống hiện nay của mình: không tin vợ, người chồng không cho phép cô đi đâu, học tiếng Hàn hay giao tiếp với bất cứ ai, cho dù đó là những người bạn gái VN cũng lấy chồng Hàn Quốc như cô. S. phải gọi điện nhờ người quen ở Seoul tới giúp N., và theo người quen này sau khi tìm hiểu, hóa ra vấn đề của hai vợ chồng này là không biết ngôn ngữ và văn hóa của nhau. N. luôn phải cầm một quyển từ điển du lịch trên tay và chỉ vào một câu nào đó khi muốn nói gì đó (mà từ điển du lịch thì không thể nào có` đủ những câu nói phát sinh trong cuộc sống hằng ngày).
Người chồng thì không thể nào khỏi kinh hãi khi thấy thân thể vợ đỏ bầm (do cạo gió). Người quen của N. phải ra sức giải thích đó là cách trị bệnh của người VN, cũng như người Hàn Quốc lể trích máu vậy. Hai vợ chồng sống với nhau được một thời gian, cuối cùng N. cũng đã bỏ trốn... Theo chị Kim Min Jeong, trong nhiều trường hợp cả người chồng và người vợ đều là nạn nhân của những cuộc tình môi giới chớp nhoáng mà không tìm hiểu trước này.
Người chồng thì do quá tin vào lời môi giới và có khi bị lọt vào bẫy môi giới (như trường hợp nhà báo Yoo Hyuen San kể có chú rể cảm thấy không đồng ý tiếp tục việc xem mắt đã bị phía môi giới đòi bồi thường 5.000 USD), trong khi những cô gái thì quá ảo tưởng mà thiếu những chuẩn bị tối thiểu về cuộc sống tương lai, chưa kể đó là cuộc sống ở một xứ sở khác, một nền văn hóa khác.
Phóng to |
Chú rể đang trao quà cho nhà gái (ảnh trên tờ báo Han Kye Le) |
Từ thực tế rất nhiều cuộc điện thoại gọi tới Wenhome cũng như năm trường hợp cụ thể liên quan tới các cô dâu VN mà Wenhome được trực tiếp tiếp xúc, bà Lee Kum Yeon Cecilia thuộc Trung tâm phúc lợi xã hội Jeon Jin Sang cho rằng hôn nhân Việt - Hàn qua môi giới không còn đơn thuần là một hiện tượng xã hội, mà đã có thể xem xét từ góc độ buôn bán phụ nữ. Bà Lee nói: “Khi một tổ chức kinh doanh đứng ra kiếm chác lợi nhuận và việc kết hôn bị coi như là hàng hóa thì vấn đề đã có thể xem là chuyện buôn bán phụ nữ”.
Bà Lee cho biết tại Hàn Quốc, hậu quả của những cuộc hôn nhân quốc tế qua môi giới này đã bắt đầu được nhà nước chú ý, mà cụ thể là trên toàn quốc đã có hai trung tâm cho phụ nữ di trú được nhà nước tài trợ hoạt động, trong đó Trung tâm Wenhome của bà là một.
Ngoài việc tư vấn cho các phụ nữ di trú gặp khó khăn trong lao động cũng như trong hôn nhân trên đất Hàn, tạo điều kiện dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc cho họ, các trung tâm như Wenhome còn đang đấu tranh để yêu cầu nhà nước cấp visa lao động cho những phụ nữ này - những người phải bỏ nhà chồng ra đi sống lưu vong vì thiếu hòa hợp, hay có thể là sự vỡ mộng trong cuộc sống nơi xứ lạ. Chỉ khi có visa lao động họ mới có thể được di trú và lao động hợp pháp.Về mặt lập pháp, theo bà Lee, các đại biểu Quốc hội Hàn Quốc thừa nhận không thể dẹp bỏ các trung tâm môi giới nhưng cần phải siết chặt các luật lệ qui định hoạt động của chúng.
Bà Kim Min Jeong nói có một số kẻ môi giới hai bên đã ép buộc các đôi vợ chồng chưa cưới phải quan hệ trước hôn nhân để tạo sự ràng buộc cả hai phía, điều mà bà Kim cho rằng “phụ nữ VN đã bị xâm hại ngay từ VN”. Bà Kim Min Jeong nói với Tuổi Trẻ rằng bà rất muốn các tổ chức, hội phụ nữ tại VN lên tiếng để cảnh báo cho phụ nữ Việt và cả những tổ chức phi chính phủ ở VN cũng nên lên tiếng về vấn đề này.
Ảo tưởng
Những nhân viên xã hội mà chúng tôi gặp đều có chung lời kêu gọi các cô gái trẻ VN muốn kết hôn với người Hàn qua con đường môi giới: hãy thận trọng và đừng ảo tưởng. Bà Lee nói: “Tôi biết phim ảnh Hàn Quốc rất phổ biến tại VN. Nhưng hãy tin tôi, cuộc sống mà các bạn thấy trong đó, ôtô đẹp, nhà cửa tiện nghi, áo quần lượt là, đó là cuộc sống của tầng lớp thượng lưu, không phải là cuộc sống sẽ dành cho tất cả các bạn”.
Chị Kim bổ sung: “Đa số đàn ông Hàn Quốc lấy vợ qua con đường môi giới như thế không phải là giàu có, nhiều người phải vay tiền để cưới vợ. Nhiều cô gái nghe lời môi giới về cuộc sống phủ phê ở Hàn Quốc nên đã vỡ mộng khi đặt chân xuống quê chồng”. Bà Kim Min Jeong kể một loạt chiêu bài dụ dỗ của các tay môi giới: “Các cô không cần phải sắm quần áo, sang bên ấy chồng đã sắm sẵn cho một tủ”, “Gia đình chồng sẽ gửi cho gia đình các cô dâu 300 USD/tháng”, “Nhà chồng rất giàu, các cô không phải mang gì sang” hoặc “Sang bên ấy, các cô sẽ được đi học”.
Thực tế là nhiều cô dâu đã trở thành những người giúp việc không công cho nhà chồng. Với những cô dâu may mắn gặp những ông chồng kinh tế không quá khó khăn thì họ vẫn phải đối mặt những định kiến và sự phân biệt đối xử của những người chung quanh, coi họ là người “lấy chồng vì tiền”, “hôn nhân gian dối” hay “những kẻ bỏ xứ”.Tổng thư ký tòa soạn Korea Herald Brian Bain cho rằng sự không tương thích về ngôn ngữ văn hóa sẽ là rào cản lớn nhất cho cuộc sống của những cặp vợ chồng quốc tế này. Tôi nhớ mãi một câu ví von của người Hàn mà tôi nghe được trong những ngày thu Seoul: “Nắng mùa thu dành cho con gái, nắng mùa xuân dành cho con dâu”; hàm ý tình thương của gia đình dành cho con gái vẫn thắm thiết hơn cho con dâu.
Nắng mùa thu dẫu sao vẫn còn chút hơi ấm mùa hạ, trong khi nắng xuân vẫn chưa là nắng ấm bởi hơi lạnh còn vương lại từ mùa đông. Con dâu Hàn Quốc đã là như thế. Nắng mùa xuân Hàn Quốc sẽ còn lạnh thế nào cho các cô dâu VN tha phương...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận