Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad - Ảnh: AFP
Tôi chỉ ước có thêm thời gian để hoàn thành tâm nguyện đưa Malaysia vững bước trên con đường hồi phục. Lời ước
của Thủ tướng Mahathir trong sinh nhật
Tun vừa bước qua tuổi 94 hôm 10-7. Thành thật mà nói, kỷ lục "Thủ tướng tại vị lớn tuổi nhất thế giới" mà một số tờ báo đề cập đến khiến người ta dễ nghĩ theo hướng tiêu cực.
Khi trước, Tun thi thoảng "trốn" phiên chất vấn mỗi thứ tư hằng tuần ở Quốc hội và dành nó cho việc khác với lý do "có ai gửi câu hỏi gì cho tôi đâu". Nhưng giờ thì ông cụ phải đều đặn tự lái xe hơn 30km từ văn phòng đến Quốc hội, bất kể có câu hỏi dành cho mình hay không, bởi đó là lời hứa khi ra tranh cử.
Chữ Tun ấy thực ra là một tước hiệu được quốc vương (tiếng Mã Lai gọi là Yang di-Pertuan Agong) ban cho hơn là biệt danh của riêng ông Mahathir. Nhưng ở Malaysia, khi nhắc đến Tun là người ta hiểu bạn đang muốn nhắc đến người nào.
Từ lúc đất nước này độc lập năm 1957 tới nay đã trải qua 6 đời thủ tướng, và mỗi ông khi về hưu đều được quốc vương ban cho tước hiệu cao quý nhất ấy. Chỉ duy nhất ông cựu thủ tướng không có được vinh dự này là Najib Razak - người đang đối mặt những cáo buộc tham nhũng.
Chuyện tước hiệu này không phải người nào ở Malaysia cũng biết, vì hàng triệu người sống dưới thời Tun vẫn đang được hưởng lợi từ các chương trình đưa ra dưới thời Najib.
Dân nghèo sướng rơn vì mỗi tháng được nhận vài trăm ringgit từ chính phủ, trong khi dân mới có chút tiền ở thành thị cũng bớt áp lực chuyện nhà cửa mà lo đầu tư cho giáo dục.
Ông Najib rất dân túy, nhưng ông ta phung phí quá nhiều thứ được cha (Abdul Razak Hussein, thủ tướng thứ hai của Malaysia) và các lãnh đạo đi trước để lại. Khi Najib trở thành thủ tướng cách đây 10 năm, ông ta đã ngồi trên vai những người khổng lồ.
Najib từng được kỳ vọng sẽ nối tiếp tầm nhìn Wawasan 2020 của Tun. Nhưng rốt cuộc, đến bây giờ người Malaysia mới thấy những chương trình dân túy của Najib chỉ là cách để bịt miệng dân đen và che đậy những đồng tiền từ dự án công chảy vào túi riêng ông ta.
Thủ tướng Mahathir (phải) từng thừa nhận ông nợ Abdul Razak Hussein, cha của Najib Razak và là thủ tướng thứ hai của Malaysia, một lời cảm ơn vì đã cho ông cơ hội được quay trở lại Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất. Bởi nếu không có điều này, sẽ không có kỷ lục 22 năm cầm quyền của ông - Ảnh: AFP
Trong vòng một năm sau khi trở lại chính trường lần hai, Tun đã giải quyết ổn thỏa khối nợ công hơn 1.000 tỉ ringgit mà ông Najib để lại.
Theo công bố của chính phủ, nợ công đã giảm còn khoảng 686 tỉ ringgit (165 tỉ USD) vào tháng 4 - mức có thể kiểm soát được. Có được điều này một phần nhờ vào việc đàm phán lại những dự án vay vốn nước ngoài có vấn đề, như dự án đường sắt cao tốc phía đông trị giá 20 tỉ USD.
Bản thân Tun từng thừa nhận cách đây không lâu rằng sẽ mất ít nhất 3 năm để giảm nợ công Malaysia từ mức 80% GDP còn khoảng 54% GDP. Ba năm không phải là dài, nhưng có thể không đủ để "bác Tun" tiếp tục ngồi vững trước áp lực phải giữ lời hứa với ông Anwar.
Tun muốn lấy lại hào quang khi xưa của Malaysia, trở thành một "con hổ" châu Á, nhưng tôi e ông không còn đủ thời gian để làm điều đó. Áp lực phải chuyển giao lại quyền lực cho ông Anwar Ibrahim đang ngày càng lớn trong khi Mukhriz Mahathir, con trai thứ 5 và cũng là đứa con duy nhất theo đuổi nghiệp chính trị của Tun, lại không quyết đoán và sắc sảo như cha.
Các dự án tỉ đô với những điều khoản có vấn đề đã được đàm phán lại, một số tài sản quốc gia cũng được bán để giảm nợ công xuống mức có thể kiểm soát được, nhưng Malaysia vẫn còn nhiều u nhọt cần một người như Tun chữa trị, trước mắt là một Malaysia Airlines đang ngập trong nợ nần, thua lỗ sau khi được quốc hữu hóa dưới thời Nabjib.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận