24/05/2021 15:07 GMT+7

Bác sĩ nơi tâm dịch: Không được phép khóc ở Điện Biên!

BÙI ĐỊNH
BÙI ĐỊNH

TTO - "Có bạn bảo mệt quá muốn khóc òa lên nhưng bà con gọi mình là 'chiến sĩ áo trắng', 'chiến sĩ' mà khóc thì xấu hổ lắm. Thế là lại cười, lại tự động viên nhau, phải khỏe mạnh để khẩn trương truy vết dập dịch".

Bác sĩ nơi tâm dịch: Không được phép khóc ở Điện Biên! - Ảnh 1.

Ở khu cách ly đặc biệt, mọi việc đều do các bác sĩ, y tá, điều dưỡng hỗ trợ các bệnh nhân - Ảnh: NVCC

Những ngày qua, liên tục phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 ở Điện Biên, khối lượng công việc của các y bác sĩ tại đây lại nhiều thêm gấp bội.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh - khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ - cho biết hiện tại có 51 trường hợp F0 đang được điều trị tại bệnh viện này.

Nhớ con lắm nhưng không dám gọi về!

Ở khu cách ly đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm cao nên các bệnh nhân đều không có người nhà chăm sóc, mọi việc đều do các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý hỗ trợ. Guồng quay công việc cứ cuốn đi, có những ngày bác sĩ Hạnh cùng đồng nghiệp chỉ chợp mắt được vài giờ đồng hồ. Giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống thất thường nên ai cũng sút cân trông thấy.

Không chỉ làm những công việc chuyên môn, các y bác sĩ tại đây còn làm tất cả mọi việc, từ khuân vác đồ, chuẩn bị giường, chuẩn bị phòng đủ tiêu chuẩn để đón bệnh nhân điều trị. "Nhiều hôm trời nắng nóng, anh em mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, khuân vác đồ nặng nên mồ hôi vã ra như tắm, ai cũng mệt nhưng động viên nhau cố gắng", bác sĩ Hạnh bộc bạch.

Bác sĩ nơi tâm dịch: Không được phép khóc ở Điện Biên! - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh trong bộ đồ bảo hộ kín mít - Ảnh: NVCC

Thiếu ngủ, ăn uống thất thường, nắng nóng, bản thân phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao, nhưng điều khiến bác sĩ Hạnh đau đáu nhất chính là gia đình.

Vợ anh là bác sĩ Trần Thị Hường - Trạm y tế phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ - cũng đang cùng đồng đội tham gia truy vết dịch tễ trên địa bàn. Cậu con trai nhỏ đang phải gửi nhờ bà ngoại chăm sóc.

"Bình thường ở nhà hai bố con gần gũi nhau lắm nên lúc đi như thế này thực sự mình rất nhớ nhưng không dám gọi về. Mỗi lần con hỏi bao giờ bố về không biết trả lời sao, không kìm nén được cảm xúc. Hai vợ chồng đều bận, cả ngày gần như không cầm đến điện thoại, thi thoảng mới tranh thủ nhắn tin hỏi thăm nhau được" - bác sĩ Hạnh tâm tình.

Không được phép khóc

Bắt đầu công việc từ sáng sớm và kết thúc vào đêm muộn, nhiều hôm xong việc đã là 2-3h sáng, mấy ngày qua chị Hường - thành viên đội truy vết, Trạm y tế phường Thanh Bình - gần như không thể về nhà.

Chị chia sẻ, tham gia truy vết dịch tễ, có ngày cả đội tự nấu ăn nhưng nhiều hôm bận quá không thể nấu được, chỉ ăn mì gói qua bữa.

"Nói không mệt thì không đúng. Trời nắng 36-37 độ C, tụi mình mặc đồ bảo hộ di chuyển làm việc liên tục nên ai cũng ướt đẫm, có những hôm lấy mẫu đến đêm khuya mới ăn tối mà mệt quá có ai ăn được đâu.

Có bạn bảo mệt quá muốn khóc òa lên nhưng bà con gọi mình là "chiến sĩ áo trắng", "chiến sĩ" mà khóc thì xấu hổ lắm. Thế là lại cười, lại tự động viên nhau, phải khỏe mạnh để khẩn trương truy vết dập dịch" - chị Hường bày tỏ.

Bác sĩ nơi tâm dịch: Không được phép khóc ở Điện Biên! - Ảnh 3.

Đội truy vết dịch tễ trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: NVCC

Làm nghề y vất vả, nhiều rủi ro nhưng bản thân chị Hường cùng chồng xung phong chống dịch ngay khi dịch xuất hiện trên địa bàn. Chị nói bản thân còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác là còn có ông bà đỡ đần, chăm sóc cháu cho anh chị an tâm chống dịch.

"Thương nhất là cậu con trai, gọi điện là con hỏi sao mẹ đi làm suốt vậy không về nấu cơm cho con ăn, ở nhà có sữa rồi bố mẹ đừng đi làm nữa. Con nói vậy mình vừa buồn cười vừa thương" - chị Hường chia sẻ.

Đang ở tâm dịch Nậm Pồ, chị Nguyễn Thị Minh - đội truy vết, Trạm y tế xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên - suốt một tháng qua cũng chưa thể gặp con. Hai bé con 3 tuổi và 7 tuổi phải gửi nhờ bà nội.

Chồng chị hiện cũng đang có mặt tại Trường PTDT bán trú tiểu học Phìn Hồ để hỗ trợ chăm sóc các học sinh đang phải cách ly tại đây. Tranh thủ lúc rảnh là chị lại gọi điện cho con, cũng bởi bé 3 tuổi chưa xa mẹ lâu như thế bao giờ nên hay khóc suốt.

"Lúc nào cũng hỏi mẹ không về với con à, sao mãi mẹ chưa ra đón con, mếu máo thương lắm" - chị Minh xúc động. Mua 2 bộ quần áo cho con từ trước dịch nhưng chưa thể gặp con, chị Minh tếu táo "mai mốt gặp chắc con mặc không vừa nữa cũng nên".

Cũng như các y bác sĩ khác, mong ước lớn nhất của chị là dịch bệnh nhanh chóng qua đi để được về với gia đình, được ôm con vào lòng cho thỏa nỗi nhớ, được ăn bữa cơm sum vầy đầm ấm, ngủ một giấc đã đời. Khi đó, chị và chồng sẽ đưa các con đi chơi bù vì Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 này gần như chắc chắn anh chị không thể về.

Nhật ký bác sĩ ngày thứ 17 cách ly: Mẹ ơi, con lại không về kịp nữa rồi... Nhật ký bác sĩ ngày thứ 17 cách ly: Mẹ ơi, con lại không về kịp nữa rồi...

TTO - 'Hôm nay là lần thứ 2 trong tuần, ở buổi giao ban thường lệ của bệnh viện, chúng tôi lại dành 1 phút mặc niệm người thân đồng nghiệp vừa qua đời. Lần trước là hôm 15-5, lại một đồng nghiệp nữa không kịp về chào mẹ...'.

BÙI ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên