11/06/2011 08:03 GMT+7

Bác sĩ của ngư dân

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Hơn 20 năm chữa bệnh, gắn bó với ngư dân, với biển đảo, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh được những cư dân biển tin yêu và xem như người bạn đồng hành của mình.

Read this on Tuoitrenews.vn

qSwn6uys.jpgPhóng to

Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh trong một buổi khám bệnh cho ngư dân tại bệnh viện - Ảnh: Lan Phương

Bác sĩ Lĩnh đứng từ phòng làm việc của ông ở lầu 2 bệnh viện nhìn sang những ngôi nhà đang mọc lên ở sân sau, hứa hẹn một bệnh viện cấp tỉnh sắp được xây dựng trên hòn đảo Phú Quý, Bình Thuận, cách đất liền 56 hải lý. Mắt ông nheo lại đầy trăn trở, ước mơ được nhìn thấy một bệnh viện thật sự hiện đại của ông sắp thành hiện thực.

Cứu ngư dân trên biển dữ

Năm 1986, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh được Sở Y tế tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) phân công ra đảo Phú Quý công tác ba năm. Nơi ông đến là một ngôi nhà cấp 4 rộng 300m2, phải sắp xếp thật hợp lý sao cho tất cả công tác và điều trị diễn ra trong không gian đó.

Ấn tượng những ngày đầu mới đến hòn đảo với những con đường cát, đất đỏ quạch và bụi mịt mù giờ vẫn còn nguyên trong trí nhớ bác sĩ Lĩnh. Có những buổi chiều xong ca phẫu thuật, ông bảo mình đói quá, mà cả hòn đảo chẳng có một quán ăn, chẳng có một chỗ bán cà phê. Cơn đói cồn cào, nỗi nhớ quê nhà ở đất liền dội lên quay quắt. Nhưng ông cũng đồng thời nhớ lại những gương mặt con người cháy sạm nắng đã ngồi dậy từ phòng phẫu thuật của ông, ra về khỏe mạnh và tiếp tục ra khơi đối đầu với những cơn sóng dữ. Vì thế mà ông tiếp tục trụ lại nơi này.

Người đi biển khi ấy có khi trở về và chết ngay trên ghe vì bệnh đau ruột thừa. Bệnh viện huyện khi ấy chưa bao giờ phẫu thuật một ca bệnh nào. Mùa gió bấc đến, việc vận chuyển bệnh nhân trở nên khó khăn. Sinh mạng người ở biển trở nên mong manh trên sóng dữ.

Người ở đảo mê tín gọi bệnh đau ruột thừa là bị “cò mối bắt”, chỉ để người bệnh ở nhà và mời thầy đến cúng tế, không đưa đến bệnh viện bao giờ. Nhiều người chết thương tâm vì một căn bệnh hoàn toàn có thể chữa được.

Năm 1987, bác sĩ Lĩnh nhận một bệnh nhân nữ từ xã Long Hải đưa vào, bị đau bụng hơn một tuần. Gió bấc dữ dội, người ta không thể vận chuyển bệnh nhân vào cấp cứu ở Phan Thiết. Bác sĩ Lĩnh lần đầu tiên phải đưa ra quyết định phẫu thuật bệnh nhân tại chỗ cùng những nhân viên và trợ lý chưa một lần có kinh nghiệm với ca mổ nào.

Ông nhớ lại: “Chúng tôi dùng đèn măngxông để thắp sáng. Bàn mổ là bàn sanh chứ cũng chẳng có cái gì gọi là bàn mổ”. Ông tự tay soạn dụng cụ, tự đi hấp dụng cụ, hướng dẫn y sĩ từng chi tiết gây mê cho bệnh nhân. Với ca mổ ruột thừa đầu tiên, ông vừa là bác sĩ vừa làm hết mọi việc chuẩn bị, hướng dẫn cho những người tham gia mổ với mình từng bước một của quá trình phẫu thuật. Khi đó, ở bệnh viện không có êkip nào dành cho việc phẫu thuật.

Ca mổ thành công. Người phụ nữ sống sót. Ông Lĩnh cười nhớ lại: “Đó là lúc tôi làm cho mọi người tin là đau ruột thừa có thể chữa được bằng phẫu thuật”. Từ lúc đó, bệnh viện huyện với căn nhà 300m2 đã tự hào mình có thể làm được các ca phẫu thuật ổ bụng. Ngư dân đi biển nhiều khi chịu đau đến 10 ngày về đảo vẫn được đưa lên bàn mổ và cứu sống.

Một lần khác, bác sĩ Lĩnh gặp phải một ca cực kỳ khó khăn khi người bệnh là người đi biển, được đưa đến sau 20 ngày trên biển, đã chịu đựng đau đớn suốt nhiều ngày. Ông nhớ lại: “Đến khi mổ chúng tôi mới biết chỗ đau ruột thừa trong bụng anh ta đã làm thành một ổ mủ”. Ông và đồng nghiệp chẳng biết làm gì khác. Nếu đóng vết mổ lại đưa vào đất liền, bệnh nhân có thể chết trên đường đi.

Ông phải ra quyết định khó khăn là tiếp tục phẫu thuật, cắt bỏ đến 60cm ruột của bệnh nhân. Hàng tuần liền, ông và hai kỹ thuật viên gây mê của mình phải ăn ngủ ngay cạnh bệnh nhân, hút mủ và làm vệ sinh vết mổ cho đến khi bệnh nhân lành hẳn. Ông bảo chính ông cũng không tin bệnh nhân có thể sống sót và sau này khỏe mạnh đến vậy.

YctOAQvF.jpgPhóng to

Nhiều ngư dân tìm đến bệnh viện nơi bác sĩ Lĩnh công tác nhờ chữa bệnh - Ảnh: Lan Phương

Nỗi buồn bệnh viện đảo xa

Ông Lĩnh hay nhắc đi nhắc lại ngư dân ở đảo thương ông quá, hiền lành quá. Thời ông mới ra đảo làm gì đã có điện. Đêm đến là cả hòn đảo chìm trong bóng tối và những ngọn đèn dầu hiếm hoi. Cả bệnh viện của ông chỉ có một máy phát điện. Ông chỉ biết cười trừ: “Cái máy phát điện cũng hư lên hư xuống, có khi đang mổ nó cũng hư, chẳng biết đâu mà lần”.

Nhưng bác sĩ càng gặp khó khăn mới càng thấy người vùng biển thương ông. Có nhiều bận khi đang phẫu thuật máy phát điện bị hư thì chính người dân chở máy phát điện đến cho bệnh viện mượn. Lâu dần thành quen, nhà ông Phạm Phước ở xã Tam Thanh thấy mọi người ở bệnh viện cực quá nên đem luôn cái máy phát TS130-60kW đến để hẳn ở bệnh viện cho bác sĩ Lĩnh mượn.

Ông Phạm Phước chỉ cái máy phát cũ trong sân, kể: “Mấy lần đầu thấy máy phát điện bệnh viện hư, tui chở lên cho mượn. Nhưng sau thấy bệnh viện cần quá mà nhà tui làm thợ máy, cũng không thiếu máy nên để ở bệnh viện luôn, tui chẳng lấy về nữa”.

Ông Phước thấy việc mình có ích cho người xung quanh nên làm, chẳng nghĩ ngợi gì. Nhưng chính khoảnh khắc ông mở lòng mình ra đã động viên bác sĩ Lĩnh rất nhiều. Có điện, có phẫu thuật, có người được cứu sống. Bác sĩ với người dân ở đảo cùng cứu những mạng người trong điều kiện khó khăn không thể ngờ được.

Không chỉ có ông Phước, nhiều bà con xung quanh bệnh viện đều biết về những việc bác sĩ Lĩnh đã cố gắng làm cho hòn đảo mà quý mến ông nhiều hơn. Ông ra đường người dân đều bảo con họ chào ông. Buổi chiều nào bắt được nhiều cá người ta cũng đem đến chia cho ông. Ở một hòn đảo xa, ông Lĩnh động viên mình bằng chính tình thương mà người ta dành cho những gì ông đã cố gắng làm trong công việc của mình.

Hết ba năm công tác đầu tiên, khi ông được phép về lại đất liền cũng chính là lúc nhiều người được ông cứu chữa viết những lá thư xin ông đừng rời hòn đảo. Ông Đỗ Đẩm, một người từng có thời thường tình nguyện phụ bệnh viện đưa người đi cấp cứu, kể lại: “Tui chính là người bảo với bà con có người thân được bác Lĩnh cứu viết đơn xin bác đừng về. Bác ở đây đã cứu sống nhiều người, đã giúp nhiều người khỏi chết. Ở đảo đâu có ai chữa bệnh được như từ khi bác đến”.

Ông Đẩm là người đi biển, dăm bữa nửa tháng mới về đảo, lúc nào rảnh cũng sốt sắng giúp đưa bà con lên bệnh viện bằng chiếc xe Kopaghen 12 chỗ mà gia đình ông sắm được trong những lần đi biển có tiền. Lá đơn của ông Đẩm và nhiều người khác viết thành mười tờ giấy. Bác sĩ Lĩnh nhận được đơn, biết mình chẳng thể rời xa những người đi biển hiền lành này chỉ sau một thời gian ba năm ngắn ngủi như thế. Ông tình nguyện ở đảo tiếp tục công tác thêm một thời gian nữa.

Nhưng ngay cả với chừng ấy tình thương, nhiều lần bác sĩ Lĩnh vẫn cảm thấy mình như đã phải bỏ cuộc giữa biển khơi.

Ông đếm trên bàn tay mình: “Tôi may mắn có hai kỹ thuật viên gây mê rất giỏi, nhưng hai anh ấy hết công tác cũng đã về đất liền làm. Nhiều bác sĩ trẻ được cử ra đây công tác cũng cứ viện cớ ốm, một năm chỉ làm được vài tháng rồi bỏ về. Hồi trước ở đảo có một cậu học trò học giỏi lắm, tôi động viên đi học đại học y khoa, tôi cũng qua lại thuyết phục gia đình. Bệnh viện cố gắng giữ quan hệ với cậu ấy lắm. Nhưng tốt nghiệp rồi cậu ấy làm luôn trong đất liền, chẳng về lại đảo”.

Giọng ông chùng xuống. Từ năm 1987, khi ra đảo đến giờ, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu người bỏ về khi thấy biển trùng khơi mù mịt phía trước.

Và bác sĩ Lĩnh cứ ở lại, ở lại mãi... đến giờ đã là 25 năm. Ông đã làm tất cả để có thể cứu sống những sinh mạng mong manh của ngư dân trên biển. Ông già đi. Bệnh viện cũ đi. Người đi biển giờ có tiền và biết chăm lo cho sức khỏe của mình đã ít nhiều từ chối bệnh viện huyện vì điều trị còn hạn chế nhiều quá.

Người ta có tiền đi trên những con tàu sáu giờ đồng hồ vào đất liền chữa bệnh và quên mất bệnh viện huyện của cái thời nào đó. Còn bác sĩ Lĩnh ở lại, ông trăn trở mãi với bài toán bác sĩ, chuyên môn, thiết bị mà ông không thể tự mình quyết định hay thay đổi bất cứ điều gì để có thể làm việc điều trị của bệnh viện tốt lên nhiều hơn nữa.

Sau 25 năm, ông đã nhìn thấy công trình bệnh viện mới được đưa lên giấy, được hứa hẹn sẽ đầu tư 89 tỉ đồng, có đầy đủ các phòng kỹ thuật X-quang, siêu âm, phẫu thuật. Ông đứng từ lầu 2 bệnh viện cũ nhìn xuống khu công trường, gương mặt nhiều ưu tư, lo lắng: “Chẳng biết thế nào. Theo kế hoạch thì năm 2012 là bàn giao bệnh viện, vậy mà từ cuối năm 2009 đến tận bây giờ công trình hoàn thành chưa đến 30%. Rồi đến khi bệnh viện xong rồi chúng tôi cũng chưa biết làm cách nào để có bác sĩ chịu về đây nữa”.

Từ ngày 4 đến 8-6, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo trung ương do vụ trưởng Trương Minh Nhựt, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo trung ương tại TP.HCM, dẫn đầu đã có chuyến khảo sát liên ngành tuyên truyền về biển đảo tại huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Đoàn đã có buổi làm việc với cán bộ, đảng viên, báo cáo viên và lực lượng vũ trang của địa phương về kết quả Đại hội Đảng XI, về tình hình thời sự, công tác tuyên truyền biển đảo, những vấn đề an ninh trên biển Đông, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đoàn công tác cũng đã đi thăm các cơ quan của hải quân, huyện đội, bệnh viện quân dân y Phú Quý và một số công ty trên đảo.

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên