22/08/2023 07:30 GMT+7

Bác sĩ chỉ chịu làm việc ở bệnh viện lớn, từ chối vùng xa, nói lên điều gì?

Tại sao các bác sĩ trẻ rất ngại về y tế cơ sở làm việc, nhất là về các huyện xa như Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi…

Bác sĩ vừa hoàn thành 18 tháng thực hành ở trạm y tế gắn liền bệnh viện tại Ngày hội việc làm - Ảnh: D.PHAN

Bác sĩ vừa hoàn thành 18 tháng thực hành ở trạm y tế gắn liền bệnh viện tại Ngày hội việc làm - Ảnh: D.PHAN

Tỉ lệ sinh viên năm 2 và 3 của trường chọn theo chương trình thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế có chiều hướng giảm. Việc quan trọng hơn hết cần phải làm là "bơm" các chính sách phù hợp để thu hút bác sĩ trẻ về y tế cơ sở làm việc lâu dài.

PGS NGUYỄN THANH HIỆP

Bài toán làm sao để thu hút bác sĩ trẻ về y tế cơ sở vẫn còn nhiều nan giải.

Huyện xa tuyển người quá chật vật, vì đâu?

Là một trong những đơn vị không có bác sĩ đăng ký ứng tuyển trong ngày hội việc làm dành riêng cho bác sĩ trẻ, bà Phạm Thị Thanh Hiền - chủ tịch UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) - chia sẻ sau 18 tháng công tác tại các trạm y tế xã, đa số không thể vận động các bác sĩ tiếp tục công tác tại đơn vị.

"Khi được cấp chứng chỉ hành nghề, các bác sĩ đều xin làm việc tại các bệnh viện lớn, có điều kiện tốt hơn để nâng cao tay nghề" - bà Hiền tỏ vẻ tiếc nuối khi không thể giữ chân các bác sĩ này.

Bà Hiền cho biết hiện bệnh viện tuyến huyện do tự chủ về thu chi, máy móc và kỹ thuật cũng chưa đúng chuẩn. Số lượng bệnh nhân rất ít nên thu nhập cho y bác sĩ rất thấp, các bác sĩ lâu năm còn khó giữ.

Còn với các bác sĩ thực tập tại trạm y tế, họ có một tuần làm việc tại trạm y tế và một tuần học chuyên môn tại trường và các bệnh viện, nên việc di chuyển, đi lại gặp nhiều khó khăn, chưa gắn bó thường xuyên với trạm y tế.

Với các bác sĩ trẻ đã hoàn thành chương trình học tại trường, do đang trong thời gian thực hành, chưa có chứng chỉ hành nghề nên chưa thể trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh, kê toa thuốc cho bệnh nhân mà chủ yếu tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ công tác tiêm ngừa tại trạm y tế.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, bác sĩ Phạm Văn Tuấn - giám đốc trung tâm - cho hay đơn vị chỉ tuyển dụng được một bác sĩ trong chỉ tiêu tám bác sĩ (nhu cầu thực tế trên 10 người) trong ngày hội việc làm vừa qua. "Đây là niềm an ủi của địa phương, nhưng vẫn là con số rất ít so với các bác sĩ chọn các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh để làm việc" - bác sĩ Tuấn nói.

Về nhân lực hiện tại ở các trạm y tế trên địa bàn huyện, bác sĩ Tuấn cho biết còn thiếu nhiều bác sĩ, kể cả điều dưỡng. Có bốn trạm y tế trên địa bàn huyện chưa có bác sĩ cơ hữu, chủ yếu là bác sĩ của trung tâm y tế về tăng cường.

Theo bác sĩ Tuấn, mặc dù Sở Y tế TP.HCM có nhiều đề án thu hút bác sĩ về y tế cơ sở nhưng chưa được áp dụng, ngoại trừ chính sách mới dành cho bác sĩ hoàn thành 18 tháng thực hành tại y tế cơ sở gắn liền bệnh viện và bác sĩ về hưu. Do đó vẫn còn nhiều rào cản khiến bác sĩ vừa ra trường chưa mặn mà với y tế cơ sở.

Thu hút bác sĩ trẻ: "Phải phát triển chuyên môn kỹ thuật"

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) là bệnh viện tuyển dụng được nhiều bác sĩ nhất với 21 bác sĩ trong ngày hội việc làm vừa qua.

Bác sĩ Cao Tấn Phước - giám đốc bệnh viện - cho hay vào đầu tháng 9-2023, 21 bác sĩ này sẽ chính thức làm việc, học tập tại bệnh viện.

Để có sự tin cậy này, theo ông, một phần có thể đến từ việc những năm gần đây bệnh viện đã tập trung phát triển chuyên môn, kỹ thuật cao. Ngoài ra, bệnh viện cũng đang xây dựng mới, có thể đưa vào hoạt động trước ngày 30-4-2025, tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ sẽ có nhiều cơ hội học tập, cống hiến.

Mặc dù chỉ với mức lương bệnh viện đưa ra là 7,5 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền trực, phụ cấp khác) để các bác sĩ trẻ đủ xoay xở cuộc sống, nhưng họ thấy được tương lai phát triển của bệnh viện, được đi học, chọn ngành nghề phù hợp. Hơn nữa, các chuyên ngành của bệnh viện có thể phù hợp với bác sĩ trẻ như: can thiệp tim mạch, gây mê hồi sức...

Trước thực tế thiếu hụt bác sĩ trẻ về y tế cơ sở địa phương, bà Phạm Thị Thanh Hiền kiến nghị TP có cơ chế hỗ trợ nhiều hơn cho các bác sĩ thực hành về thu nhập và điều kiện.

Và để tuyển được bác sĩ trẻ về bệnh viện hay trung tâm y tế của huyện Củ Chi, TP phải đáp ứng được nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn trong điều trị, bằng việc luân phiên công tác của y bác sĩ - 6 tháng ở Củ Chi và 6 tháng ở các bệnh viện lớn - để tiếp cận các ca bệnh nặng nhằm nâng cao hiểu biết điều trị lâm sàng. Đồng thời phải đảm bảo thu nhập và chỗ ở để bác sĩ an tâm công tác.

Bác sĩ về cơ sở, cần gì?

Là một bác sĩ trẻ, đăng ký làm việc tại khoa nội tim mạch Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, bác sĩ Quốc Việt cho rằng để thu hút được các bác sĩ về các tuyến y tế cơ sở trước hết phải giải quyết được vấn đề thuốc, nâng cấp trang thiết bị để thu hút được người bệnh.

"Không có thuốc thì bệnh nhân sẽ không đến, không có bệnh nhân thì bác sĩ không về. Bên cạnh đó, tuyến y tế cơ sở cũng cần có thêm nhiều chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho bác sĩ nếu muốn thu hút bác sĩ về", bác sĩ Việt chia sẻ.

Theo giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, có ba vấn đề lớn để thu hút các bác sĩ trẻ về với các đơn vị tuyến quận.

Thứ nhất là phát triển chuyên môn, khoa học công nghệ, thu hút được nhiều bệnh nhân để các bác sĩ có điều kiện học tập, phát triển chuyên môn và cống hiến.

Thứ hai là môi trường làm việc tốt, thân thiện, có nhiều cơ hội học tập và thăng tiến trong tương lai.

Thứ ba là các bác sĩ trẻ mặc dù có nhu cầu học tập và cống hiến cực kỳ quan trọng nhưng họ phải có thu nhập đủ trang trải cuộc sống hằng ngày để an tâm cống hiến.

Làm cho dân tin y tế cơ sở

PGS Nguyễn Thanh Hiệp - hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - khẳng định chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế dành cho bác sĩ vừa tốt nghiệp là định hướng tốt của ngành y tế TP.

Để thu hút bác sĩ trẻ về y tế cơ sở, TP cần chú trọng nguồn lực, đảm bảo chính sách khuyến khích và quyền lợi cho họ, gồm: thu nhập không quá chênh lệch với tuyến trên, chú trọng chế độ an sinh tại các địa phương xa trung tâm TP và chế độ phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.

Tại y tế cơ sở cũng phải được trang bị nhiều máy móc, đầy đủ thuốc, liên thông hệ thống thông tin chuyển viện giữa trạm y tế và y tế tuyến trên... Đồng thời cần làm sao để người dân chủ động đến trạm y tế, với những "gói" giải pháp có ích cho người dân như: phát huy vai trò quản lý sức khỏe, dự phòng hỗ trợ và chuyển viện kịp thời, đặc biệt sơ cấp cứu phải hiệu quả.

Sẽ có cơ chế đặc thù cho nhân viên y tế

Mới đây, trong phiên thảo luận của Quốc hội tháng 5-2023, đại diện Bộ Nội vụ cho hay sẽ phối hợp Bộ Y tế hoàn thiện chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho hay hiện nay tỉ lệ chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019. Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10-20 triệu đồng một trạm mỗi năm.

Các bác sĩ trẻ đăng ký tham gia thực hành 18 tháng tại trạm y tế phường 14, quận 11 hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe - Ảnh: THU HIẾN

Các bác sĩ trẻ đăng ký tham gia thực hành 18 tháng tại trạm y tế phường 14, quận 11 hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe - Ảnh: THU HIẾN

Đặc biệt, mức phụ cấp trực một ngày đêm của y bác sĩ theo quy định hiện hành là 115.000 đồng một người, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng, đối với bệnh viện hạng một, hạng đặc biệt. Phụ cấp ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng, ca mổ loại một 125.000 đồng cho phẫu thuật viên chính.

Theo bộ trưởng Bộ Y tế, chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp vì đã xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay đã không còn phù hợp.

Từ chuyện Cần Giờ không tuyển được bác sĩ...Từ chuyện Cần Giờ không tuyển được bác sĩ...

Câu chuyện Cần Giờ đưa chỉ tiêu tuyển dụng 18 bác sĩ, cao nhất trong các trung tâm y tế quận huyện, nhưng rồi không tuyển được bác sĩ nào là một sự thật phũ phàng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên