07/11/2016 14:48 GMT+7

Bắc Kinh muốn loại hai nghị sĩ “nổi loạn” của Hong Kong 

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Các nhà hoạt động ủng hộ độc lập của Hong Kong sẽ “không có cửa” vào chính quyền, Bắc Kinh vừa tuyên bố sáng nay khi thông qua diễn giải Luật cơ bản Hong Kong.

Hai nghị sĩ trẻ Baggio Leung và Yau Wai-ching (phải) tham gia biểu tình chống sự can thiệp của Trung Quốc vào Hiến pháp Hong Kong chiều ngày 6-11 - Ảnh: Reuters

Tân Hoa Xã đưa tin khoảng hơn 10g sáng nay (giờ VN), Ủy ban thường trực Đại hội Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPCSC) nhất trí thông qua diễn giải của Bắc Kinh đối với điều luật 104 trong Luật cơ bản, được xem là Hiến pháp của Hong Kong.

Hành động này đánh dấu sự can thiệp của Bắc Kinh nhắm vào vụ tuyên thệ nhậm chức của một số nghị sĩ Hong Kong vừa qua, đặc biệt là đối với hai nghị sĩ trẻ của Đảng Youngspiration là Baggio Leung và Yau Wai-ching.

Tháng trước, lời tuyên thệ nhậm chức tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong (LegCo) của hai nghị sĩ này bị tuyên bố vô hiệu do những phát ngôn ủng hộ độc lập của Hong Kong.

Nữ nghị sĩ Yau Wai-ching trưng tấm banner ghi "Hong Kong không phải là Trung Quốc" trước khi tuyên thệ tại LegCo ngày 12-10 - Ảnh: Reuters 

Điều 104 Luật cơ bản Hong Kong có nội dung quy định khi các nhà lập pháp của “Đặc khu hành chính Hong Kong” nhậm chức, “theo luật pháp”, họ phải “thề duy trì Luật Cơ bản của Đặc khu hành chính Hong Kong thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thề trung thành với Đặc khu hành chính Hong Kong thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Theo báo South China Morning Post, diễn giải của Bắc Kinh cho biết nội dung thề trong Điều 104 là nội dung được luật pháp quy định và là thủ tục bắt buộc.

“Nếu một người không đưa ra lời tuyên thệ hợp lệ được pháp luật chấp nhận, hoặc từ chối tuyên thệ, người đó không thể nhậm chức, không thể thực hiện các nhiệm vụ và được hưởng đặc quyền”, Bắc Kinh diễn giải điều luật 104.

“Lời tuyên thệ phải đáp ứng đầy đủ các yều cầu về hính thức và nội dung. Người tuyên thệ phải chân thành, nghiêm trang và phải tuyên thệ một cách chính xác, đầy đủ và long trọng các cụm từ như “duy trì Luật Cơ bản của Đặc khu hành chính Hong Kong thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “thề trung thành với Đặc khu hành chính Hong Kong thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

“Việc tuyên thệ lại là bị cấm”, theo diễn giải của Bắc Kinh.

Can thiệp “cần thiết và đúng lúc”

Phát biểu liên quan đến vụ việc, một phát ngôn viên của Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Đại lục cho biết phần diễn giải đã nói lên những "ước muốn chung" của người dân Hong Kong và đại lục, và là điều "hoàn toàn cần thiết" và đúng lúc, theo Tân Hoa Xã.

Theo ông này, diễn giải của Bắc Kinh có tư cách pháp lý như Luật cơ bản và phải được thực hiện triệt để.

“Bắc Kinh sẽ hoàn toàn không cho phép bất cứ ai ủng hộ Hong Kong ly khai, cũng không cho phép bất kỳ nhà hoạt động ủng hộ độc lập nào vào chính phủ", người này khẳng định.

Ngoài ra, ông Martin Liao Cheung-kong, đại biểu Hong Kong, thành viên NPCSC cũng ủng hộ việc làm của Bắc Kinh, khẳng định nguyên nhân là do một số ứng viên LegCo đã vi phạm luật cơ bản và các luật khác của Hong Kong.

"Họ công khai ủng hộ Hong Kong độc lập, nhục mạ cả nước, đe dọa đoàn kết dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia", ông Liao nói.

Chủ tịch Ủy ban Luật cơ bản Li Fei cũng cho rằng các nhà hoạt động ủng hộ độc lập tại Hong Kong đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", Luật cơ bản, và luật pháp địa phương của Hong Kong.

Trả lời Tân Hoa Xã tại một cuộc họp báo sau khi diễn giải của Bắc Kinh được thông qua, ông Li Fei nói NPCSC hoàn toàn là hoàn toàn hợp lý trong việc giải thích điều 104.

Lo ngại làn sóng phản đối

Trước đó, bà Maria Tam Wai-chu, thành viên Ủy ban Luật cơ bản cho biết việc Bắc Kinh ủng hộ diễn giải Luật cơ bản sẽ làm gia tăng sự phản đối.

Lo ngại của bà Maria được minh chứng bằng cuộc biểu tình chỉ vài giờ sáu đó của hàng ngàn người Hong Kong xuống đường chống lại sự can thiệp của Bắc Kinh vào Hiến pháp Hong Kong chiều 6-11.

Hàng ngàn người tham gia biểu tình ở Hong Kong (trên) đối mặt với vào chắn của cảnh sát (dưới) - Ảnh: Reuters

Chuyện Bắc Kinh can thiệp vào Hiến pháp Hong Kong luôn là vấn đề nhạy cảm từ trước đến nay. Từ năm 1997, Hong Kong hiếm khi yêu cầu diễn giải luật.

Đây là lần thứ năm, Ủy ban thường trực NPCSC phải diễn giải Luật cơ bản, và lần đầu tiên một diễn giải luật được tuyên bố nhằm can thiệp một phiên tòa đang được tiến hành.

Trên thực tế, Tòa án Hong Kong xử lý vụ tuyên thệ của các nghị sĩ trẻ vẫn chưa đưa ra phán quyết có tước vai trò nghị sĩ của Leung và Yau hay không.

Chủ tịch Hội luật sư Hong Kong, bà Winnie Tam Wan Chi bày tỏ quan ngại rằng việc Bắc Kinh can thiệp có thể cản trở sự độc lập và pháp quyền tư pháp của Hong Kong.

Cộng đồng luật sư Hong Kong cũng đang có kế hoạch "diễu hành im lặng" vào ngày mai (8-11) để phản đối.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên