12/05/2016 09:07 GMT+7

Bắc Kinh lên giọng: Mỹ đang khiêu khích

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)

TTO - Bắc Kinh vẫn kiểu biện luận bất chấp dư luận khi cho rằng do Mỹ tuần tra nhiều nên mình phải gia tăng phòng vệ ở các đảo chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Tàu khu trục USS William P. Lawrence vừa thách thức Trung Quốc ở đá Chữ Thập - Ảnh: US Navy
Tàu khu trục USS William P. Lawrence vừa thách thức Trung Quốc ở đá Chữ Thập - Ảnh: US Navy

 

Theo Fox News, hôm qua Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng cho rằng chính việc hải quân Mỹ tuần tra thường xuyên ở Biển Đông khiến nước này phải gia tăng năng lực quân sự ở các đảo, đá chiếm đóng trên Biển Đông.

Phát ngôn kiểu bất chấp lý lẽ này được đưa ra sau sự kiện tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình USS William P. Lawrence thực hiện tuần tra khẳng định “tự do hàng hải” trong khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban khẳng định chuyến tuần tra này nhằm “thách thức những tuyên bố quá mức của một số nước liên quan ở Biển Đông”.

Nếu tàu hải quân Mỹ không thể di chuyển ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép, lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra cho các tàu hải quân của các nước nhỏ hơn?

Ông DANIEL RUSSEL (trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương)

Đưa tàu chiến vờn tàu Mỹ

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng tuyên bố đã đưa hai máy bay chiến đấu, một máy bay cảnh báo sớm và ba tàu chiến đến tuần tra gần khu vực đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để “cảnh báo” một tàu chiến của Mỹ rời khỏi khu vực. Động thái này diễn ra ngay sau khi Trung Quốc vừa hoàn tất các cuộc tập trận trái phép ở gần đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho một tàu khu trục tên lửa hành trình, một tàu khu trục loại nhỏ, tàu tiếp tế và máy bay trực thăng đi kèm tàu quần thảo quanh các đá Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Vành Khăn, Tư Nghĩa và Ga Ven nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở Biển Đông.

Bắc Kinh đã chỉ trích hành động của tàu chiến Mỹ là bất hợp pháp và gây ảnh hưởng đến hòa bình trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân phản ứng động thái trên của Mỹ là không có ích và Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách tuần tra trên không và trên biển thường xuyên hơn trong khu vực.

“Trung Quốc cũng sẽ tăng cường cơ sở quốc phòng của mình và kiên quyết bảo vệ chủ quyền cũng như an ninh quốc gia” - ông Dương tuyên bố trắng trợn như vậy.

Thông báo từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn dùng những lời lẽ mạnh bạo hơn: “Những hành vi khiêu khích của tàu chiến và máy bay Mỹ cho thấy mưu đồ của Mỹ tìm kiếm lợi ích bằng cách tạo ra sự hỗn loạn trong khu vực và một lần nữa chứng tỏ cho sự đúng đắn và cần thiết xây dựng cơ sở phòng thủ trên các đảo này của Trung Quốc”.

Xoa dịu Malaysia

Hôm qua, báo Malaysia cho biết Bắc Kinh và Kuala Lumpur đã nhất trí giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông thông qua Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Báo New Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman cho biết bản thỏa thuận trên đạt được tại cuộc họp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, diễn ra ngày 10-5 khi ông Dương đến thăm Malaysia. Ông Anifah cho biết ông và ông Dương cũng đã nhất trí đẩy mạnh việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Theo ông Anifah, hai bên đã thảo luận về việc các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Malaysia. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia cho biết ông đã nêu mối quan ngại của mình về tình hình tàu cá Trung Quốc thường ngang nhiên đi vào vùng biển chủ quyền của Malaysia.

Ông nhấn mạnh Malaysia và Trung Quốc không là các nước láng giềng nhưng lại chia sẻ chung một số khu vực ở Biển Đông. “Chính vì thế, chúng tôi chắc chắn luôn tồn tại các vấn đề như việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển của chúng tôi” - ông Anifah giải thích.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia khẳng định đó là lý do Malaysia và Trung Quốc cam kết giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến Biển Đông thông qua DOC.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh đang muốn dùng DOC để xoa dịu Malaysia sau khi giới chức nước này phản ứng khá rắn trong việc tàu cá Trung Quốc được tàu tuần tra của chính phủ hộ tống đi vào vùng biển chủ quyền của Malaysia.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của Kuala Lumpur trước khi phiên tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague ra phán quyết phân xử vụ Philippines kiện họ về vấn đề Biển Đông.

Đề nghị ASEAN duy trì đoàn kết về Biển Đông

Chiều 11-5 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đại sứ của các nước thành viên ASEAN. Liên quan tình hình phức tạp ở Biển Đông, Thủ tướng đề nghị các nước cần tiếp tục tăng cường phối hợp để phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời duy trì đoàn kết và lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Theo Thủ tướng, tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và hợp tác ở khu vực.

Q.TR.

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên