10/05/2016 13:53 GMT+7

Ông Obama sẽ bàn chuyện biển Đông ở Việt Nam

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Theo kỳ vọng của trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, các vấn đề tranh chấp biển Đông sẽ được thảo luận sâu rộng giữa Tổng thống Obama và các lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới.

Ông Daniel Russel - trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, tại cuộc họp báo ở Hà Nội sáng 10-5 - Ảnh: Quỳnh Trung 

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội sáng 10-5, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã cho biết như trên. 

Ông Russel cho biết trong cuộc gặp gần đây ở Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có một cuộc thảo luận vô cùng hiệu quả về vấn đề Biển Đông.

Bản thân ông Russel cũng bày tỏ tin tưởng với các quan chức Việt Nam rằng chủ đề Biển Đông sẽ được đề cập trong chuyến thăm Việt Nam trong tháng này.

Quan ngại khi Trung Quốc quân sự hóa biển Đông

Trả lời câu hỏi liệu Hoa Kỳ sẽ có cam kết cụ thể hơn về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trong cuộc gặp giữa ông Obama và các lãnh đạo Việt Nam sắp tới hay không, ông Daniel Russel cho biết tình hình Biển Đông hiện đang khiến tất cả các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại, không chỉ đối với những quốc gia có tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei.

“Câu hỏi các đảo này là của tôi hay của bạn chỉ là câu hỏi giữa hai chúng ta nhưng câu hỏi phải hành xử như thế nào trong vùng biển quốc tế là mối quan tâm của toàn thể thế giới. Nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về một số hành vi của Trung Quốc như cải tạo đất, xây dựng quy mô lớn, và quân sự hóa các đồn bốt ở Biển Đông” - ông Daniel Russel nói.

Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp biển Đông

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ kể rằng mới đây ông có thảo luận với các quan chức cấp cao của các nước ASEAN và các quốc gia Đông Á mới đây ở thành phố Luang Prabang, Lào nhân cuộc họp Quan chức cấp cao (SOM) thuộc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Ông Russel cho biết tại các cuộc thảo luận, gần như tất cả các nước đều bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và kỳ vọng các bên tranh chấp phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền của tất cả các nước dựa theo luật pháp quốc tế.

Ông Daniel tái khẳng định Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng chúng tôi đứng về phía luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển quốc tế.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết thêm Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và Trung Quốc và những quốc gia tuyên bố chủ quyền khác, cũng như là với ASEAN để giảm căng thẳng cũng như khuyến khích tiến trình ngoại giao.

Ông nhấn mạnh các hành động kiềm chế sẽ đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng của khu vực.

Về hoạt động tuần tra bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông, ông Daniel Russel khẳng định đó là chính sách lâu dài và nhất quán của Hoa Kỳ nhằm ủng hộ một hệ thống quốc tế mở.

“Hoa Kỳ không tuyên bố chủ quyền và cũng không mong muốn chiếm giữ bất kỳ đảo hay khu vực hàng hải nào ở Biển Đông. Chúng tôi chỉ chú trọng vào hai việc: một là giữ cho đại dương luôn tự do cho tất cả mọi người, hai là ngăn chặn các hành động làm xói mòn các quyền lợi chính đáng của các nước. Các hoạt động tuần tra của chúng tôi không phải là khiêu khích mà đó chính là quyền công dân toàn cầu” - ông Daniel Russel khẳng định.

5 nội dung thảo luận chính trong chuyến thăm của ông Obama

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội sáng 10-5, ông Daniel Russel cho biết có 5 vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận trong dịp Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam vào tháng này, gồm:

1. Chuyến thăm nhấn mạnh một nước Việt Nam vững mạnh, an toàn, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng nhân quyền phổ quát và pháp quyền, không chỉ phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân Việt Nam mà còn đáp ứng lợi ích của Hoa Kỳ.

Tăng cường quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một thành tố quan trọng trong chính sách tái cân bằng tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên cũng sẽ bàn về hợp tác kinh tế, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệp định quan trọng này. Hoa Kỳ cũng muốn mở rộng hợp tác an ninh song phương, gồm các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, nâng cao khả năng nắm bắt tình hình thông tin trên biển và hợp tác đảm bảo an ninh hàng hải.

2. Tăng cường các hoạt động hợp tác và giao lưu giữa nhân dân hai nước, trong đó có hợp tác đầu tư vào thế hệ trẻ Việt Nam thông qua Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), thành lập ĐH Fulbright Việt Nam.

3. Thảo luận các giải pháp đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, cụ thể là tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông; các vấn đề y tế toàn cầu; bệnh truyền nhiễm và chủ nghĩa khủng bố.

Về vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ mong muốn xây dựng một trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế và đề nghị các bên có các giải pháp tháo ngòi căng thẳng.

4. Hợp tác giải quyết các “di sản” chiến tranh như rà phá bom mìn, tìm kiếm và hồi hương di hài quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, xử lý ô nhiễm dioxin.

5. Tiếp tục thảo luận vấn đề nhân quyền và cải cách pháp luật của Việt Nam.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên