16/09/2015 11:01 GMT+7

Babut ở đâu những ngày cuối đời?

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Đây không chỉ là câu hỏi từ thân nhân của Alfred-Ernest Babut ở Pháp mà còn của những ai từng quan tâm đến con người đã lưu lại một dấu son ân nghĩa với nhà cách mạng Phan Châu Trinh, cả với những người yêu nước VN.

Bản báo cáo mật về Babut ngày 17-9-1954 của sở chỉ huy cơ quan an ninh Pháp gửi trưởng cơ quan an ninh Pháp tại Đông Dương, là một trong ba báo cáo cuối cùng về Babut được bà Lê Thị Kinh sưu tầm. Bà Kinh phải chép tay chứ không được phép sao chụp bằng máy
Bản báo cáo mật về Babut ngày 17-9-1954 của sở chỉ huy cơ quan an ninh Pháp gửi trưởng cơ quan an ninh Pháp tại Đông Dương, là một trong ba báo cáo cuối cùng về Babut được bà Lê Thị Kinh sưu tầm. Bà Kinh phải chép tay chứ không được phép sao chụp bằng máy

Dù dòng chảy thời gian làm mờ nhiều dấu tích lịch sử, nhưng với các chứng liệu còn lại mới được lật lên, nhiều người hi vọng tìm được câu trả lời...

Người thân duy nhất hiện được biết đến của Babut

Babut - theo các báo cáo về lý lịch của ông được mật vụ Pháp lưu lại, sinh năm 1878 tại Sedan, vùng Ardennes, một vùng phía bắc nước Pháp, giáp biên giới Bỉ. Cha mẹ đều mất sớm, ông được người cô ruột là Pauline Babut đỡ đầu.

Khi sang VN trong đội viễn chinh Pháp ông vẫn còn độc thân, đến khi ra Hà Nội làm Đại Việt Tân Báo ông quen biết rồi sống chung với một phụ nữ Việt làm nghề buôn bán. Từ sau Thế chiến thứ I đến cuối đời ông sống với một phụ nữ Pháp nhưng không có con.

Bà Lê Thị Kinh kể trong hai lần sang Pháp sưu tầm tư liệu về Phan Châu Trinh tại các thư khố Pháp vào các năm 1995, 1998 bà cố tìm cho ra hậu duệ của nhà báo Babut. Năm 1998, qua giáo sư sử học Daniel Hémery, bà Kinh có được địa chỉ của Daniel Danzon, người bà con được xem là hậu duệ duy nhất của Babut hiện được biết đến, sống ở Paris.

Thật may cho bà Kinh, ông Danzon - cháu gọi bà Pauline Babut (cô ruột của Babut) là bà cố, đã cho bà một số hình ảnh Babut chụp ở Pháp năm 1889, 1903 cùng một ảnh Babut chụp tại Hà Nội năm 1905.

Thêm vào những gì mà Danzon gọi là “di sản của gia đình” về Babut là một bức thư ông gửi về cho bà Pauline Babut từ Hà Nội năm 1905 cùng vài tờ Tin Tức Đông Dương và một thư gửi về ông Jules - chồng bà Pauline từ Đà Lạt năm 1948.

Nhưng thật đáng buồn, điều bà Kinh muốn biết là Babut sống tại đâu những ngày cuối đời, mộ phần của ông ở đâu lại cũng là điều mà ông Danzon đang tìm kiếm.

“Anh Danzon, sinh năm 1952, kể là sau khi nhận được thư của Babut gửi ông cố anh là ông Jules hồi tháng 8-1948, do gia đình ông bà cố anh gặp nhiều sự cố nên không hồi âm cho Babut được. Sau đó cả ông bà cố anh đều mất, từ đó gia đình anh không nhận một thông tin nào từ Babut nữa, bặt tăm luôn đến giờ...” - bà Kinh kể.

Năm 2000, ông Danzon sang VN, đến Hà Nội, đến Đà Lạt thăm viếng những nơi mà Babut đã sống qua để tìm thông tin của ông lúc cuối đời.

Theo lời mời của bà Kinh, ông Danzon có đến Đà Nẵng thăm bà Kinh và viếng nhà lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh - người bạn thâm tình của Babut.

“Khi vào Đà Lạt - nơi được biết là đến năm 1954 Babut vẫn còn sống ở đó, anh Danzon đã đến các nghĩa trang người Pháp thời trước tại đó để tìm thử có mộ phần của Babut ở đó không. Nhưng Danzon vẫn không tìm thấy được...” - bà Kinh kể lại.

Bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại chí sĩ Phan Châu TrinhẢnh: H.V.M.
Bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại chí sĩ Phan Châu Trinh - Ảnh: H.V.M.

Từ những tư liệu “cuối cùng”

Theo các báo cáo của sở chỉ huy cơ quan an ninh quân đội Pháp ở Đông Dương (9-1954), sau khi quân Nhật chiếm Hà Nội, ông tiếp tục sống tại đây.

Năm 1947, theo khuyến cáo của cao ủy Đông Dương D’Argenlieu, ông cùng vợ đến sống ở Đà Lạt. Năm 1950, thấy Babut túng quẫn, chính quyền Pháp tại Đà Lạt đã chi cấp hằng tháng cho ông mỗi tháng 1.750 đồng.

Năm 1954, dù Babut đã 76 tuổi nhưng thực dân Pháp vẫn đặt nặng việc theo dõi ông vì ngòi bút sắc sảo và “mối quan hệ” của ông với Việt Minh.

“Tháng 10-1945 hình như Babut đã hợp tác với Hội Văn hóa cứu quốc trong tờ báo Việt Minh La République (Cộng hòa) đã viết một số bài bất lợi cho sự nghiệp Pháp tại Đông Dương trong dư luận Pháp.

Có bài “Tội ác Pháp ở Đông Dương”, lên án Pháp đã giết tù chính trị tại Cao Bằng và Nghĩa Lộ (Yên Bái). Hình như ông ta đã là một cố vấn người Pháp của Chính phủ Việt Minh. Có quan hệ bè bạn với Hồ Chí Minh do quen biết hồi ở Pháp.

Thái độ thân cộng sản và thân Việt Minh được giữ nguyên sau 19-12-1946...” - trích từ báo cáo lý lịch Babut của cơ quan an ninh quân đội Pháp ở Đông Dương hồi tháng 9-1954.

Cũng quan trọng là bản báo cáo ngày 17-9-1954 của trưởng cơ quan an ninh quân đội Pháp tại Đông Dương, được bà Kinh xếp vào số ba báo cáo cuối cùng về Babut thuộc loại “mật” được thư khố Pháp xếp vào “loạt hồ sơ về Hồ Chí Minh”, bà chỉ được phép chép bằng tay ngay tại thư khố chứ không được sao chụp bằng máy.

Báo cáo này viết ngắn nhưng rất quan yếu về tâm trạng Babut ở thời điểm tháng 9-1954: “Ông Babut (rất được cơ quan an ninh Pháp quen biết) nhiều năm qua tại Đà Lạt có ý định xin đến Hà Nội và ở lại đó sau khi thành phố này bị quân đội Việt Minh chiếm đóng nhằm có thể liên hệ với người bạn cũ là Hồ Chí Minh.

Ông Babut hiện đang được nhiều tờ báo Pháp có xu hướng xã hội yêu cầu viết bài về đường lối chính sách ở Đông Dương”.

Và để ngầm đề xuất thượng cấp không cho phép nhà báo Babut đến Hà Nội, vài ba ngày sau cũng cơ quan an ninh này gửi tiếp đến tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương một báo cáo “mật” với nội dung trình báo về đơn xin đến Hà Nội của Babut, nhắc lại về mối quan hệ giữa Babut với Hồ Chí Minh, về việc Babut được các tờ báo có khuynh hướng xã hội ở Pháp đặt viết bài về hiện tình cùng các chính sách tại Đông Dương, và kèm theo là bản lý lịch của Babut.

Tuy không tìm thấy những văn bản của cơ quan quyền lực cao nhất tại Đông Dương của Pháp ra lệnh không cho phép Babut đến Hà Nội theo đơn xin của ông, nhưng chắc chắn đây là điều người Pháp không bao giờ chấp nhận cho Babut.

“Người Pháp dứt khoát là không cho phép Babut trở lại Hà Nội ở thời điểm đó. Ba bản báo cáo mật của họ đã mặc nhiên nói lên điều đó” - bà Kinh nói.

Babut ở đâu những ngày cuối đời, mồ mả ông hiện ở đâu? Theo bà Kinh, đây là nỗi day dứt của ông Danzon và cả của những ai biết qua sự nghiệp của ông.

“Nhà sử học Daniel Hémery quan tâm đến Babut lắm. Vậy mà ông vẫn không có thông tin về cuối đời của Babut. Tôi đưa những thông tin về Babut trong hai tập sách Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới của tôi một phần cũng là để mong có ai biết được thông tin về Babut lúc cuối đời xin hãy lên tiếng để khỏi làm “thất lạc” một nhà báo Pháp có công lớn với đời, với không chỉ người VN. Đến nay tôi vẫn tiếp tục chờ đợi và kỳ vọng...” - bà Kinh tâm sự.

Địa chỉ của người thân duy nhất được biết đến của Babut, người đang tìm kiếm mồ mả của Babut: Ông Daniel Danzon, 31 Doudouville, 73018 Paris.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên