14/09/2015 11:50 GMT+7

“Nhân vật nguy hiểm” ở Đông Dương

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Sự gắn bó của Alfred-Ernest Babut với sự nghiệp đấu tranh cho người Việt tựa như là định mệnh dẫu đó là chọn lựa của ông.

Babut chụp hình với người em của bà Pauline ở Pháp, năm 1899, trước ngày vào lính sang Việt Nam - Ảnh tư liệu của bà Lê Thị Kinh,  do ông Daniel Danzon gửi tặng năm 1999
Babut chụp hình với người em của bà Pauline ở Pháp, năm 1899, trước ngày vào lính sang Việt Nam - Ảnh tư liệu của bà Lê Thị Kinh, do ông Daniel Danzon gửi tặng năm 1999

>> Kỳ 1: Đến Hà Nội lập Đại Việt Tân Báo

>> Kỳ 2: Giải cứu Phan Châu Trinh

>> Kỳ 3: Ra báo Diễn Đàn An Nam tại Pháp

Sự dấn thân vì người Việt của Babut làm sáng danh thêm cho những người Pháp tiến bộ, cho đất nước có cuộc cách mạng 1789, nhưng lại là bản án đối với ông từ phía những nhà thực dân bảo thủ...

Bên ngoài những trang báo

Khó kể hết những gì Babut đã làm được từ những tờ báo do chính ông làm chủ. Và cũng khó kể hết những tác động tích cực của ông với số người Việt có tư tưởng tiến bộ, cách mạng trong “trận chiến” với nhà cầm quyền thực dân mà khí giới của họ chỉ là báo chí, hội đoàn.

Trong khá nhiều báo cáo của các cơ quan mật thám, an ninh Pháp về Babut, nổi bật là báo cáo của chánh Sở Mật thám Bắc kỳ ngày 16-1-1909: “Babut đã phân phát trong người bản xứ các thuyết ông ta định phát triển trong đám dân chúng được chúng ta bảo hộ...”.

Các thuyết đó được ghi cụ thể trong báo cáo như sách lược của một nhà vận động cải cách, Babut nói với người dân bị trị Đông Dương về mục tiêu đề xuất của ông là làm thế nào để trẻ em ở đây từ trai đến gái được học đến bậc tiểu học hiện hành một cách triệt để.

Rồi đến chuyện bầu cử các thành viên hội đồng tư vấn phải theo lối phổ thông đầu phiếu để chọn ra những đại diện xứng đáng. Về báo chí phải có một nền báo chí bản xứ tự do...

Babut nhấn mạnh với người đọc về những dự thảo này để động viên, khích lệ: “Các yêu cầu đó là của tất cả người An Nam biết suy nghĩ và yêu nước. Và chúng tôi cho rằng sẽ không có điểm nào bị coi là quá đáng khi được người ta biết đến ở Pháp...”.

Đúng là các quan chức thực dân ở Đông Dương đã rất bực tức và lo sợ trước những lời lẽ được họ cho là kích động quần chúng của viên chủ báo đã đi xa hơn vai trò nhà báo của mình!

Càng tức tối hơn với họ là việc Babut trở thành chỗ dựa cho những người Việt bị nhà cầm quyền Pháp coi là bất lợi cho nền cai trị thực dân.

Cũng báo cáo của viên chánh mật thám Bắc kỳ cho thấy rõ điều đó: “Nhà của Babut (ở Hà Nội - PV) đã là nơi tụ tập để trao đổi và làm quen của các thành phần cải cách và cách mạng An Nam. Như thế là Babut đã tập hợp quanh ông ta những kẻ có tham vọng và mưu đồ...

Theo nguồn thông tin chắc chắn thì Babut đã nhận được nhiều thư từ, đặc biệt là từ Trung kỳ, vì vậy đã biết trước các sự kiện nổ ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi (tức sự biến năm 1908, thường gọi sự biến Trung kỳ - PV) nhưng không hề báo cho nhà cầm quyền vì ông ta quá thích thú thấy các tư tưởng tự do vô chính phủ của mình biến thành phong trào cách mạng”.

Mối quan hệ của Babut với các sĩ phu có tinh thần cách mạng ở Bắc kỳ sau sự biến 1908 vẫn tiếp tục.

Từ Pháp trở lại Hà Nội vào cuối năm 1908, bất chấp sự dòm ngó thường xuyên của mật thám, ông đã có cuộc gặp với chí sĩ Lương Văn Can (1854-1927), người sáng lập và chủ trì Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội năm 1907.

Cuộc trò chuyện giữa hai người được chánh mật thám Bắc kỳ Vinciliani ghi lại có một đoạn thật lý thú: “Khi tiễn ông Can, ông Babut chỉ chân dung của Tôn Dật Tiên và nói: Đây là một trong những người bạn tốt của tôi hiện đang ở Pháp. Phải có nhiều người An Nam như ông ấy”.

Những năm quay lại Pháp làm báo Diễn Đàn An Nam, Babut luôn thân cận với những người Việt có chí hướng đấu tranh cho dân tộc trong nhóm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc...

Nhà số 6, villa de Gobelins ở Paris - địa chỉ xuất hiện liên tục trên báo cáo của các mật báo viên Pháp - là nơi Babut hay lui tới.

Báo cáo của khâm sứ Pierre Guesde, tổng cai quản người Đông Dương tại Pháp, có ghi lại việc Babut mời Nguyễn Ái Quốc đến tại nhà mình ở 41 đường Mademoiselle để hội kiến theo thư mời đề ngày 21-1-1922 của Babut.

Bà Lê Thị Kinh ở Thư khố Pháp năm 1998 trong thời gian sưu tầm tư liệu về cụ Phan Châu Trinh, trong đó có tư liệu về Babut - Ảnh nhân vật cung cấp
Bà Lê Thị Kinh ở Thư khố Pháp năm 1998 trong thời gian sưu tầm tư liệu về cụ Phan Châu Trinh, trong đó có tư liệu về Babut - Ảnh nhân vật cung cấp

Tiếng vang và lao tù

Được làm việc vì lẽ phải, tự do, công bằng cho những người bị áp bức, thua thiệt là hạnh phúc của Babut.

Như ông viết trong thư (25-11-1905) gửi về người cô ruột Pauline Babut khi đang “bận việc đến tận cổ” với Đại Việt Tân BáoBản Tin Đông Dương: “Ở đây với bản năng và lý trí cách mạng, cháu đã tìm thấy những vị cai trị đại diện cho công lý, chân lý và tiến bộ, đối lập với cánh thực dân. Các “bản tin” của cháu sẽ cho cô thấy rõ điều đó...”.

Bên cạnh những người bạn “bản xứ”, những người Pháp tiến bộ trong chính giới, những bộ óc tinh hoa của xã hội Pháp ở Đông Dương và ở chính quốc là nguồn động viên nhà báo trẻ dấn thân từ xuất phát điểm của một người lính viễn chinh.

Từ sự lên tiếng kịp thời và quyết liệt cho việc giải cứu Phan Châu Trinh, nhất là khi ông quay về Pháp đánh động tới quốc hội qua Liên minh nhân quyền Pháp, Babut đã thêm được khá nhiều bạn bè có vai vế ở chính quốc, nơi mà mươi năm trước cái tên Alfred-Ernest Babut chỉ được người thân và người cùng đơn vị của mình biết đến.

“Khi lục tới bản báo cáo về lý lịch của Babut ở thư khố Pháp, thấy cơ quan mật vụ ghi tên những người mà Babut thân cận, tôi bỗng giật mình. Toàn là những người có tiếng tăm, có vị thế lớn trong xã hội, tiếng nói của họ rất có uy lực với chính quyền, với dư luận...” - bà Lê Thị Kinh nói.

Từ sáng lập viên buổi đầu, chỉ một vài năm sau, năm 1909, Babut đã trở thành trưởng chi hội Liên minh nhân quyền Pháp tại Hà Nội.

Khi trở về Pháp làm báo Diễn Đàn An Nam, Babut lại trở thành thành viên của Tiểu ban Đông Dương thuộc Ban nghiên cứu thuộc địa của Liên minh nhân quyền Pháp (1921).

Toàn là những “chức vụ” không gắn với bổng lộc mà là gánh vào những trách vụ, gian lao.

Sẽ nhầm lẫn nếu cho rằng chính quyền thực dân chỉ biết tức tối chứ không làm gì Babut. Vì viết những lời lẽ có tính “kích động dân chúng”, ngày 31-12-1941 Babut bị kết án tù 10 tháng, nhưng trong phiên phúc thẩm non một tháng sau ông may được trắng án.

Tuy nhiên non một năm sau, cuối tháng 1-1942, Babut lại bị toàn quyền Đông Dương ra quyết định tống giam tại nhà lao Thái Nguyên cũng vì tội danh có bài viết kích động dân chúng. Rồi ông lại bị bắt và cho an trí ở Lào Kai (tháng 9-1942).

Đến tháng 6-1944 ông lại bị cấm lưu trú tại Hà Nội. Đầu tháng 3-1945 trên đường sang Trung Quốc để về Pháp, ông bị quân Nhật bắt chuyển về Hà Nội.

Bản báo cáo về Babut của Sở An ninh Pháp ở Đông Dương lập hồi tháng 9-1954 bỏ qua chi tiết ông và vợ bị cầm tù 3 năm tại Hà Nội trong Thế chiến thứ hai, điều đã được ông thổ lộ qua thư gửi người dượng - chồng người cô ruột Pauline Babut của ông hồi tháng 8-1948:

“Decoux (toàn quyền Đông Dương - PV) đã bắt giam cả hai vợ chồng cháu trong suốt ba năm, ông ta coi cháu là nhân vật nguy hiểm nhất Đông Dương”.

_______________

Kỳ tới: Đi “an trí” ở Đà Lạt

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên